Không chọn bên, mà chọn công lý và lẽ phải
Không chỉ đánh giá cao những cam kết mạnh mẽ và vai trò của Việt Nam trong thúc đẩy tuân thủ Hiến chương Liên hiệp quốc và luật pháp quốc tế, Tổng Thư ký Tòa Trọng tài thường trực (PCA) - ông Marcin Czepelak, khi tiếp Thủ tướng Phạm Minh Chính đến thăm và làm việc với PCA tại trụ sở của tổ chức này nhân chuyến thăm chính thức Vương quốc Hà Lan tháng 12/2022, còn khẳng định tôn chỉ của PCA cũng chính là định hướng mà Việt Nam đang theo đuổi: "Không chọn bên, mà chọn công lý và lẽ phải".
Ở chiều sâu của công tác đối ngoại, đánh giá của vị Tổng Thư ký PCA là một niềm vui đối với cộng đồng người dân Việt Nam, cả trong và ngoài nước. "Không chọn bên, mà chọn công lý và lẽ phải" chính là tôn chỉ mà Đảng và Nhà nước Việt Nam theo đuổi trong quan hệ đối ngoại.

Và cũng chính tôn chỉ này đã đưa đất nước đi từ thành công này đến thành công khác, đặc biệt trong quá trình hơn 35 năm thực hiện Đổi mới, với những gì mà chúng ta dễ dàng nhìn thấy: Đất nước đã có thế và lực, uy tín và tiềm năng chưa từng có trong lịch sử; quy mô và sức cạnh tranh của nền kinh tế được nâng lên, chính trị - xã hội ổn định, quốc phòng, an ninh được giữ vững, quan hệ đối ngoại và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.
Chuyến thăm Hà Lan của Thủ tướng Phạm Minh Chính là tiếp nối của một chuỗi những hoạt động về đối ngoại rất ấn tượng của lãnh đạo Đảng và Nhà nước trong năm 2022.
Chúng ta đều biết, sau 2 năm (2020 và 2021) dồn sức cho việc phòng chống đại dịch COVID-19, nền kinh tế của Việt Nam chúng ta và nhiều quốc gia khác đã chịu ảnh hưởng rất nặng nề. Trong những nỗ lực để phục hồi kinh tế, công tác đối ngoại được đặt lên hàng đầu với nhiều nhiệm vụ quan trọng, đặc biệt là công tác ngoại giao kinh tế phải bước vào giai đoạn phát triển mới với yêu cầu cao hơn, tinh thần triển khai quyết liệt, khẩn trương, hiệu quả và thực chất hơn, theo tinh thần của Chỉ thị số 15-CT/TW ngày 10/8/2022 của Ban Bí thư về công tác Ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đến năm 2030.
Tại Hội nghị trực tuyến với các Đại sứ, Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài về đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước tổ chức ngày 19/9/2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chỉ đạo công tác ngoại giao kinh tế cần thực hiện hiệu quả phương châm ngoại giao "tình cảm, chân thành, tin cậy, bình đẳng, tôn trọng, hiệu quả, cùng phát triển", đảm bảo 5 nguyên tắc: Giữ vững sự ổn định trong sự bất định; giữ vững thế chủ động trong sự bị động; giữ được kiên định và nhất quán trong bối cảnh chuyển đổi và xáo trộn; thiết lập công cụ quản lý rủi ro trong tình hình có suy thoái và khủng hoảng; xây dựng phòng tuyến hợp tác và cạnh tranh kinh tế quốc tế trong hội nhập sâu rộng.
Công tác đối ngoại nói chung và công tác ngoại giao kinh tế nói riêng không phải lúc nào cũng là việc nhìn thấy kết quả ngay trong một hoạt động ngoại giao cụ thể của lãnh đạo một quốc gia, mà là một hành trình xuyên suốt, tích tụ từ nhiều chiều kích. Những kết quả về đầu tư nước ngoài mà chúng ta có được của những năm qua đã chứng minh rõ điều đó.
Một thống kê từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, chỉ riêng trong 10 tháng đầu năm 2022, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt hơn 22,46 tỷ USD. 1.570 dự án được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (tăng 14,2% so cùng kỳ), tương đương tổng số vốn đăng ký gần 9,93 tỷ USD.
Đáng chú ý, vốn điều chỉnh và vốn góp mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục xu hướng tăng và có 880 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư - tăng 13,4% so cùng kỳ năm 2021, với tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt hơn 8,74 tỷ USD, tăng 23,3%; có 2.997 lượt góp vốn mua cổ phần nhà đầu tư nước ngoài, giảm 2,2% với tổng giá trị vốn góp đạt hơn 3,79 tỷ USD, tăng 4,5% so với cùng kỳ. Vốn thực hiện của dự án đầu tư nước ngoài ước đạt 17,45 tỷ USD - tăng 15,2% so với cùng kỳ năm 2021.
103 quốc gia và vùng lãnh thổ đã đầu tư tại Việt Nam trong 10 tháng năm 2022, dẫn đầu là Singapore với tổng vốn đầu tư hơn 5,34 tỷ USD (chiếm 23,8% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam); Nhật Bản đứng thứ hai với trên hơn 4,19 tỷ USD; Hàn Quốc đứng thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký trên hơn 3,9 tỷ USD... Tính lũy kế đến ngày 20/10/2022, cả nước có 35.895 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký trên 435,2 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án đầu tư nước ngoài ước đạt hơn 269 tỷ USD, bằng 61,9% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực.
18 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân đã được các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư. Trong đó, dẫn đầu là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo với tổng vốn đầu tư đạt hơn 12,9 tỷ USD - chiếm 57,5% tổng vốn đầu tư đăng ký. Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 54 tỉnh, thành phố trên cả nước trong 10 tháng năm 2022, với TP Hồ Chí Minh dẫn đầu (tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 3,42 tỷ USD, chiếm 15,2% tổng vốn đầu tư đăng ký và tăng 25,3% so với cùng kỳ năm 2021), tiếp đó là Bình Dương, Quảng Ninh…
Năm 2022, sắp khép lại với nhiều niềm vui mới, kỳ vọng mới vào nỗ lực phục hồi kinh tế của đất nước.