Lan tỏa các giá trị chân - thiện - mỹ

Thứ Sáu, 03/01/2025, 10:04

"Đào, phở và piano" - phim của đạo diễn Phi Tiến Sơn đã không có tên trong danh sách đề cử của hạng mục Phim truyện quốc tế xuất sắc (trước đây có tên là hạng mục Phim tiếng nước ngoài hay nhất) của giải Oscar 2025 (lần thứ 97), sau khi tham dự vòng sơ loại với 85 tác phẩm khác được gửi tới từ các nền điện ảnh khắp thế giới.

Dù nhìn nhận ở góc độ nào thì vẫn khó giấu được cảm xúc nuối tiếc, khi lần nữa đại diện của phim Việt không vào được giải Oscar do Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh Mỹ tổ chức.

đào phỏ piano.jpg -0
"Đào, phở và piano" không có tên trong danh sách đề cử hạng mục Phim truyện quốc tế xuất sắc của giải Oscar 2025.

Nói nuối tiếc không hẳn chỉ vì đây là giải thưởng điện ảnh danh giá nhất hành tinh, mà còn bởi nhiều lý do khác. Đầu tiên, đây là phim do Nhà nước đặt hàng sản xuất. Cho nên, nếu phim được giải cao thì sẽ khẳng định được rằng, phim do Nhà nước đặt hàng (đồng nghĩa với các yếu tố chính trị, tuyên truyền... được đặt lên hàng đầu) vẫn hay, vẫn thu hút khán giả, chứ không chỉ phim giải trí đơn thuần mới làm được điều đó.

Trên “sân nhà”, "Đào, phở và piano" từng gây “sốt vé” nên được xem là thành công về mặt thương mại so với nhiều dự án phim đặt hàng khác, khi thu về hơn 20 tỷ đồng chỉ sau khoảng 3 tháng phát hành - con số ấn tượng đối với phim nhà nước trong nhiều thập kỷ qua. Phim này còn thành công về mặt truyền thông và phản ánh được sự quan tâm của khán giả ở dòng phim sử Việt, khi tác phẩm lấy bối cảnh Hà Nội trong cuộc chiến 60 ngày đêm cuối năm 1946, đầu năm 1947, ca ngợi tinh thần của chiến sĩ, nhân dân Hà Nội thời bom đạn. Ở các giải thưởng tổ chức trong nước, như Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ 23 và giải Cánh diều vàng, "Đào, phở và piano" đều có giải.

Nhưng, chỉ nuối tiếc chứ không có gì phải buồn, vì thực sự mà nói, Oscar là “sân chơi” quá lớn đối với điện ảnh Việt Nam, trên mọi bình diện. Kể từ khi giải Oscar được trao hằng năm (1929) đến nay, qua gần trăm mùa giải, phim Việt từng gửi các đề cử như “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” - đạo diễn Victor Vũ, “Cô Ba Sài Gòn” - Trần Bửu Lộc và Kay Nguyễn đồng đạo diễn, “Hai Phượng” - đạo diễn Lê Văn Kiệt, “Mắt biếc” - Victor Vũ đạo diễn, “Bố già” - Trấn Thành và Vũ Ngọc Đãng đồng đạo diễn, “Tro tàn rực rỡ” - Bùi Thạc Chuyên đạo diễn... nhưng vẫn chưa có cơ hội chạm tới giải thưởng Oscar. Ngay ở đề cử cho hạng mục Phim nước ngoài hay nhất lần này, đại diện duy nhất của điện ảnh châu Á cũng chỉ có phim “How to make millions before grandma dies” (Gia tài của ngoại) của đạo diễn Pat Boonnitipat (Thái Lan).

Oscar là giải thưởng điện ảnh danh giá nhất hành tinh. Sự kiện trao giải lần này dự kiến sẽ diễn ra ở Los Angeles, Mỹ, ngày 3/3/2025. Nhưng, không sao cả, vì với những sân chơi khác thì không có gì là quá tầm với của phim Việt. Mới đây nhất, đạo diễn Trịnh Tú Trung đã giành chiến thắng với Giải thưởng đặc biệt từ Ban giám khảo "Special Jury Awards" bằng bộ phim hợp tác Việt Nam - Thái Lan "Là mây trên bầu trời của ai đó - Side Seeing The Movie". Đây là lần thứ hai Việt Nam thắng giải này tại Liên hoan Phim châu Á - Thái Bình Dương, qua 61 lần tổ chức. Lần trước, năm 2018, người thắng giải là đạo diễn Ngọc Thanh Tâm với bộ phim "Đảo của dân ngụ cư".

Mới đây, phim “Làm giàu với ma" (tựa tiếng Anh “Betting with ghost”) của đạo diễn Nguyễn Nhật Trung (Trung “Lùn”) đã được chọn trình chiếu chính thức tại Jakarta film week 2024 (Tuần lễ phim Jakarta 2024) cho hạng mục Global Features (Phim quốc tế hay nhất), sau thành công với doanh thu 128 tỉ đồng tại thị trường trong nước. Jakarta film week là sự kiện được Bộ Du lịch và Kinh tế sáng tạo Jakarta khởi xướng vào năm 2021, nhằm hỗ trợ và phục hồi ngành công nghiệp điện ảnh sau đại dịch COVID-19 tại Indonesia. Sau trình chiếu này, phim “Làm giàu với ma" còn được phát hành ở các cụm rạp tại Indonesia, từ ngày 13/11/2024 và khởi chiếu tại một loạt quốc gia và vùng lãnh thổ khác như Australia, New Zealand, Đài Loan (Trung Quốc), Campuchia, Thái Lan, Malaysia, Brunei, Lào...

Cho nên, nói thế để thấy khát khao là chính đáng, nhưng thực lực là chuyện cần giải quyết tận gốc thì mới có cơ hội biến thành hiện thực. Với những định hướng trong Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030, các dự án điện ảnh cũng như dự án sản xuất tác phẩm của các loại hình nghệ thuật khác, nếu có giá trị thực sự thì sẽ có nguồn lực đầu tư thỏa đáng. Và, quan trọng nữa, công chúng của “sân nhà” cũng luôn sẵn sàng “tiếp lửa” để các nghệ sĩ chân chính và tài năng có cơ hội tỏa sáng, lan tỏa các giá trị CHÂN - THIỆN - MỸ.

Lương Duy Cường
.
.