Khi truyền thông triệt để thực dụng
Truyền thông thực dụng tạo ra các drama, đánh thẳng vào nỗi đau, sự sợ hãi, tò mò của người khác nên thường thu hút sự quan tâm lớn từ cộng đồng. Vì ăn xổi nên truyền thông thực dụng đạt được hiệu quả truyền thông nhanh. Các cá nhân sẽ nổi tiếng tức thì, các doanh nghiệp sẽ ngay lập tức nâng cao độ nhận diện với khách hàng nhờ áp dụng những chiêu trò truyền thông dạng này.
Trong một xã hội Internet bùng nổ như ngày nay, truyền thông là phương tiện giúp việc tiếp cận thông tin toàn cầu trở nên dễ dàng hơn. Cùng với đó là việc đưa hình ảnh, tiếng nói của cá nhân đến với nhiều người cũng vô cùng đơn giản. Chúng ta đã chẳng còn xa lạ gì với những trường hợp trở thành người nổi tiếng chỉ với một đoạn clip hay vài hình ảnh Viral (nổi tiếng) trên các nền tảng mạng xã hội.
Ngoài các cá nhân thì với những doanh nghiệp hoạt động kinh doanh, truyền thông cũng là một trong những công cụ đắc lực giúp họ hỗ trợ quảng bá thương hiệu, đẩy nhanh việc tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ bán ra. Chính bởi truyền thông có vai trò to lớn như vậy nên gần như 100% các doanh nghiệp hiện nay đều chi tiền để xây dựng phòng Truyền thông Marketing hùng hậu nhằm xây dựng thương hiệu, quảng bá mặt hàng, đẩy mạnh doanh số. Rõ ràng sự lên ngôi của Truyền thông trong đời sống hiện đại là nhu cầu thiết thực, xu thế tất yếu và nó mang lại những ý nghĩa tích cực, giá trị thặng dư cho các đơn vị doanh nghiệp.
Song, bên cạnh mặt ưu việt và những giá trị to lớn của Truyền thông thì có không ít cá nhân, doanh nghiệp đã lợi dụng, biến tướng nó thành truyền thông "thực dụng" thậm chí cả truyền thông "bẩn" nhằm mục đích thu hút sự quan tâm của cộng đồng một cách nhanh chóng.
Truyền thông "bẩn" có thể được hiểu là sự lan truyền, trao đổi thông tin một cách sai lệch trên bất cứ nền tảng hoặc phương tiện truyền thông nào, không quan tâm đến danh tiếng, phẩm giá của một người hay doanh nghiệp được nhắc đến. Truyền thông "bẩn" bóp méo các thông tin từ đó tạo nên sự xáo trộn trong cộng đồng mà chuộc lợi cho đơn vị tung ra chiến dịch truyền thông này. Sự bất chấp tất cả để đạt được mục đích của loại truyền thông này đã để lại nhiều hệ lụy nặng nề, là thứ chúng ta cần lên án mạnh mẽ và có chế tài xử lý nghiêm khắc.
Thực tế thì trong showbiz đã có các chiêu trò truyền thông "bóp méo sự thật" như vụ Kiều Minh Tuấn và An Nguy chia sẻ chuyện tình cảm riêng tư để PR cho phim "Chú ơi đừng lấy mẹ cháu", hay ca sĩ Phương Thanh ra mắt người tình trẻ trong dự án âm nhạc.v...v. Hẳn độc giả còn nhớ các ví dụ điển hình của truyền thông bẩn như: Vụ bê bối sừng tê giác đến cuộc khủng hoảng nước mắm, vụ việc Sữa Danlait năm 2013 hay mới đây nhất là lan truyền thông tin bịa đặt cô gái đi học nghĩa vụ quân sự ở một trường quân đội đã bị 12 học viên trường này cưỡng bức và tự sát không thành để làm rối loạn dư luận và tạo điều kiện các thế lực thù địch chống phá gây rối.
