Kiến tạo những không gian công cộng để tái thiết khuôn mặt đô thị

Thứ Sáu, 02/09/2022, 16:57

Không gian công cộng là một nhu cầu cấp thiết của người dân, nó góp phần tạo nên diện mạo của một đô thị văn minh. Mới đây, trong hội thảo “Tái thiết không gian công cộng”, nhiều chuyên gia đã đưa ra những giải pháp góp phần tạo ra những không gian đô thị cho Hà Nội, để Hà Nội “ngày càng đẹp từng centimet”.

Diện mạo nào cho Thủ đô?

Không gian công cộng là một nhu cầu cấp thiết của người dân Thủ đô. Trong cơn lốc đô thị hóa, Hà Nội đã trở nên lộn xộn và thiếu thẩm mỹ, một phần do thiếu những không gian công cộng mang giá trị văn hóa, lịch sử. Để Hà Nội trở thành một thành phố đáng sống, đẹp từng centimet rất cần xây dựng các không gian công cộng. Đó cũng là khuôn mặt của một đô thị mang nhiều trầm tích.

cần nhiêu hơn nữa những không gian công cộng ơ hà nội.jpg -0
Cần nhiều hơn nữa những không gian công cộng ở Hà Nội.

Tiến sĩ, kiến trúc sư Phạm Tuấn Long, Chủ tịch quận Hoàn Kiếm, một trong những quận đi đầu trong việc tái thiết các không gian công cộng tại Hà Nội chia sẻ về những thành quả mà quận đạt được trong quá trình tái thiết các không gian công cộng. Hiện nay, tại quận Hoàn Kiếm, đã tạo dựng được nhiều không gian công cộng như phố đi bộ, phố Bích họa Phùng Hưng, ngôi nhà di sản ở Mã Mây, biến phố Mã Mây từ một phố vắng trở thành phố du lịch, thu hút nhiều khách du lịch nước ngoài. Quận Hoàn Kiếm mới đây tu bổ hội quán Quảng Đông ở 22 Hàng Buồm, tạo ra một không gian văn hóa nghệ thuật mới của Thủ đô.

Ông cho rằng, phố cổ Hà Nội hoàn toàn khác các đô thị khác như ở Huế, Hội An nên gặp nhiều khó khăn trong việc bảo tồn và tìm nguồn lực để bảo tồn. Khác ở chỗ, mật độ dân cư ở đây rất cao, khu vực này cũng là trung tâm hành chính, kinh tế, văn hóa, tôn giáo của Thủ đô. Ngoài đô thị điển hình tích hợp rất nhiều chức năng, quận này còn sở hữu di sản dày đặc (190 công trình di tích với đầy đủ các loại hình kiến trúc tôn giáo, tín ngưỡng như đình đền chùa miếu trong đó riêng phố cổ có diện tích 8.2ha đã có 121 công trình di tích).Tất cả các dự án triển khai đều không dễ dàng bởi quận Hoàn Kiếm mật độ dân cư đông.

Ông đưa ra ví dụ về việc triển khai phố đi bộ vào năm 2016, có tới 54 cửa hàng xung quanh Hàng Khay và Đinh Tiên Hoàng, chủ yếu bày bán vali, túi xách, ba lô… tràn ra cả vỉa hè. Tận dụng ngày nghỉ cuối tuần của các cơ quan hành chính và các không gian công cộng chưa dùng tới, Hà Nội đã quyết định tổ chức, cấm đường trước rồi mới cải tạo chỉnh trang, nâng cấp sau. Ông Long đánh giá, đây là một quyết định sáng suốt của chính quyền Hà Nội thời điểm đó, vì nếu chờ chỉnh trang, thì không biết đến bao giờ mới tổ chức được phố đi bộ.

Phố đi bộ tạo ra một khuôn mặt mới cho đô thị, không chỉ có giá trị về văn hóa mà còn mang lại nhiều lợi ích kinh tế, góp phần tăng thu ngân sách của Hà Nội. Với lợi thế sở hữu nhiều di sản nên quận Hoàn Kiếm đang hướng tới chủ đề quận di sản, quận văn hóa, bằng cách tạo ra các sự kiện, chương trình, cũng như nâng cấp, cải tạo các thiết chế văn hóa, nhằm thu hút, tập hợp văn nghệ sĩ, trí thức trở lại đây. Quận cũng chủ trương sẽ tạo ra nhiều không gian công cộng mới như giải phóng mặt bằng xung quanh đền Bà Kiệu, cải tạo vườn hoa Con Cóc và nghiên cứu thêm những tuyến đi bộ mới. Sông Hồng cũng là một vùng quan trọng để phát triển không gian công cộng trong thời gian tới.

Không gian công cộng tạo nên khuôn mặt của đô thị

Với các nước phát triển, đặc biệt châu Âu, họ phát triển các không gian công cộng dựa trên những di sản để lại rất tinh tế. Không gian công cộng không chỉ là điểm vui chơi, giải trí của người dân mà nó kiến tạo nên khuôn mặt của một đô thị văn minh.  Kiến trúc sư Lê Việt Hà - Chủ tịch Vietnam Design Group khẳng định, Hà Nội là thành phố sáng tạo trong lĩnh vực thiết kế. Ông cho rằng, trước sức ép đô thị hóa, Hà Nội đang dần dần lộn xộn và đánh mất bản sắc, không gian công cộng, đường phố không chỉ mất tính an toàn mà còn chưa đẹp, thiếu thẩm mỹ. Cần có một chiến dịch chung để Hà Nội trở nên “đẹp từng centimet”.

con phố nghệ thuật mang tên chula- dụ án của nhóm phúc tân.jpeg -0
Con phố nghệ thuật mang tên Chula - dự án của nhóm Phúc Tân.

