Khoảng trống phê bình điện ảnh Việt
Liên hoan phim (LHP) quốc tế TP Hồ Chí Minh lần thứ nhất (HIFF 2024) đã kết thúc với nhiều dư vị trái ngược. Khen có, chê có song tựu trung lại, HIFF 2024 cũng không khác bất kỳ LHP nào ở Việt Nam hiện nay ở một điểm: sự thiếu vắng những tiếng nói phê bình.
Nhìn vào đội ngũ giám khảo của HIFF 2024, soi chiếu lại các LHP khác trong nước, chúng ta dễ dàng nhận ra đội ngũ giàu chuyên môn nhất chính là các đạo diễn điện ảnh. Chính vì sự thiếu vắng các cây bút phê bình điện ảnh đúng nghĩa nên giải pháp duy nhất để tạo nên uy tín cho ban giám khảo chính là các đạo diễn.
Thực chất, vẫn có các đạo diễn điện ảnh có khả năng phê bình nhưng đó chỉ là số hiếm. Công việc của đạo diễn là thực hành. Công việc của nhà phê bình là lý luận. Nắm rõ thực hành, các đạo diễn có thể phân tích một bộ phim một cách dễ dàng dựa trên các yếu tố kỹ thuật. Nhưng, để phê bình, đánh giá một tác phẩm điện ảnh, chỉ kinh nghiệm và kỹ năng làm nghề là chưa đủ. Tiếng nói lý luận vô cùng quan trọng bởi chính nó mới minh định được chất lượng tác phẩm theo chiều sâu.
Sự thiếu vắng của phê bình điện ảnh ở Việt Nam là thực trạng đã kéo dài hơn hai mươi năm nay. Chính vì cái thiếu vắng không mấy ai để ý đó đã nảy sinh nhiều lệch lạc trong việc khơi gợi thị hiếu khán giả. Và, trong bối cảnh thiếu vắng nhà phê bình đó, một số nhà phê bình tự phong, hoặc được suy tôn một cách dễ dãi, bỗng dưng trở thành “hải đăng” của điện ảnh Việt cho dù những bài viết của họ về các bộ phim không vượt qua cảm nhận đơn thuần của một khán giả tạm gọi là sâu sắc.
Khi thiếu vắng tiếng nói phê bình, các tranh cãi xoay quanh các sản phẩm điện ảnh Việt Nam cũng trở nên vô bổ hơn và nhiều khi không đi tới được kết luận cuối cùng. Ngay cả việc xác định thế nào là một sản phẩm điện ảnh cũng thực sự không dễ đối với đại đa số khán giả. Đây chính là hệ lụy của việc khán giả không có cơ hội được tiếp cận với các quan điểm của những nhà phê bình đúng đắn, công tâm và không ngại va chạm.
Ở khâu chấm giải của các LHP tại Việt Nam, may ra chỉ có hạng mục nhạc phim là còn có tiếng nói phê bình đúng nghĩa, khi có sự xuất hiện của những nhạc sĩ đã học qua Khoa Lý luận, phê bình, sáng tác của Học viện Âm nhạc quốc gia hoặc ở các nhạc viện nước ngoài. Còn lại, vẫn chỉ là những người trong nghề điện ảnh ngồi chấm phim với nhau trong khi thực tế, không phải ai cũng hiểu hết về lý luận phê bình. Đó là còn chưa nói tới chuyện khi người trong nghề chấm giải, chuyện thiên vị là khó tránh khỏi.
Trong không khí mờ nhạt của phê bình nghệ thuật nước nhà nhiều năm qua, có thể nói phê bình điện ảnh là khoảng trống. Văn học, âm nhạc, hội họa vẫn có những tiếng nói phê bình xuất hiện trên truyền thông (dù chưa thường xuyên lắm) trong khi điện ảnh thì gần như không có. Và, một khi đã thiếu vắng phê bình, kỳ vọng một nền điện ảnh chất lượng với việc thường xuyên góp mặt ở những hạng mục của các giải thưởng danh giá tầm quốc tế sẽ vẫn còn là chuyện xa vời.