Khủng hoảng giá cao

Thứ Sáu, 01/07/2022, 13:16

Cách đây chưa lâu, dư luận ồn ào về thông tin rò rỉ từ bản dự thảo hợp đồng giữa một đơn vị tổ chức sự kiện với một nam nghệ sĩ mới nổi danh vài năm trở lại đây. Trong hợp đồng ấy, thù lao sau khi đã trừ tạm thu thuế thu nhập cá nhân cho một phần trình diễn 4 ca khúc là 800 triệu đồng. Đó là còn chưa kể vô vàn yêu sách kỹ thuật (tech raider) đi kèm. Và từ các nhận định xoay quanh thông tin này, các tranh cãi cũng nổ ra nảy lửa.

Phía ủng hộ nghệ sĩ thì cho rằng “Thuận mua vừa bán, ai cũng có quyền đưa ra điều kiện của mình”. Phía không ủng hộ thì đánh giá “Vẫn biết quyền đưa ra điều kiện là tự do nhưng cũng nên xét vào bối cảnh cũng như thực lực”. Ngoài ra, có một bộ phận trung dung hơn thì đơn thuần chỉ bảo vệ quan điểm: “Đúng là các yêu cầu cho thấy tính chuyên nghiệp cao song cách định giá có vẻ như chưa đánh giá đúng thực tế thị trường cũng như vị thế cá nhân”.

Song, tất cả những đánh giá trên cũng chỉ là các góc nhìn khách quan ở các vị trí theo dõi khác nhau, cảm nhận khác nhau mà thôi. Thực tế, hiện tượng định giá cao đang phổ biến trong giới showbiz Việt hôm nay. 800 triệu cho một sự kiện như nghệ sĩ kể trên đưa ra chưa phải là cái giá cao nhất. Sơn Tùng M-TP còn được cho rằng hiện đang rao giá khoảng 1,5 tỷ cho một sự kiện. Các sao hạng B+ đòi hỏi 400-500 triệu cho một sự kiện cũng chỉ là chuyện bình thường.

Có hay không một cuộc chạy đua về giá để từ đó xác lập vị thế thị trường hôm nay? Câu hỏi này rất khó trả lời vì dễ võ đoán. Nhưng việc định giá quá cao đã và đang khiến các nhà tổ chức sự kiện… “quay xe” trước các ngôi sao mới mẻ hạng A và hạng B+. Thay vào đó, họ tìm tới các ngôi sao hạng thấp hơn, hoặc dạng ngôi sao thế hệ cũ. Những cá nhân này vẫn mang lại chất lượng chương trình cao đồng thời có sức hút khá tốt với nhãn hàng, khán giả và lại có mức thù lao dễ thở hơn.

Trong tình thế ấy, các ngôi sao định giá ngất ngưởng kể trên kiếm thu nhập từ đâu? Chủ yếu là quảng cáo, với các dự án ngắn ngày, và thêm vào đó là thu nhập từ mạng xã hội. Nghịch lý bắt đầu nảy sinh từ đây. Nhiều người trong số họ tên tuổi lẫy lừng hơn các đồng nghiệp khác nhưng cuối cùng lại có thu nhập hàng tháng kém hơn hẳn so với các đồng nghiệp ấy. Cơ bản, năng nhặt chặt bị, các nghệ sĩ ít tên tuổi hơn, với thù lao mềm mại hơn lại đắt show hơn hẳn với mật độ đi diễn rất cao. Đơn cử, một nam ca sĩ là ngôi sao thế hệ cách đây 15 năm hiện đang có mức thu nhập trung bình trên 1 tỷ/ tháng chỉ từ đi hát đơn thuần. Trong khi đó, những người như nhân vật 800 triệu kể trên may ra 2 - 3 tháng mới có 1 sự kiện để biểu diễn.

Trong khi ấy, thù lao của những nghệ sĩ có thâm niên, có tên tuổi, có trình độ, có chất lượng thì lại rất thấp. Ví dụ, toàn bộ đầu tư cho chương trình Musique de Salon của Gia Định Audio với nhạc sĩ Đức Trí là Giám đốc âm nhạc kiêm Trưởng ban nhạc chỉ ở mức khoảng 1 tỷ/show. 1 tỷ ấy không đủ mời một người như Sơn Tùng M-TP nhưng trong Musique de Salon lại có đầy đủ những cái tên có thể nói là hát hay hơn Sơn Tùng M-TP rất nhiều.

Với những người đang đặt cho mình mức thù lao trên trời và không có show để diễn đều đặn, đó là lựa chọn chủ đích của họ hay đang là một cuộc “khủng hoảng giá cao” mà họ chưa nhận thức hết?

Văn Đoàn
.
.