Khi người nổi tiếng "cãi nhau" với khán giả

Thứ Năm, 23/05/2024, 14:27

Trong cuộc họp báo giới thiệu dự án "Quả táo vàng", nam ca sĩ Tuấn Hưng đã nhận được một câu hỏi khá lý thú từ truyền thông xoay quanh chuyện anh "cãi nhau" với khán giả trên trang cá nhân của mình. Và, Tuấn Hưng cũng đã có câu trả lời khá thú vị mà cũng rất chân thành.

"Nhiều khi, chúng tôi muốn vui cũng không được vui. Muốn buồn họ cũng không cho chúng tôi buồn", Hưng đã chia sẻ tâm sự của một người nổi tiếng trước áp lực dư luận mỗi ngày.

Chuyện người nổi tiếng tranh cãi tay đôi với một khán giả nào đó cắc cớ đưa ra bình luận hay câu hỏi mang tính khiêu khích thực tế không hiếm, mà Lệ Quyên là một điển hình. Nghệ sĩ, người nổi tiếng nào càng thẳng tính, nóng tính càng dễ sa vào các tranh cãi với người hâm mộ. Và, trong các tranh cãi đó, phần thua luôn thuộc về người nổi tiếng. Thứ nhất, họ chỉ có một và phải đối chọi với số đông hơn mình. Thứ hai, quan trọng hơn, họ bị mặc định là "buộc phải nhã nhặn" nên nếu có lời nói nào hơi trái tai, lập tức dễ bị quy chụp là coi thường khán giả.

Thực ra, ở khía cạnh này, nghệ sĩ và người nổi tiếng cần được nhìn nhận bớt khắt khe hơn. Ở thời đại mạng xã hội này, mối quan hệ nghệ sĩ - khán giả đã trực tiếp hơn bao giờ hết. Ngày trước, trung gian giữa nghệ sĩ và khán giả là báo chí, là người đại diện, là hãng thu âm, là công ty quản lý v.v... và v.v... Nhưng, thời đại đã thay đổi kéo theo sự thay đổi trong lối vận hành của công nghiệp giải trí. Nghệ sĩ trực tiếp đưa sản phẩm của mình tới khán giả, không còn buộc phải qua một hãng ghi âm nào nữa. Nghệ sĩ đối thoại trực tiếp với khán giả, không cần qua một trang báo hay kênh truyền hình nào cả. Trong mối quan hệ ngang hàng như thế, rõ ràng, các vị thế cũng nên được đánh giá ngang hàng.

Chúng ta hay nói nghệ sĩ cơ bản cũng là người bình thường nhưng chúng ta lại khó chấp nhận cái con người bình thường của một nghệ sĩ hành xử như một người bình thường. Trước một thách thức, xu hướng của người bình thường có thể là trốn tránh, im lặng hoặc đáp trả, tùy theo hoàn cảnh và mức độ. Vậy thì khi một khán giả cắc cớ có những thách thức đầy tính cà khịa, nghệ sĩ có quyền đáp trả hay không? Có chứ. Nhưng, khổ nỗi, sau khi họ đáp trả, không hiểu sao một loạt "chuẩn mực" được đưa ra để áp lên họ theo kiểu "nghệ sĩ mà lại hành xử như vậy à?".

Điều đó có nghĩa là tất cả đều mặc nhiên không cho người nổi tiếng, nghệ sĩ cái quyền được phản ứng lại với thứ làm mình bực mình, khó chịu. Khán giả buộc họ phải như thánh nhân vậy và cố tình tước đi cái quyền hành xử như một người bình thường mà họ đáng có.

Tất nhiên, cách đáp trả của nghệ sĩ cũng là điều đáng nói. Cũng như người bình thường, nghệ sĩ nên có cách đáp trả bình thường nhất, tức là phải có văn hóa. Sẽ không ai ủng hộ một nghệ sĩ phát ngôn thiếu văn hóa cả. Song, nếu họ phát ngôn có văn hóa nhưng lại sâu cay, thẳng thắn và biểu lộ được cảm xúc của họ, điều đó có nên được xem là chuyện bình thường hay không?

Câu hỏi này nên dành cho số đông, những người vốn dĩ thích áp đặt người nổi tiếng phải thế này, thế kia trong khi vẫn tự cho mình cái quyền khiêu khích những người nổi tiếng đó theo cách mà mình tùy thích.

Văn Đoàn
.
.