Tất cả các chiêu trò truyền thông ấy hậu quả thế nào thì chúng ta cũng đã thấy rõ.
Bóp chết nội dung sáng tạo
Truyền thông thực dụng tạo ra các drama, đánh thẳng vào nỗi đau, sự sợ hãi, tò mò của người khác nên thường thu hút sự quan tâm lớn từ cộng đồng. Vì ăn xổi nên truyền thông thực dụng đạt được hiệu quả truyền thông nhanh. Các cá nhân sẽ nổi tiếng tức thì, các doanh nghiệp sẽ ngay lập tức nâng cao độ nhận diện với khách hàng nhờ áp dụng những chiêu trò truyền thông dạng này.
Trái ngược với truyền thông "bẩn", truyền thông "sạch" thường ít có những drama, kịch tính nên cũng ít nhận được sự quan tâm. Làm truyền thông "sạch" cần phải có một khoảng thời gian nhất định mới thu được kết quả như mong muốn. Truyền thông "sạch" còn yêu cầu sự sáng tạo bền bỉ, kiên trì với những giá trị đích thực để nâng tầm cá nhân và thương hiệu doanh nghiệp. Do sự chênh lệch quá lớn như vậy nên không ít cá nhân, doanh nghiệp đã chọn đi đường vòng để đến đích nhanh hơn bằng truyền thông "bẩn".
Khi những thông tin, nội dung sai lệch, giật gân thu hút đông đảo lượt quan tâm của cộng đồng và tràn lan khắp mọi nơi thì hiển nhiên đất dành cho truyền thông sạch, những nội dung chính thống sẽ ít đi. Vốn dĩ những yêu cầu cho truyền thông sạch đã cao hơn rất nhiều mà lại ít được quan tâm nên càng trở nên khó khăn và ít được lựa chọn. Việc các kênh truyền thông "bẩn" tương trợ, cấu kết lẫn nhau trong những chiến dịch của họ để tạo nên bẫy truyền thông thu hút sự chú ý lớn từ cộng đồng cũng là một thách thức không nhỏ với những những người làm truyền thông chân chính.
Trên các nền tảng mạng xã hội, để xây dựng thương hiệu cá nhân của mình những người làm nội dung phải không ngừng sáng tạo, đổi mới để tạo ra những giá trị cho người đọc, người xem. Thế nhưng quá trình sáng tạo những nội dung ý nghĩa và có giá trị bao giờ cũng khó khăn vất vả hơn là làm những nội dung nhảm nhí, đánh vào sự hiếu kỳ, thậm chí bất chấp chà đạp lên người khác để thu hút sự chú ý. Đây cũng được xem như là cách thức làm truyền thông "bẩn". Sự nở rộ của kiểu truyền thông này sẽ bóp chết những nội dung sáng tạo, những giá trị thật.
Những giá trị ảo thì không bền
Không thể phủ nhận hiệu quả truyền thông mà truyền thông thực dụng mang lại là sự thu hút sự quan tâm một cách nhanh chóng. Thế nhưng đó là những giá trị ảo và là con dao hai lưỡi với phần hại thì bén hơn rất nhiều phần lợi.
Tại thời điểm chạy chiến dịch truyền thông "bẩn" có thể sẽ có nhiều người quan tâm, thế nhưng muốn họ ở lại, tin tưởng, ủng hộ thì cần phải có giá trị thật. Những giá trị ảo dù được truyền thông, đánh bóng cỡ nào thì cũng nhanh chóng bị đào thải. Bằng chứng là rất nhiều người nổi lên nhờ tai tiếng đều lặn mất tăm sau một thời gian bởi bản thân họ không mang lại giá trị thật cho công chúng, người xem. Chưa kể với những cá nhân, doanh nghiệp đã có cho mình sự ảnh hưởng, tệp khách hàng tin tưởng nhất định khi áp dụng chiến dịch truyền thông "bẩn" rất dễ bị quay lưng bởi người hâm mộ hay khách hàng từng trung thành. Bởi họ cảm thấy sự bất chấp, tính không minh bạch của cá nhân, doanh nghiệp mà họ từng tin yêu khiến họ thất vọng và mất niềm tin.
