Làm gì để bảo vệ cán bộ dám đột phá?

Thứ Bảy, 09/10/2021, 15:00

Trong cơ quan, tổ chức Nhà nước dường như có ít cán bộ, công chức dám đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm. Liệu có phải lâu nay do cơ chế còn thiếu, hay do các quy định về bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo chưa cụ thể, rõ ràng nên cán bộ, đảng viên không phát huy hết khả năng của mình?

Nhìn đội ngũ thanh niên Việt Nam đang không ngừng sáng tạo trong khởi nghiệp. Nhìn các tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp, công ty tư nhân phát triển với quy mô ngày càng lớn mạnh cho thấy đất nước ta không thiếu những người dám nghĩ, dám làm có tư duy đổi mới đem lại lợi ích rất lớn không chỉ cho riêng họ mà còn cho đất nước. Tuy nhiên, trong cơ quan, tổ chức Nhà nước dường như có ít cán bộ, công chức dám đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm. Liệu có phải lâu nay do cơ chế còn thiếu, hay do các quy định về bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo chưa cụ thể, rõ ràng nên cán bộ, đảng viên không phát huy hết khả năng của mình?

Chúng ta phải thừa nhận, những người năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm thường là những có cá tính khác người. Họ nhạy cảm, nhận thức nhanh, hay có ý mới, suy nghĩ sâu sắc, tư duy độc đáo và thường được đánh giá là có tài. Theo sự phát triển đa dạng tính cách của con người, đi kèm với những đức tính tốt thì có cả tật xấu, như vô kỷ luật, khắt khe, thiếu kiên nhẫn, sống cô độc tự do, thích ngược với số đông, coi thường kinh nghiệm, tự phụ... khiến nhiều người không ưa họ và dễ sinh ra định kiến, đố kị.

Trong quá khứ, từng có nhiều lãnh đạo đơn vị, địa phương muốn vượt qua khó khăn, trói buộc đã tìm cách vận dụng linh hoạt cơ chế, chính sách hay còn gọi là “xé rào” để làm những việc chưa có tiền lệ, vượt khỏi quy định, tạo ra hướng đi mới, nhằm tạo ra hiệu quả vượt trội cho đời sống kinh tế, xã hội. Không ít cán bộ trở thành tấm gương về tài, đức hy sinh cho lợi ích chung và đã để lại dấu ấn đặc biệt đối với tổ chức và Nhân dân.

Tuy nhiên, cũng có người sau khi thực hiện “xé rào” thành công, đạt được kết quả hơn cả mong đợi, khi các đoàn thanh tra, kiểm tra vào cuộc lại đem chủ trương, nguyên tắc, ra kiểm điểm, người “xé rào” bị quy chụp là vô nguyên tắc, vô kỷ luật, làm trái với chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước và vô tình hay hữu ý đẩy người năng động, sáng tạo vì lợi ích chung lại bị kết tội, không được bảo vệ. Hậu quả, một số cán bộ trở nên nhút nhát, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, là nguyên nhân khiến một số ngành, lĩnh vực, địa phương họ phụ trách chỉ hoạt động cầm chừng, kéo lùi công cuộc đổi mới và sự phát triển đất nước.

Nói vậy để thấy, đổi mới, sáng tạo, đột phá, dám nghĩ, dám làm là một quá trình và công việc gian khổ, phức tạp, nhạy cảm và mạo hiểm. Hơn nữa, nhiều vấn đề đổi mới, sáng tạo thường rất khó, phải vượt trước tầm thời đại, vượt lên tư duy của số đông và phải rất bản lĩnh, rất kiên cường thì mới dám dấn thân thực hiện cho được những tâm huyết của mình.

Để tạo nên những cú hích cho sự sáng tạo, tạo động lực cho bước bứt phá, thay đổi về chất đối với nguồn nhân lực đất nước, khơi dậy mạnh mẽ ý thức trách nhiệm, khát vọng cống hiến của đội ngũ cán bộ, công chức, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng vừa ký ban hành Kết luận số 14-KL/TW của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung. Theo đó, thường xuyên theo dõi, kiểm tra, giám sát quá trình triển khai thực hiện thí điểm các đề xuất đổi mới, sáng tạo. Chủ động phát hiện những vấn đề nảy sinh, kịp thời động viên, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc hoặc xem xét, điều chỉnh, có quyết định phù hợp với tình hình thực tế. Phát hiện sớm và kịp thời uốn nắn, chấn chỉnh sai sót, vi phạm…

Bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đột phá vì lợi ích chung là một sự thay đổi đột phá trong tư duy kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng. Như vậy, những người làm công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra cần có cái tâm trong sáng, tinh tế, bao dung và tế nhị trong việc đối xử với những tật xấu của người tài để thực sự giúp họ rèn luyện có hiệu quả đạo đức, mà tài năng không bị thui chột. Thành kiến, cho rằng “người tài mà có tật” là vứt đi và tìm cách vô hiệu hóa, thậm chí trù dập, họ là phũ phàng, là có tội với đất nước, với Nhân dân.

Trong quá trình kiểm tra, giám sát nếu thấy việc làm đó động cơ trong sáng vì lợi ích chung thì phải bảo vệ họ. Chứ nếu máy móc, thấy làm khác quy định, quy trình là kỷ luật, xử phạt thì sẽ làm thui chột những sáng kiến, những đổi mới, đột phá. Kiểm tra, giám sát cần thấy được những tích cực trong đổi mới, sáng tạo, từ đó góp ý cho người người thực hiện, cũng như góp ý cho các cơ quan, tổ chức để sửa đổi cơ chế, chính sách và nhân rộng mô hình hay, cách làm tốt.

Với kết luận này của Bộ Chính trị, mong rằng sẽ sớm có quy định cụ thể và được tổ chức thực hiện tốt, sẽ tạo môi trường và điều kiện để cho những cán bộ có tài năng xuất hiện, phát huy và trưởng thành, bổ sung nguồn cho nguyên khí quốc gia. Bởi nếu không có những quy định rành mạch, đầy đủ thì sẽ vô tình mở thêm cửa cho tiêu cực, tham nhũng trong lĩnh vực thanh tra, kiểm tra, giám sát và rất khó khuyến khích cho cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm.

Cù Tất Dũng
.
.