Khơi thông nguồn lực để bước vào kỷ nguyên mới

Thứ Sáu, 06/12/2024, 17:57

Kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khóa XV đã bế mạc vào chiều 30/11. Tại kỳ họp này, Quốc hội đã biểu quyết thông qua 18 luật; xem xét, thông qua 21 nghị quyết, trong đó có 4 nghị quyết quy phạm pháp luật với tỷ lệ tán thành cao và cho ý kiến lần đầu đối với 10 dự án luật khác.

Tiến hành ngay sau thành công của Hội nghị Trung ương 10, Khóa XIII, đánh dấu mốc quan trọng với chủ trương mở ra cánh cửa lịch sử bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, Kỳ họp thứ 8 của Quốc hội Khóa XV đã tập trung thảo luận, giải quyết kịp thời các vấn đề quốc kế dân sinh, tháo gỡ nhanh nhất các khó khăn, điểm nghẽn liên quan đến cơ chế, chính sách, giải phóng nguồn lực, hỗ trợ, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân... Trong đó có việc thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035. Đây là một trong những nội dung được những người làm công tác văn hóa nói chung, văn nghệ sĩ nói riêng quan tâm.

phát tri%3fn van hóa giai do%3fn 2025 - 2035 là m%3ft  m%3fc tiêu quan tr%3fng c%3fa d%3ft nu%3fc.jpg -0
Phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035 là một mục tiêu quan trọng của đất nước.

Điểm đáng phấn khởi đối với Chương trình là không dừng lại ở quan điểm, chủ trương mà đã đặt ra 9 mục tiêu cụ thể với 2 mốc thời gian để phấn đấu thực hiện là đến năm 2030 và đến năm 2035. Trong 9 mục tiêu này, có mục tiêu "Phấn đấu các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 7% GDP của cả nước vào năm 2030 và 8% vào năm 2035''. Cùng đó, đến năm 2030 có 90% (đến năm 2035 là 100%) văn nghệ sĩ tài năng, công chức, viên chức thuộc lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật được đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ, chuyên môn.

Chương trình cũng đặt ra mục tiêu đến năm 2030, các tác phẩm, công trình văn học, nghệ thuật, điện ảnh, lý luận phê bình văn học, nghệ thuật xuất sắc, chất lượng cao được hỗ trợ sáng tác, công bố, phổ biến. Mục tiêu này được cụ thể hơn khi đến năm 2035, hằng năm có từ 10-15 tác phẩm, công trình văn hóa, nghệ thuật tầm quốc gia về lịch sử dân tộc, lịch sử đấu tranh cách mạng và công cuộc đổi mới của đất nước.

Như vậy là, ngoài các mục tiêu khác để thúc đẩy văn hóa và công nghiệp văn hóa, các mục tiêu nhắm vào việc đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ, chuyên môn cho văn nghệ sĩ tài năng, công chức, viên chức thuộc lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, cũng như việc hỗ trợ thúc đẩy sáng tác, công bố, phổ biến tác phẩm, công trình văn hóa, nghệ thuật... cũng được đặt ra cụ thể. Những vấn đề kinh phí và phân bổ, phân cấp trong sử dụng kinh phí phục vụ cho chương trình cũng đã được bàn thảo rất kỹ để đảm bảo triển khai chương trình.

Báo cáo chuyên đề về hoạt động của Quốc hội tại "Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII; tình hình kinh tế - xã hội năm 2024, giải pháp tăng tốc phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 và tháo gỡ những điểm nghẽn, nút thắt về thể chế", Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, thực tiễn phát triển của đất nước hiện đang đặt ra những vấn đề cấp bách cần giải quyết, Nhân dân đang mong chờ và kỳ vọng vào những quyết sách của Đảng, Nhà nước.

Do đó, Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội phải phát huy tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, đổi mới, bứt phá, chú trọng các nhiệm vụ trọng tâm, trong đó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội, các cấp, các ngành, các cơ quan trong bộ máy nhà nước, các Đoàn đại biểu Quốc hội, các đại biểu Quốc hội tổ chức triển khai nhanh chóng, kịp thời các luật, nghị quyết vừa được thông qua, khẩn trương quán triệt tinh thần đổi mới tư duy trong xây dựng pháp luật gắn với tổ chức thi hành pháp luật có hiệu quả, tạo hiệu ứng lan tỏa tích cực trong hệ thống chính trị và toàn dân. Chính phủ, các bộ phải ban hành khẩn trương các nghị định, thông tư để thực hiện các luật, nghị quyết vừa được Quốc hội thông qua.

Khi trực tiếp trao đổi chuyên đề "Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam", tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, ngày 25/11/2024, Tổng Bí thư Tô Lâm cũng nhấn mạnh ưu tiên hàng đầu trong kỷ nguyên mới là thực hiện thắng lợi các mục tiêu chiến lược đến năm 2030, Việt Nam trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước xã hội chủ nghĩa phát triển, có thu nhập cao; khơi dậy mạnh mẽ hào khí dân tộc, tinh thần tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc, khát vọng phát triển đất nước; kết hợp chặt chẽ sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại.

Để làm được điều đó thì cần đột phá mạnh mẽ hơn về thể chế phát triển, tháo gỡ điểm nghẽn, rào cản, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, huy động, khơi thông mọi nguồn lực bên trong, bên ngoài, nguồn lực trong dân, phát triển khoa học và công nghệ đồng bộ, thông suốt, tất cả vì sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước và phát triển nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.

Những điểm nghẽn lớn nhất hiện nay mà Tổng Bí thư và Chủ tịch Quốc hội đề cập và đang huy động toàn bộ hệ thống chính trị tập trung tháo gỡ chính là ở thể chế, hạ tầng và nhân lực. Trong đó, thể chế được xem là "điểm nghẽn" của "điểm nghẽn". Khi những "điểm nghẽn" này được tháo gỡ thì nguồn lực mới khơi thông, tạo được tiền đề để đất nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Lương Duy Cường
.
.