Ông nhắc lại thiết kế tận dụng chấn song cửa cũ để làm hàng rào của nhà thiết kế Tây Ban Nha Diego Cortizas del Valle - một người yêu và gắn bó với Hà Nội nhiều năm qua. Chúng ta hoàn toàn có thể áp dụng thiết kế này tại phố đi bộ để tạo ra một cảm thức cuộc sống mới trên ký ức cũ. Ông cũng là một trong những người khởi xướng cuộc thi “Hà Nội đẹp từng centimet”, mong muốn các thí sinh gửi đến những ý tưởng thiết kế, chỉnh trang một góc phố, một đoạn vỉa hè, chiếc ghế trong công viên, thùng rác hay cả những thứ nhỏ li ti với kỳ vọng, Hà Nội sẽ thực sự là một thành phố sáng tạo trong lĩnh vực thiết kế mà UNESSCO công nhận, một nơi chốn có gu, văn minh.

Tiến sĩ Trần Hậu Yên Thế - nhà nghiên cứu văn hóa, mỹ thuật - nói: “Hà Nội bây giờ đang xấu từng kilomet, nên sẽ phải làm đẹp lại từng centimet”. Anh đang phối hợp với nhóm “Cùng dính” thiết kế một cây cầu đi bộ trên phố Trần Nhật Duật. Đây không chỉ đơn thuần là một công trình giao thông mà là một tác phẩm nghệ thuật, chứa đựng câu chuyện của văn hóa, lịch sử. Cây cầu đi bộ với chủ đề Nước giống như gạch nối giữa không gian nghệ thuật Phúc Tân ở ngoài đê với phố cổ Hà Nội, tạo thành một tour nghệ thuật hấp dẫn cho người dân. Ngoài ra, nhóm còn thiết kế hai biển tên đường rất ấn tượng, được coi là những “chỉ dấu văn hóa” của Hà Nội.

Tiến sĩ Thế và nhóm nghệ sĩ Phúc Tân cũng đã làm tác phẩm “Con đường Chula” để tưởng nhớ một người bạn đã cống hiến và đóng góp cho dự án nghệ thuật công cộng Phúc Tân, cũng như đóng góp cho sự giàu có của văn hóa sáng tạo Hà Nội và Việt Nam suốt gần20 năm, nghệ sĩ Diego Cortizas. Biển “Phố Hàng Buồm” cũng được thiết kế rất đặc biệt, bởi tấm biển phố như là tín hiệu chỉ dẫn nẻo về của ký ức, về phố bán buồm với những cánh buồm đỏ thắm, đầy hy vọng.

Là người gắn bó với các dự án xây dựng sân chơi, khoảng không gian công cộng trong nhiều năm qua, anh Nguyễn Tiêu Quốc Đạt, nhà đồng sáng lập dự án Think Playgrounds khẳng định: “Nguyên nhân không gian công cộng của Hà Nội đang bị thu hẹp do quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh, nhiều khu đô thị mới mọc lên trong khi diện tích đất dành cho mục đích công cộng không được chú trọng. Bên cạnh đó, ý thức người dân chưa được tốt, chưa hiểu hết về tác dụng và lợi ích của không gian công cộng với đời sống của chính gia đình mình nên họ vô tư chiếm dụng khoảng không gian chung. Thêm vào đó, công tác quản lý không gian chung còn yếu kém, lỏng lẻo. Sau nhiều năm làm sân chơi chung cho các khu dân cư, tôi nhận thấy các dự án dành cho công cộng chỉ thành công khi chính quyền cơ sở quyết liệt trong công tác giải phóng mặt bằng và sát sao trong các hoạt động quản lý, giữ gìn mặt bằng, không gian chung sau đó”.

Nhóm Think Playground chú trọng sân chơi cho trẻ em và không gian cây xanh trong phố. Với chủ trương tạo dựng những không gian công cộng và bền vững, bằng những vật liệu thiên nhiên và tái chế. Họ hướng tới nhóm những người yếu thế trong xã hội như trẻ em, người già, người khuyết tật, người bán hàng rong, đồng nát... tạo sân chơi, biến bãi đỗ xe thành công viên nhỏ, vườn cộng đồng trong phố để tăng tính kết nối xã hội, sức khỏe tinh thần, giảm bê tông hóa.

Còn ông Nguyễn Anh Tuấn - Giám đốc nghệ thuật tại Heritage Space, cố vấn thiết kế công cộng của VNDW - chia sẻ: Giải pháp xanh (nhằm giảm cứng hóa, giảm khí thải cacbon) đang trở thành xu hướng cho thiết kế không gian công cộng. Có thể là cải tạo một không gian lớn để mọi người có những hoạt động ngoài trời, ngăn chặn - giảm thiểu xả rác hoặc thu gom đồ tái chế ở nơi công cộng. Cũng có thể cải tạo/thay đổi/xây mới một công trình, một nơi chốn bị bỏ hoang thành một nơi hữu ích cho nhiều người và mang tính sinh thái nhất. Cũng có thể là những ý tưởng “vô hình” tại nơi công cộng, mang lại sự thư thái cho mọi người và ít/không tạo ra chất thải hay tiêu tốnnăng lượng.

Nói chung, cần sự vào cuộc của nhiều chuyên gia và các nguồn lực xã hội để kiến tạo nên những không gian công cộng cho Hà Nội, góp phần tái thiết khuôn mặt của một đô thị đang bị áp lực bởi cơn lốc đô thị hóa.

V. Hà
.
.