Kiên quyết thay thế những mắt xích hỏng hóc

Chủ Nhật, 21/11/2021, 12:07

Một chuyện rất bình thường ở xứ Tây, lại trở thành lạ ở xứ ta… Cứ mỗi lần báo chí, mạng xã hội đăng tải thông tin về đồng chí A, đồng chí B là Bí thư Thành ủy, là Phó Chủ tịch UBND quận xin/ bị miễn nhiệm, từ chức hay xin nghỉ hưu sớm… thông tin này lập tức khiến người dân bất ngờ, xôn xao bàn tán về một sự việc hiếm có, khó tìm, thậm chí là không bình thường.

Thường thì dư luận ngờ vực, đồn đoán về lý do các đồng chí cán bộ này có thể đã dính “chàm”, vi phạm gì đó nên tìm cách ''chạy làng'', tìm cách “hạ cánh an toàn”. Nếu không dính tiêu cực thì chẳng ai lại dở hơi như thế, có nhiều người sai phạm rành rành ra đấy mà họ vẫn còn chối tội, còn chạy vạy để cố gắng níu giữ cái “ghế”, vì chức tước luôn gắn liền bổng lộc thì làm sao từ chức được và chỉ khi không thể giữ được nữa thì mới xin về sớm để tìm cách tháo chạy, trốn tránh trách nhiệm, tránh bị xử lý kỷ luật.

Một thực tế buồn trong thời gian qua, có nhiều cán bộ đạo đức, uy tín giảm sút, năng lực lãnh đạo, quản lý yếu kém, các cơ quan thanh tra, kiểm tra kết luận sai phạm ở mức nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, nhưng chưa thấy người đứng đầu cơ quan, tổ chức, địa phương nào xin từ chức hoặc bị miễn nhiệm, cách chức như các nước tiên tiến khác đã làm?

Trong công tác tổ chức, công tác cán bộ của chúng ta vẫn đang cứ duy trì cơ chế “có lên, không có xuống”, “có vào, không có ra”, thì không khác gì nuôi cá trong ao tù, nước đọng, sẽ là mầm mống phát sinh nhiều loại dịch bệnh. Tình trạng nói trên đã gây ra tiêu cực, lãng phí, là nguyên nhân dẫn đến tình trạng 30 - 40% cán bộ, công chức “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về” đã và đang trở thành gánh nặng cho xã hội, khiến người dân không an lòng khi phải tiếp tục gò lưng nuôi đội ngũ này.

Bên cạnh đó, việc tổ chức lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm là rất cần thiết nhằm thể hiện sự đánh giá một cách khách quan, trung thực, dân chủ đối với các chức danh lãnh đạo, quản lý, đồng thời tạo điều kiện cho các vị lãnh đạo nhìn nhận lại mình để phấn đấu phục vụ Nhân dân tốt hơn, nhưng vẫn mang tính hình thức.

Cho nên, vẫn tồn tại tình trạng trong một nhiệm kỳ, vị tư lệnh ngành, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương cả nhiệm kỳ mà ở đó vẫn trì trệ, lẹt đẹt, không sửa chữa, khắc phục được những yếu kém của nhiệm kỳ trước, nhưng vẫn tiếp tục bình an, tại vị thì sẽ là phản tác dụng, làm xói mòn lòng tin của cán bộ, đảng viên và Nhân dân đối với bộ máy công quyền. Để đột phá, vươn lên được thì dứt khoát phải thay thế những "mắt xích" yếu, tiềm ẩn những nguy cơ hỏng hóc, tha hóa, biến chất...

Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 41-QĐ/TW về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ. Theo đó, có 6 căn cứ xem xét miễn nhiệm và 4 căn cứ xem xét đối với cán bộ xin từ chức. Đó là chủ động xin từ chức, lại có cả sự "thụ động" của đối tượng chịu sự tác động của quy định. Nếu anh không tự giác, tổ chức cũng sẽ "gợi ý" để anh từ chức và hơn thế nữa là miễn nhiệm anh khi chưa hết nhiệm kỳ hoặc khi chưa hết thời hạn bổ nhiệm và có cả căn cứ để một cán bộ lãnh đạo, quản lý từ chức hoặc bị miễn nhiệm khi phiếu tín nhiệm thấp... Quy định này nhằm vào đội ngũ cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu các đơn vị, địa phương phải tự đánh giá và nhìn nhận lại mình.

Đúng là rời bỏ quyền lực, danh vọng là không dễ, quan trọng là có đủ dũng khí, dũng cảm, chiến thắng bản thân trước những lợi lộc từ chức vụ, quyền hạn mang lại. Nhưng khi mình không còn đủ uy tín, năng lực thì đừng chờ đến lúc người khác "gợi ý" mình nghỉ thì mới nghỉ. Người cán bộ thực sự vì nước, vì dân thì chỉ cần một lá đơn từ chức, để nhường lại vị trí cho những cán bộ có năng lực, phù hợp hơn thì việc từ chức hoàn toàn có thể thực hiện được.

Ở Việt Nam, văn hóa từ chức được nói lâu nay nhưng chưa được thành hình. Xây dựng văn hóa miễn nhiệm, từ chức là một hành động đẹp, nét tiến bộ của một nền hành chính công văn minh, hiện đại cần phải được nhân rộng. Phải coi việc từ chức là chuyện hết sức bình thường, đừng tham quyền, cố vị mà cản trở sự nghiệp phát triển chung, cũng đừng cố ở thêm để bạn bè, đồng nghiệp người ta coi thường, ghét bỏ và đừng để việc miễn nhiệm, từ chức là “lối thoát an toàn” của người sai phạm. Người dân rất trông chờ vào điều đó.

Cù Tất Dũng
.
.