Khi đất nước có trăm triệu dân

Thứ Năm, 13/04/2023, 07:00

Một trong những cột mốc rất có ý nghĩa trong lịch sử phát triển của dân tộc ta, đó là dân số cả nước sẽ đạt tới mốc 100 triệu người vào khoảng trung tuần tháng 4/2023 này.

Khi dân số đạt 100 triệu người, Việt Nam sẽ đứng vào hàng thứ 15 trên thế giới về quy mô dân số. Một quốc gia có dân số đông thì dĩ nhiên có nhiều lợi thế và dĩ nhiên cũng kèm theo nhiều nỗi lo. Nhất là khi tổng sản phẩm nội địa (GDP) của nước ta mới chỉ đứng ở hàng thứ 25 trên thế giới, với 302,6 tỷ USD (năm 2021).

Nhân lực là nguồn lực quan trọng nhất, không những trong việc phục vụ phát triển mà còn cả việc bảo vệ của mọi quốc gia. Đấy là chưa kể khi chúng ta có 100 triệu dân thì cũng sẽ tạo ra một thị trường tiêu thụ tiềm năng lớn cho nhiều sản phẩm hàng hóa và dịch vụ. Thị trường tiêu thụ rộng mở thì sẽ tạo động lực rất lớn để phát triển kinh tế cũng như thu hút đầu tư nước ngoài.

Cho nên, nếu nguồn lực được phát huy tốt thì sẽ phục vụ tốt cho việc dựng xây và bảo vệ đất nước. Ngược lại, dĩ nhiên sẽ tạo ra gánh nặng về việc làm, an sinh xã hội, trật tự trị an. Cho nên, không hẳn cứ đông là vui.

mốc dân số 100 triệu, việt nam đứng trước cơ hội vàng cho sự phát triển đất nước.jpg -0
Mốc dân số 100 triệu, Việt Nam đứng trước cơ hội vàng cho sự phát triển đất nước.

Nói riêng về lĩnh vực lao động và việc làm để thấy:

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê thì lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên trong quý IV năm 2022 của cả nước là 52,1 triệu người (cao nhất trong vòng 2 năm trở lại đây, tăng gần 0,3 triệu người so với quý trước và tăng gần 1,4 triệu người so với cùng kỳ năm 2021).

Tính chung cả năm 2022, tuy ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19 nhưng Tổng cục Thống kê cho biết thị trường lao động Việt Nam vẫn có nhiều điểm sáng, lực lượng lao động, số người có việc làm và thu nhập của người lao động đều tăng lên; tỷ lệ thất nghiệp, tỷ lệ thiếu việc làm và tỷ lệ lao động phi chính thức đều có xu hướng giảm. Nền kinh tế Việt Nam nói chung và thị trường lao động nói riêng năm 2022 và qua 2023 đã từng bước phục hồi.

Tuy vậy, Tạp chí Kinh tế và Dự báo (cơ quan của Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết tình trạng nhiều doanh nghiệp ở các ngành nghề, địa phương cắt giảm đơn hàng đã diễn ra từ quý IV/2022 và tiếp diễn sang quý I/2023, dẫn đến hàng trăm ngàn người lao động bị giảm giờ làm, mất việc làm, ảnh hưởng tới đời sống của người lao động.

Tại buổi họp báo công bố tình hình lao động việc làm quý I/2023 của Tổng cục Thống kê, tổ chức ngày 6/4, ông Phạm Hoài Nam - Vụ trưởng Vụ Thống kê dân số và lao động cho biết, cả nước có gần 118 nghìn lao động bị mất việc tại các doanh nghiệp trong quý IV/2022, sang quý I/2023, con số này không giảm đi mà tăng lên, với số lượng là gần 149 nghìn lao động bị mất việc.

Cụ thể, số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý I/2023 là khoảng 1,05 triệu người, giảm 34,6 nghìn người so với quý trước và giảm 65,1 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý I/2023 là 2,25%, giảm 0,07 điểm phần trăm so với quý trước và giảm 0,21 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.

Đáng lưu ý là trong quý I/2023, tỷ lệ thất nghiệp cao nhất thuộc về Đồng bằng sông Cửu Long với 2,64% (tương ứng gần 220 nghìn người); tiếp theo là vùng Đông Nam bộ với 2,63% (tương ứng gần 263 nghìn người). Hai khu vực này xưa nay được xem là trù phú, năng động, riêng Đông Nam bộ là nơi thu hút lực lượng đặc biệt lớn về lao động của cả nước.

Đáng mừng là, với sự chỉ đạo chặt chẽ, sát sao của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, sự đồng hành của Quốc hội và sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các địa phương, các lĩnh vực an sinh xã hội vẫn được triển khai kịp thời, thiết thực và hiệu quả trên bình diện cả nước.

Các chính sách ưu đãi đối với người có công, bảo trợ xã hội, người yếu thế, người nghèo vẫn tiếp tục được quan tâm. Nhiều chính sách hỗ trợ chưa từng có tiền lệ đã được Đảng, Quốc hội, Chính phủ quyết định để hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó.

Nói theo kiểu dân dã thì chúng ta đang kiểm soát được "cuộc chơi", không đến mức phải quá lo lắng cho tình hình kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, phải nhận diện đúng thực trạng.

 Không việc gì cản trở được niềm hân hoan khi đất nước có trăm triệu dân, nhưng chúng ta nhìn vào thực trạng để thấy nhiều việc phải thay đổi, phải vun bồi, để thấy trách nhiệm công dân trước vận mệnh Tổ quốc; rồi cũng để thấy rõ thực lực, vào tầm vóc mà kỳ vọng. Kỳ vọng về một tương lai của đất nước: Yên bình và vững mạnh.

Sinh thời, nhà thơ Tản Đà từng có lúc bày tỏ tâm trạng: "Dân hai nhăm triệu ai người lớn/ Nước bốn nghìn năm vẫn trẻ con". Nay ta đã là dân của nước Việt với trăm triệu người và lịch sử đã sang trang với biết bao thay đổi ngoạn mục.

Lương Duy Cường
.
.