Làm lại cuộc đời không bao giờ là muộn

Thứ Năm, 09/09/2021, 12:24

Chiều 30/8, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã ký Quyết định đặc xá năm 2021 nhân dịp Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Theo đó, Chủ tịch nước quyết định đặc xá cho 3.026 phạm nhân đang chấp hành án phạt tù 3 người đang được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù và 6 người đang được hoãn chấp hành án phạt tù, có đủ điều kiện được hưởng đặc xá năm nay.

Truyền thống nhân văn của dân tộc Việt Nam là “đánh kẻ chạy đi, không đánh người chạy lại”, theo đó, vào các dịp lễ lớn có ý nghĩa trọng đại của đất nước, của dân tộc, Đảng và Nhà nước ta lại tổ chức đặc xá đối với các phạm nhân đang chấp hành hình phạt tù được trở về đoàn tụ với gia đình, hoặc giảm thời gian thực hiện án phạt tù tại trại giam đối với các phạm nhân cải tạo tốt, làm cho không khí của đất nước các ngày lễ trọng thêm phần ý nghĩa.

screenshot_114-1630497739440.png -0

Lễ công bố quyết định đặc xá được tổ chức trang nghiêm, long trọng. Đây là minh chứng cho sự dân chủ và nhân quyền, nó chứng tỏ Nhà nước Việt Nam không chỉ quan tâm đến người dân lương thiện mà cả những người đã một thời lầm lỡ… Hàng nghìn người hưởng niềm vui được khoan hồng, sớm trở về đoàn tụ với gia đình, sẵn sàng cho cơ hội thứ hai để làm lại cuộc đời, trở thành người có ích cho xã hội.

Hoàn lương để trở thành người lương thiện không chỉ là khát vọng của những người một thời lầm lỗi, mà còn là mong mỏi của cả cộng đồng… Không ai có thể xóa bỏ lịch sử quá khứ, cách duy nhất để thay đổi số phận là phải bước qua những buồn tủi của ký ức một thời lầm lỡ. Cánh cửa sẽ không bao giờ khép lại, vẫn luôn còn đó một nẻo về bằng chính khao khát thiện lương trong lòng mình…

Để đặc xá không chỉ là trả tự do sớm cho phạm nhân mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho họ nhanh chóng tái hòa nhập với cộng đồng. Nhận thức được vị trí quan trọng của công tác “hậu đặc xá", Bộ Công an đã chỉ đạo các trại giam, công an các đơn vị địa phương tạo lập mối quan hệ với các tổ chức kinh tế, chủ động có kế hoạch tham mưu cho chính quyền các cấp, các cơ quan, ban, ngành và nhân dân cùng tham gia, phối hợp làm tốt công tác này. Khi hưởng đặc xá, người hoàn lương giảm bớt mặc cảm của thân phận tù đày, nhanh chóng tái hòa nhập với cộng đồng.

Sau niềm vui ngày đoàn tụ là những chông chênh, hoang mang và tự ti về quá khứ, lo sợ bị kỳ thị, xa lánh, không biết phải bắt đầu cuộc sống mới từ đâu, mọi thứ ập đến với muôn ngàn khó khăn. Nhiều địa phương đã thành lập Quỹ hỗ trợ cho vay vốn không lấy lãi cho những người được đặc xá và tạo điều kiện thuận lợi để họ và gia đình nhanh chóng ổn định đời sống, phát triển kinh tế. Vết thương nào rồi cũng sẽ lành, nhưng chính từ tình yêu thương của gia đình, sự đùm bọc, giúp đỡ của bà con làng xóm, chính quyền địa phương đã giúp những người có một thời lầm lỡ tin vào chính mình, quyết tâm làm lại cuộc đời. Không có gì là quá muộn, chỉ muộn khi mình không dám bắt đầu.

Trong cuộc sống, không thiếu những tấm gương hoàn lương tiêu biểu đại diện cho rất nhiều người từng có quá khứ lầm lỗi với nghị lực của bản thân và sự giúp sức của xã hội đã trở thành người lương thiện. Để những người từng có quá khứ lầm lỗi trở thành công dân tốt, bên cạnh những cố gắng từ chính bản thân họ thì rất cần các cấp chính quyền tạo điều kiện để họ tái hòa nhập cộng đồng; đồng thời, mọi người xung quanh cũng cần dang rộng vòng tay, tha thứ những sai trái trước đây, đó chính là những yếu tố rất quan trọng giúp họ vững bước trên con đường hoàn lương.

Vấn đề tiếp tục quản lý giáo dục người hoàn lương sau khi được đặc xá trở về là khâu rất quan trọng nhằm đảm bảo cho những người được hưởng đặc xá sớm hòa nhập cộng đồng thì phải huy động được sức mạnh của toàn bộ hệ thống chính trị, được toàn Đảng, toàn dân cùng chung sức, đồng lòng. Điều quan trọng nhất là giúp đỡ họ có công ăn, việc làm, giải quyết được khó khăn, đồng thời tiếp tục quản lý, giáo dục, cảm hoá để họ có điều kiện thực sự hoàn lương. Cần tránh tình trạng coi đây là việc làm riêng của lực lượng Công an. Chỉ có vậy mới thực hiện có hiệu quả công tác đặc xá, một chính sách nhân đạo cao cả của Đảng và Nhà nước ta.

Quyền của con người ở Việt Nam được đảm bảo bằng sự nghiêm minh của luật pháp với lòng tin, sự khoan dung, nhân ái của xã hội đã rộng mở đón đợi, chắp cánh cho những cuộc đời từng có thời lầm lỡ, như lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu: “Nếu có phương pháp giáo dục thích hợp thì ai cũng có thể trở thành người tốt, không ai là người bỏ đi”.

 

Cù Tất Dũng
.
.