Lắng nghe trong đại dịch

Thứ Năm, 03/03/2022, 12:42

Tình cờ, trong những ngày giá rét, tôi đọc trên Báo Nhân dân một tin tức rất đáng tiếc: Cụ bà Cristina Calderon, người cuối cùng của cộng đồng Yagan thông thạo ngôn ngữ Yamana vừa qua đời vì COVID-19 ở tuổi 93. Vậy là, sau gần một thế kỉ, đã không có ai tiếp tục sử dụng ngôn ngữ này, nó chỉ còn là báu vật riêng của một bà cụ ngồi đan len ở làng Ukika, Puerto Williams (Chile), cách Nam cực không xa.

Chúng ta đều biết ngôn ngữ không chỉ là công cụ giao tiếp mà còn là cách một cộng đồng người cảm nhận về thế giới. Ở đâu cũng có núi, sông, lửa, nước, quá khứ, tương lai, sự tốt đẹp và sự xấu xa… nhưng mỗi dân tộc lại có cách gọi tên, cách cắt nghĩa mang quan niệm, thái độ thẩm mỹ khác nhau. Và, đằng sau tất cả đó là nền ăn hoá. Tôi đã cố gắng search trên google nhưng gần như không tìm được thông tin nào về những người đồng tộc của cụ bà Cristina Calderon. Không biết những người Yagan ấy (đã hoà nhập vào cộng đồng chung của Chile và nói tiếng Tây Ban Nha) có bao giờ nghĩ đến một thứ tiếng nói của cha ông mình, điều mà tổ chức UNESCO âu ngại: "Với mỗi ngôn ngữ chết đi, chúng ta đánh mất một di sản văn hóa khổng lồ, cách con người liên hệ với thế giới, kiến thức khoa học, y học, thực vật học, quan trọng nhất là cách các cộng đồng biểu đạt sự hài hước, tình yêu và cuộc sống".

Lắng nghe trong đại dịch -0
Lãnh đạo Viện Kiểm định và Phát triển Chất lượng, Chủ tịch Hội Chất lượng thành phố Hồ Chí Minh trao Giấy chứng nhận cho Sở GD&ĐT.

Vẫn biết, trên thế giới này, cứ "4 tháng có một ngôn ngữ chết đi và một nửa ngôn ngữ của thế giới có thể biến mất trước năm 2100" (theo vnexpress.net), nhưng cái chết của bà cụ 93 tuổi và những giá trị văn hoá vừa biến mất khiến người viết có một liên tưởng: Đại dịch COVID-19 không chỉ làm thế giới bị đảo lộn mà còn che lấp đi những điều mà nếu không lắng nghe, một lúc nào đó chúng ta sẽ thật sự tiếc nuối. Hãy coi đó là động lực, là "sức đề kháng"của xã hội trước bất kì một thách thức nào.

Chắc sẽ không nhiều người hàng ngày đang lướt web để ý đến một chi tiết thú vị: Sau vụ gặt, đàn chim từ phương Bắc bỗng tìm về nhiều vùng quê ở Nghệ An- một niềm vui nhưng cũng nặng trĩu lo âu. Bởi lâu nay, chính các loại chim sẻ, chim én, cò… quen thuộc của đồng đất còn đang bị tận diệt bằng bẫy âm thanh, bẫy lưới, bẫy dính… liệu những "vị khách phương xa" có thể thoát nổi muôn vàn hiểm họa đó không? Tác giả Châu Phú trên Tuanvietnam (Báo điện tử Vietnamnet) đã khẳng định: "Bảo vệ đàn chim di cư là bảo vệ môi trường thiên nhiên, sâu xa và thiêng liêng như là bảo vệ đất nước. Đó chính là tiền đề, cơ sở cho một xã hội văn minh với môi trường trong sạch, con người sinh sống, làm việc hài hòa, thuận hòa với thiên nhiên tươi xanh, muôn loài đan kết bền vững".

Quả thật, khi các cấp chính quyền của tỉnh Nghệ An đã vào cuộc quyết liệt để bảo vệ những đàn chim này, người viết cảm thấy ấm lòng. Một động thái mạnh mẽ khi "huyện Diễn Châu, qua gần 20 ngày ra quân, các xã đã triệt xóa 545 điểm đánh bắt chim cò, tiến hành thu giữ trên 35000 m lưới và tiêu hủy gần 75000 cò giả làm bằng xốp" (theo Báo Nghệ An). Vợ chồng anh Vũ Văn Ngân (xóm 10 xã Lý Thành, huyện Yên Thành (Nghệ An)  đã dành khu vườn rộng chừng 2ha để đón hàng ngàn lượt chim trời bay về làm tổ và sinh sôi nảy nở. Người dân đã lo lắng, chính quyền đã kịp thời hành động, chúng ta có thêm những hi vọng.

