Khi văn chương phải... “nhún mình”

Thứ Năm, 06/01/2022, 08:15

Để len mình vào đời sống, văn chương sẽ phải vất vả rất nhiều. Rõ ràng, tìm mạch nguồn tới tay độc giả là việc vô cùng gian khó mà có lẽ trong hàng ngàn nhà văn may ra mới có một nhà văn tìm được đúng mạch nguồn ấy. Cơm áo lại không đùa với khách thơ. Nhưng thiết nghĩ, nếu có lòng đoái hoài tới văn chương, thì nên dọn cho văn chương một chỗ tương xứng, trân trọng văn chương như một thượng khách chứ không phải chỉ là một kẻ ăn theo thời vụ đơn thuần.

"Mẹ chồng" thực sự cuốn hút bởi lối kể chuyện điềm đạm và mực thước, không có những sáo ngữ hay dùng những câu từ trending như những cuốn sách đương thời. Tác giả có lẽ là người nghiêm cẩn, nên các nhân vật nữ trong "Mẹ chồng" dữ dội như những đợt sóng ngầm nhưng lại luôn dịu dàng và hiểu biết phép tắc; họ tìm đường phá bỏ những khuôn phép này nhưng lại tự đày mình vào những khuôn phép khác, tất cả đều trên hành trình đi tìm kiếm hạnh phúc và bản ngã của chính mình… Văn chương của Kim giàu tính nữ, nhưng là vẻ nữ tính của những cây xương rồng giữa cát nóng, không buông tay trong thê lương…” (hết trích).

Đoạn trích kể trên là đánh giá của một nhà văn dành cho cuốn tiểu thuyết mới ra mắt có tên “Mẹ chồng” của tác giả Kim. Thực sự, “Mẹ chồng” là một dự án vô cùng thú vị, có lối đi lạ, có thể làm tham khảo cho văn chương Việt Nam hiện nay. Thay vì lối mòn cũ là biên kịch lại một tiểu thuyết thành kịch bản điện ảnh, “Mẹ chồng” lại đi từ một dự án điện ảnh trở thành một tiểu thuyết, cùng dưới ngòi bút của Kim - tác giả kịch bản lẫn tác giả văn học. Chủ trì dự án này là siêu mẫu, diễn viên điện ảnh Thanh Hằng. Một lời khen dành cho cô khi mang tới cho đời sống hôm nay một dự án giàu văn hoá.

Nhưng trong cái tích cực, không thể không nói về những điều chạnh lòng. Khi ra mắt tiểu thuyết “Mẹ chồng”, trọng tâm của kế hoạch truyền thông đều xoáy vào một mình Thanh Hằng và chỉ Thanh Hằng mà thôi. Không mấy ai biết đến Kim và chỉ mong rằng việc không xuất hiện này là chủ đích của tác giả chứ không phải là mong muốn chung của những người xây dựng dự án.

Song cho dù là chủ đích thế nào đi nữa thì hình ảnh trên bìa sách vẫn nói lên tất cả. Sử dụng hình ảnh của Thanh Hằng trong hoá thân thành nhân vật mẹ chồng trong phim để bán sách là chuyện nên làm và rất đáng động viên, nhưng dòng chữ “một ấn phẩm của Thanh Hằng” được ghi lớn hơn dòng “tác giả: Kim” đã đủ cho thấy văn chương phải ''nhún mình'' thế nào trước hào nhoáng giải trí. Cứ cho đó là một lựa chọn của ê kíp, và Thanh Hằng là người đầu tư toàn bộ dự án nên ấn phẩm trở thành của cô là nghiễm nhiên đi nữa thì cũng khó có thể cảm thông được với hình ảnh cô ngồi bên bàn giới thiệu sách ký tặng như một tác giả. Ở những xã hội trọng văn hoá khác, trọng tâm của buổi ra mắt một tác phẩm văn học phải là tác giả của tác phẩm, và người ngồi ký tặng sách cho độc giả cũng phải là tác giả. Nhưng ở Việt Nam thì văn chương đã buộc phải lùi lại đằng sau hậu trường vì rất có thể chẳng ai cần biết đến Kim mà chỉ cần biết đến mỗi một Thanh Hằng.

Để len mình vào đời sống, văn chương sẽ phải vất vả rất nhiều. Rõ ràng, tìm mạch nguồn tới tay độc giả là việc vô cùng gian khó mà có lẽ trong hàng ngàn nhà văn may ra mới có một nhà văn tìm được đúng mạch nguồn ấy. Cơm áo lại không đùa với khách thơ. Nhưng thiết nghĩ, nếu có lòng đoái hoài tới văn chương, thì nên dọn cho văn chương một chỗ tương xứng, trân trọng văn chương như một thượng khách chứ không phải chỉ là một kẻ ăn theo thời vụ đơn thuần.

Rất buồn vì “Mẹ chồng” lại là một tác phẩm tốt, được viết bởi một tác giả rất thận trọng câu chữ. Chỉ mong, Kim sẽ không chạnh lòng như những người cầm bút khác đang lận đận mò đường trong chốn văn trường khắc khổ này.

Văn Đoàn
.
.