Khi thiền môn vướng bụi trần

Thứ Năm, 28/07/2022, 14:10

Chốn thiền môn là nơi thanh tịnh, thuần khiết, nơi lan tỏa những giá trị nhân văn của đạo Phật, đó là đức từ bi hỷ xả, cứu độ chúng sinh. Đó là không gian linh thiêng với những giá trị văn hóa, tâm linh, tín ngưỡng mà nhiều thế hệ người dân sáng tạo, gìn giữ, phát huy.

Cửa thiền không chỉ đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tâm linh, tín ngưỡng mà còn đóng vai trò là một thiết chế văn hóa, giáo dục đặc biệt, cung cấp cho con người những tri thức về lịch sử, về cuộc sống nhân sinh, về lẽ phải, sự công bằng, hướng con người đến cái đẹp, cái thiện, giàu lòng nhân ái, khoan dung.

Tuy nhiên, do những tác động của nhân tố khách quan và chủ quan, đặc biệt là thói hám danh, hám lợi, dục vọng, ham muốn cá nhân, một số nhà tu hành đã có những biểu hiện vi phạm giới luật và những điều cấm trong Luật Tín ngưỡng, tôn giáo; lợi dụng chốn tu hành để thỏa mãn ham muốn, dục vọng.

Vụ việc liên quan đến sư trụ trì và một số cá nhân ở chùa Biện Sơn (Vĩnh Phúc) có hành vi tà dâm, xu hướng tình dục đồng giới, có hành vi, ngôn ngữ ứng xử, giao tiếp lệch chuẩn bị người dân, báo chí phản ánh, tố cáo và bị các cơ quan chức năng vào cuộc xử lý, cho thấy những góc khuất của cuộc sống tu hành. Những hành vi, hiện tượng phản cảm đó làm hoen ố hình ảnh linh thiêng chốn cửa thiền, làm suy giảm niềm tin của nhân dân, gây bất bình trong dư luận, cần được lên án, xử lý.

Có thể nói, trong bối cảnh hội nhập toàn cầu, giao lưu, hội nhập, bên cạnh các trào lưu, tư tưởng tiến bộ là sự lấn át, chi phối của những trào lưu, tư tưởng lệch lạc, những ấn phẩm có nội dung xấu độc, chi phối đến nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có lĩnh vực tôn giáo, tín ngưỡng, tiêm nhiễm và ăn sâu trong lối sống, hành vi, tư tưởng của một số nhà tu hành. Vì tiền, lợi nhuận và tham vọng cá nhân, vì các mối quan hệ “ngầm”, nhiều kẻ mượn danh tu hành, nấp sau bộ nâu sồng, sẵn sàng tham gia những hội, nhóm bất hợp pháp, tuyên truyền mê tín dị đoan, dựng lên những câu chuyện hư cấu, tâm linh, huyền bí để lừa gạt, trục lợi tiền bạc của người dân.

Trong điều kiện hiện nay, bên cạnh những yếu tố thuận lợi thì nhiều cơ sở thờ tự cũng đang phải đối diện với những thách thức do những yếu tố “bên ngoài” chi phối như tình trạng đốt vàng mã bừa bãi, phung phí, tốn kém; nạn ô nhiễm môi trường, sự lấn át, lấn chiếm của những công trình dân sinh, tình trạng thương mại hóa, kinh doanh buôn bán ngay trong không gian của di tích, tình trạng tham nhũng, sử dụng sai mục đích tiền công đức… và những yếu tố “trên trong” như tha hóa, biến chất, lối sống thác loạn, những hành vi tà dâm, cảnh buôn thần bán thánh, những mối quan hệ ngoài luồng, phức tạp của một số nhà tu hành lợi dụng uy danh thánh thần để chi phối đời sống tư tưởng, tình cảm của nhân dân.

Những hành vi phản cảm ấy diễn ra ngay trong chốn tôn nghiêm, linh thiêng, dấy lên những lo ngại khi niềm tin, tín ngưỡng của con người bị phản bội.

Nguyễn Huy Phòng
.
.