"Tiền đề, cơ sở cho một xã hội văn minh" mà tác giả Châu Phú nhắc tới có lẽ chính là câu trả lời cho một thắc mắc bấy lâu nay: Chúng ta có công nghệ, chúng ta cần gì ở tự nhiên, ở những điều xưa cũ? Sẽ không có người thày dạy nghệ thuật hay đạo đức nào thuyết phục hơn là những loài vật dạy cho con cháu chúng ta về giá trị sống. Khi một đứa trẻ biết cho một đàn chim ăn; khi chúng ta biết thương một chú chó, chú mèo, yêu đàn cò trắng bay trên cánh đồng… thì khi lớn lên các em sẽ khó làm điều ác, làm điều thất đức với cộng đồng. Dần dà, chúng ta đã cảm nhận được "lỗ hổng" của những giá trị nhân văn ấy và cũng thấm thía hơn một bài học: Mất đi thế giới thiên nhiên thì sẽ chẳng còn điều gì tốt đẹp.

Lặng lẽ lắng nghe trong xôn xao mùa dịch là tâm sự của họa sĩ Nguyễn Ngọc Hân. Chị đã đưa ra ý tưởng "Du lịch trong Covid" khá táo bạo nhưng cũng rất thuyết phục. Nữ hoạ sĩ chia sẻ: "Ý tưởng hướng tới cộng đồng mở ra một không gian cho du lịch nội địa tự "lá lành đùm lá rách", cùng nhau vượt qua Covid. Du lịch cộng đồng cũng góp sức cho ngành du lịch trở lại trong tương lai gần, khi quốc gia mở cánh cửa chào đón khách quốc tế trở lại".

Lắng nghe trong đại dịch -0
Anh Vũ Văn Ngân chăm sóc cò con trong vườn nhà.

Họa sĩ đã chỉ ra cách làm rất cụ thể sau những trải nghiệm của hai vợ chồng chị: "Trong khó khăn, thúc đẩy du lịch không phải câu chuyện của riêng một cá nhân, hay doanh nghiệp. Chúng tôi thuyết phục cả thôn cùng làm du lịch cộng đồng. Nhà này cung cấp xe đạp cho thuê, nhà kia cung cấp người hướng dẫn tham quan các bản. Có hộ gia đình chuyên cho thuê bè mảng để du lịch trên suối. Khách cũng tới thăm vườn của người dân, mua cà chua, dưa chuột, rau sạch, mật ong. Họ được trải nghiệm nhổ lạc, bẻ ngô, cấy lúa với người dân tộc. Chúng tôi ấn định mức giá để tránh tình trạng thương mại hóa quá mức và cạnh tranh thiếu lành mạnh, nhưng không thu đồng lãi nào từ dịch vụ cộng đồng của người dân tộc. Du khách trả bao nhiêu tiền thì người dân hưởng lợi bấy nhiêu. Mô hình cộng đồng sẽ tiếp tục là hướng đi tạo nền cho du lịch sau khi cơn bão Covid qua đi" (theo vnexpress.net). Đằng sau du lịch, sau trải nghiệm và nguồn thu còn là sự nhân ái và sự gắn kết giữa các vùng miền, một ý tưởng rất thú vị.

Trong ngày đặc biệt nhất với sự trùng lặp của ngày, tháng, năm tạo nên dãy số đẹp mà cư dân mạng xôn xao bàn tán: 22/02/2022, trên Báo Nhân dân có một tin vui: "Tổ chức chứng nhận quốc tế FrenchCert-Vương quốc Anh đã chứng nhận và công bố Hệ thống quản lý chất lượng tích hợp IMS của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La đạt tiêu chuẩn quốc tế ISO 9001: 2015 và ISO 21001: 2018. Đây là đơn vị giáo dục đầu tiên của Việt Nam được quốc tế công nhận khi áp dụng, vận hành hệ thống này".

Theo thông tin trong bài viết, toàn châu Á hiện mới có 32 tổ chức giáo dục làm được điều đó. Một điểm sáng cho giáo dục miền núi giữa muôn vàn khó khăn. Cũng như tin vui khi Đại học Kinh tế Quốc dân (NEU) từng bước sẽ tạo ra môi trường công nghệ cho sinh viên, hướng tới đưa AI, Big data trở thành một trong số môn học chính (theo vnexpress.net). Giáo dục đang vượt thoát để đi lên đáp ứng kì vọng của chúng ta. Những tồn tại bấy lâu như: Tình trạng thừa, thiếu giáo viên; công tác truyền thông về giáo dục còn hạn chế, chưa tạo được đồng thuận cao trong xã hội; hướng nghiệp chưa thực sự hiệu quả… vẫn cần phải giải quyết, tháo gỡ nhưng không vì thế mà quên đi sứ mệnh đổi mới và đột phá.

Gần hai năm qua, chứng kiến những sách lược được đưa ra trước đại dịch, người viết thấm thía nhất với sự "thích ứng" và "bình thường mới"- những cụm từ dễ hiểu nhưng không hề đơn giản. Thích ứng không chỉ là làm quen, quen dần với sự thay đổi mà còn là sự bình tĩnh, không bị phân tâm bởi những biến động để thực hiện được những dự định, kế hoạch của mình. Một bình thường mới cũng là khi chúng ta đã và đang đổi mới để hoàn thiện hơn. Hãy lắng nghe, vẫn đang có những tín hiệu vui giữa lúc cả nước đang phòng, chống dịch.

Kiến Văn
.
.