Không đánh trống bỏ dùi

Thứ Năm, 30/12/2021, 16:02

Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực từ ngày 1/1/2022, trong đó có quy định việc phân loại chất thải tại nguồn, thu phí chất thải dựa trên khối lượng. Tại các điểm tập kết rác thải nếu phát hiện rác không phân loại thì đơn vị thu gom có quyền từ chối thu gom; về tái chế, tái sử dụng chất thải... Căn cứ điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương mà UBND cấp tỉnh quyết định việc phân loại cụ thể chất thải rắn sinh hoạt với thời hạn áp dụng chậm nhất là ngày 31/12/2024.

Nhiều người dân đã ủng hộ Luật Bảo vệ môi trường, vì những khu công nghiệp, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ là những nơi phát sinh nhiều rác thải sẽ phải nộp phí cao hơn so với các hộ gia đình nhằm đảm bảo sự công bằng. Tuy nhiên, bên cạnh những ý kiến đồng tình, cũng có người lo ngại tính khả thi. Vậy phải làm thế nào để tính được khối lượng rác phát sinh? Ai sẽ là người chịu trách nhiệm cân rác? Hộ gia đình trực tiếp cân hay người thu gom rác làm việc này? Việc thu phí rác thải theo khối lượng sẽ dễ dẫn đến tình trạng nhà này bỏ rác sang nhà kia, hoặc vứt rác ra nơi công cộng để không phải trả tiền cho việc thải rác né phí. Chưa kể thói quen vứt rác bừa bãi, nhiều nơi hình thành nên những bãi rác lộ thiên, tự phát, bốc mùi hôi thối, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và đời sống người dân. Hầu hết các địa phương trên cả nước đều đau đầu về bài toán xử lý rác thải.

Chủ trương, chính sách đều đã có, nhưng để mục tiêu tận dụng nguồn tài nguyên rác thải, biến rác thải thành giá trị gia tăng cho nền kinh tế vẫn cần sự nỗ lực, quyết tâm hơn nữa từ phía Chính phủ cũng như các bộ, ngành, địa phương để đầu tư cho công tác tuyên truyền, vận động người dân ý thức thu gom, phân loại rác cho đúng cách. Đặc biệt, cần có cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ các chuyên gia, nhà khoa học, các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực tái chế rác thải.

Khi nguồn tài nguyên thiên nhiên đang bị cạn kiệt dần, rất nhiều nước tiên tiến trên thế giới xem rác thải là một loại nguồn nguyên liệu quý giá mà con người có thể tái chế, tái sử dụng. Họ tìm mọi cách để biến chất thải, rác thải của ngành này sẽ được sử dụng làm nguyên liệu đầu vào của ngành khác trong một vòng khép kín, lấy lại tất cả những gì còn giá trị từ những thứ bỏ đi, rác thải hữu cơ được sử dụng làm phân bón vi sinh, rác thải nhựa, rác thải công nghiệp được dùng làm thành các vật dụng, vật liệu xây dựng, thành năng lượng...

Mọi quốc gia đang hạn chế tối đa tạo ra chất thải, thu hồi tối đa nguyên liệu thô có giá trị, chỉ đốt các chất thải còn lại để tái tạo năng lượng; áp dụng công nghệ xử lý nước thải, khí thải để tạo ra phân bón khử trùng mà vẫn giữ lại hầu hết các vi sinh vật vô hại. Nước thải sau khi lọc các hóa chất và xử lý được tái sử dụng cho nông nghiệp. Những gì ít ỏi còn sót lại được xử lý theo hướng thân thiện với môi trường, chỉ một tỉ lệ nhỏ rác thải không xử lý được nữa thực sự xuất hiện ở bãi rác.

Nhìn lại, chúng ta thấy ngay nguồn tài nguyên này tại Việt Nam đang bị lãng phí. Hầu hết các địa phương đều sử dụng biện pháp chôn lấp để xử lý rác thải, điều này đang gây ô nhiễm rất lớn tới nguồn nước, đất đai và không khí, đồng nghĩa với nó là có hàng triệu tấn rác bị vứt bỏ. Nếu như số lượng rác này được tái chế và tái sử dụng, Việt Nam có thể tiết kiệm được một lượng tài nguyên không nhỏ.

Để quy định trong Luật Bảo vệ môi trường đi vào thực tiễn, thì trong thời gian tới cần có nhiều văn bản hướng dẫn thi hành của các cơ quan có thẩm quyền, đặc biệt là Bộ Tài nguyên và Môi trường, đừng để trở thành "nhiệm vụ bất khả thi". Chúng ta còn thời hạn 3 năm để tuyên truyền, vận động người dân hiểu nguyên tắc người nào xả rác nhiều sẽ gây ô nhiễm nhiều môi trường cao và phải trả tiền nhiều là tất yếu. Từ đó, giúp giảm lượng rác thải ra, ý thức hơn trong việc hình thành thói quen trong việc phân loại rác tại nguồn, cần có cơ chế hỗ trợ khuyến khích thực hiện. Ngoài ra, cần bổ sung thêm chế tài xử lý đối với những hành vi vi phạm quy định về bảo vệ môi trường , tuyệt đối tránh tình trạng thực hiện theo kiểu "đánh trống bỏ dùi", "đầu voi đuôi chuột".

Thay đổi một thói quen là rất khó, nhưng khó cũng vẫn phải làm, phải hành động quyết liệt để xử lý vấn đề rác thải, tránh gây ô nhiễm môi trường, từ việc thực thi thu phí rác cho đến việc giám sát người dân phân loại rác. Có như vậy thì những tâm huyết nằm trong các chỉ thị, nghị quyết mới đi vào được cuộc sống và mang lại hiệu quả trong thực tiễn. Đã đến lúc, rác thải không còn là gánh nặng, là nỗi bức xúc, là vấn đề khó giải quyết, mà sẽ trở thành nguồn tài nguyên vô tận phục vụ cho công cuộc phát triển đất nước.

Cù Tất Dũng
.
.