Không có thứ bánh mì dễ kiếm
Trong khoảng hơn 1 năm trở lại đây, khi mà công cụ “trí tuệ nhân tạo” (AI) ngày một trở nên phổ cập hơn, trên mạng xã hội cũng xuất hiện nhiều sản phẩm được chế tạo bởi AI hơn. Song song đó là các quảng cáo theo kiểu “nhận sáng tác ca khúc 500 ngàn VND/bài trong vòng 1 ngày” mà chủ nhân của các quảng cáo đó chắc chắn sử dụng AI hoàn toàn để đáp ứng các đơn hàng.
Và, cũng rộ lên các khóa huấn luyện đào tạo kỹ năng kiếm tiền nhanh từ sản xuất nội dung nhờ AI. Tất cả sự rầm rộ của các thông tin ấy không khỏi khiến những người sáng tạo đích thực nao núng. Tuy nhiên, mọi việc dường như không phải dễ dàng như nhiều người lạm dụng AI đang nghĩ.
Thực tế, nhiều tập đoàn phát triển các công cụ AI hàng đầu đều sở hữu một nền tảng mạng xã hội mạnh mà điển hình là Google với YouTube, Gemini; X và Grok cùng chung một nhà v.v... Chính vì thế, việc bảo vệ nguyên tắc của các nền tảng trước làn sóng AI luôn được các đại gia công nghệ xem là mục tiêu tối thượng. Việc kiểm soát các nội dung tạo ra bởi AI đã được lưu ý tới ngay từ những bước sơ khởi đưa công cụ AI ra phổ cập đại chúng. Ngay từ giai đoạn cuối 2022, đầu 2023, các nền tảng lớn đã có khuyến cáo về việc sử dụng nội dung tạo ra từ AI để kiếm tiền đối với người dùng rồi.
Sau đó, giai đoạn cuối 2023, đầu 2024, các bước thắt chặt đã bắt đầu được hình thành. Giai đoạn này, YouTube là điển hình khi bắt buộc người sáng tạo nội dung phải gắn nhãn “sản phẩm từ AI” trước khi quyết định đăng tải. Meta thì thử nghiệm hệ thống gắn nhãn AI lên các nội dung hình ảnh và âm thanh. Trong khi đó, cũng cùng giai đoạn, Spotify mạnh tay hơn khi gỡ bỏ hàng chục ngàn bản ghi âm nghi ngờ sản xuất bởi AI do có sự trùng lặp hoặc không minh bạch quyền sở hữu.
Hiện tại, các nền tảng đã bước sang giai đoạn thắt chặt thứ 3 và mới đây nhất, Youtube công bố sẽ cập nhật các nguyên tắc để nhận diện chính xác hơn các dạng nội dung được sản xuất hàng loạt và nội dung lặp lại, thường là các nội dung được tạo ra bởi AI. Bước thắt chặt này không có nghĩa là sẽ khiến các nội dung tạo ra từ AI không còn kiếm tiền được nữa mà thay vào đó, nó đặt ra tiêu chuẩn cao hơn cho nội dung có khả năng kiếm tiền. Tiêu chuẩn cao hơn này đòi hỏi sự tham gia nhiều hơn của con người và AI chỉ là công cụ hỗ trợ.
Nói nôm na, nội dung sử dụng công cụ AI vẫn được phép sử dụng, nhưng nội dung đó phải đủ khác biệt, sáng tạo và có đóng góp thông tin, giáo dục hoặc giải trí. Chính sự tham gia của con người mới tạo ra cái khác biệt, cái sáng tạo mà tiêu chuẩn trên định ra.
Như vậy, những viễn cảnh trước đây mà các quảng cáo tràn lan đưa ra, nôm na là chỉ cần nắm chắc cách sử dụng AI là có thể dùng AI để kiếm tiền thay mình trên các nền tảng xã hội đã bị xóa bỏ hoàn toàn. Chính cái viễn cảnh này đã khiến không ít người suy nghĩ lệch lạc rằng chẳng cần trau dồi bản thân, không cần phải học thêm kiến thức mới mà chỉ cần thông thạo AI là có thể kiếm sống, thậm chí làm giàu.
Không có thứ bánh mì dễ kiếm bao giờ và AI chỉ là thứ công cụ đắc lực khi con người cũng phải nâng tầm bản thân mình. Muốn làm phim với AI ư? Hãy hiểu nhất định về điện ảnh và cần phải có ý tưởng nguyên bản để yêu cầu công cụ AI hỗ trợ mình tốt nhất chứ không phải chỉ ném một câu lệnh là có sản phẩm đủ sức để khai thác doanh thu. Chính sự thông minh của AI sẽ là áp lực khiến con người phải cải thiện mình hơn nhằm làm chủ nó và làm chủ được tình thế trong sự thay đổi chóng mặt của công nghệ.