Những con kền kền rỉa lương tâm
Trong muôn vàn những chiêu trò truyền thông "bẩn" có lẽ truyền thông "bẩn" ăn theo những thảm họa, những đau thương, mất mát của người khác là một trong những con kền kền hôi hám nhất, rỉa chính lương tâm của mình để làm truyền thông. Đây là hành động truyền thông thiếu nhân văn nhất của những cá nhân, tổ chức sẵn sàng bất chấp mọi giá trị đạo đức, pháp luật để đạt mục tiêu được nổi tiếng và nâng độ phủ sóng đơn vị mình, doanh nghiệp mình.
Ví dụ: Ngay khi thảm họa xảy ra, có những đơn vị doanh nghiệp sẵn sàng bỏ ra nhiều tiền, chi phí để đến tận nơi chia sẻ với các nạn nhân. Những hoạt động tương trợ đúng nghĩa sẽ có cách làm và mục đích đúng nghĩa, phương pháp rất giản dị. Nhưng nếu lợi dụng thảm hoạ để làm truyền thông, bám vào các từ khóa, hay bắt trend để viết bài đăng trên các trang web hay Fanpage của mình để tăng tìm kiếm tên đơn vị doanh nghiệp của mình thì thật quá thực dụng và tàn nhẫn.
Truyền thông "bẩn" còn bất chấp nỗi đau của những người nhà nạn nhân xấu số trước thiên tai, địch họa để thêu dệt lên những câu chuyện thương tâm sai sự thật từ đó thu hút sự đồng cảm, quan tâm của công chúng. Bất chấp lòng tin của tình người trong hoạn nạn để dựng lên những hình ảnh thiện nguyện với mục đích đánh bóng tên tuổi. Hay lợi dụng những thảm họa để đưa vào những thông tin nhằm chạy quảng cáo bán sản phẩm. Đó không chỉ là sự thờ ơ, vô cảm trước nỗi đau của đồng loại mà còn là cả sự bất chấp lương tâm để đạt mục đích. Chính vì vậy cần phải có biện pháp xử lý để triệt hạ truyền thông "bẩn" trả lại đất cho truyền thông đích thực và những giá trị thực của sự sáng tạo nội dung.
Cần một chế tài xử lý phù hợp
Đã có không ít những trường hợp đưa thông tin sai sự thật, phản cảm, trái với thuần phong mỹ tục bị xử phạt vi phạm hành chính. Ví dụ như: TikToker Phạm Đức Tuấn bị phạt 7,5 triệu đồng vì đăng clip với nội dung miệt thị người nghèo. Trước đó, năm 2020, Hưng Vlog phải nộp phạt tổng số tiền 17,5 triệu đồng vì đăng video nấu cháo gà nguyên lông… Thế nhưng phải chăng chế tài xử phạt đang quá ít với mức thu nhập mà truyền thông "bẩn" mang lại nên các kênh truyền thông dạng này vẫn tiếp tục phát triển mạnh mẽ.
Những nội dung truyền thông "thực dụng", "bẩn", vô giá trị còn tác động nghiêm trọng đến đạo đức, nhân cách của người tiếp thu chúng đặc biệt là những đối tượng trẻ em, trẻ vị thành niên. Chính vì vậy cần có sự kiểm soát chặt chẽ và biện pháp xử lý mạnh mẽ hơn nữa để loại bỏ những nội dung phản cảm, vô văn hóa, vô đạo đức trên các nền tảng phương tiện truyền thông.
Và đặc biệt cần sự lên án, tẩy chay mạnh mẽ của công chúng trước những nội dung "bẩn" của các cá nhân, doanh nghiệp để góp phần trả lại sự trong sạch, tin cậy và giá trị cho truyền thông.