Khi cảm xúc được “số hóa”

Thứ Sáu, 30/09/2022, 14:42

Sở dĩ phải đặt hai từ “số hóa” này trong ước lệ nháy nháy vì nó chẳng liên quan gì đến Digitization (định dạng kỹ thuật số, tổ chức thành các bit và byte), người viết chỉ muốn nói rằng đó là một cách định lượng ước mơ khá lạ trong những ngày gần đây khi những con số như 29,95 hay 29,8 và 29,3... cứ làm chúng ta lo âu hơn là mừng rỡ. Liệu từ năm học sau, thí sinh nào sẽ dám ước mơ vượt những “vũ môn” chót vót như thế, hay đó lại là chuyện chẳng khó khăn gì với các thí sinh thế hệ Gen Z?

Người viết đã đọc khá nhiều bài viết trên báo và mạng xã hội về “kỉ lục” điểm chuẩn của năm nay. Đa phần vẫn là những băn khoăn giữa chất lượng thực sự của giáo dục và điểm số. Thấy điểm cao liệu có đáng mừng, ngành học lấy điểm cao liệu có thực sự hot, sau khi học ra sinh viên có dễ xin việc hay không? Thậm chí, có rất nhiều cựu sinh viên từng thi đầu vào bằng khối C phải thốt lên vừa ngạc nhiên vừa khó hiểu trước kết quả thi đó? Chúng ta sẽ có các nhà nghiên cứu, các nhà giáo hay các nhà văn, nhà báo như thế nào trong 10 hay 20 năm nữa khi hôm nay họ đã có một xuất phát điểm gần như đã ở… vạch đích loại giỏi.

Nếu những ai từng công tác trong ngành sư phạm, từng tham gia luyện thi và chấm thi đều hiểu ngày nay việc chấm thi các môn xã hội (đặc biệt là ngữ văn) đều được định lượng bằng biểu điểm trên phiếu chấm. Sự cụ thể hóa đó đã tạo ra thang điểm khá rõ ràng, minh bạch cho một môn học hết sức cảm tính. Đi kèm với đó là một thứ đề cương, dàn ý với hệ thống luận điểm được giáo viên cung cấp cho người học.

Bởi thế, “số hóa” theo cách hiểu này còn là sự định lượng một bài thi, nó có phần nào đó lấn lướt cả tiêu chí về sự sáng tạo, sự cảm nhận và hiểu biết xã hội của một người học. Về góc độ này, không chỉ riêng các giảng viên, các nhà quản lý đều nhận ra (ở mức độ khác nhau) về cái gọi là chất lượng của thời “chấm ý” có khác thời “chấm văn”.

Khi cảm xúc được “số hóa” -0
Cần sự gắn kết chặt chẽ giữa Nhà nước - Nhà trường - Nhà doanh nghiệp trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp.

Liệu có phải việc thẩm định bài thi bằng một quy trình là bước lùi so với một cách thẩm văn cảm tính theo kiểu “lấy hồn tôi để hiểu hồn người” của nhà phê bình Hoài Thanh, liệu con em chúng ta đạt được ngưỡng 27, 28, 29 điểm hoàn toàn nhờ vào may mắn và hoàn cảnh? Những nỗ lực của thầy, cô giáo, những đổi mới, sáng tạo trong phương pháp giảng dạy và sự phát triển của xã hội bấy lâu nay đều không có đóng góp gì vào sự phát triển này? Nhiều người không hề hay biết ở chiều ngược lại, điểm chuẩn đã giảm sâu ở các ngành y, dược và một số ngành khác.

Ví dụ như trong khi chúng ta đang nói nhiều đến mục tiêu xây dựng chuỗi sản xuất thì ngành “Logistics và quản lý chuỗi cung ứng” (Trường Đại học Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh) lại giảm đến 10 điểm. Theo báo cáo thị trường IT của TopDev, năm 2021 Việt Nam cần 450.000 nhân lực. Tuy nhiên, tổng số lập trình viên hiện tại ở Việt Nam (tính đến quý I/2021) là 430.000, nghĩa là 20.000 vị trí lập trình viên còn trống. Năm 2022, khi nhu cầu của thị trường có thể sẽ cần đến 530.000 người, Việt Nam sẽ thiếu khoảng 150.000 nhân lực. (theo funix.edu.vn). Những con số ấy đang nói lên một nghịch lý giữa nhu cầu của xã hội và sự lựa chọn của những người đạt điểm cao chăng?

Có thể thấy dư luận xã hội gần đây đang “bắt trend” theo những hiện tượng, những con số mà không chú ý đến bản chất của vấn đề. Số đang là một thứ tín hiệu tác động đến tâm lý xã hội mạnh mẽ. Người ta chú ý đến việc David Beckham xếp hàng hơn 13 tiếng viếng Nữ hoàng Anh; đến con số 32 người chết trong vụ cháy ở karaoke An Phú (TP Thuận An-Bình Dương); đến con số 9 ngày nghỉ Tết Nguyên đán của năm tới… Cảm xúc từ những con số đang chi phối đến lý trí của chúng ta khi nhận định, phán xét mọi sự việc. Từ đó, dễ dàng bỏ qua nguyên nhân sâu xa, then chốt quyết định đến sự thành công.

Trong bài viết có nhan đề “Không quá ngạc nhiên khi điểm trúng tuyển đại học lên đến 29,95”, PGS.TS Trần Thành Nam đã chỉ ra: “nhiều trường cũng không còn quá tin tưởng vào điểm thi tốt nghiệp THPT nên đã phân bổ nhiều chỉ tiêu cho các phương án xét tuyển khác như thành tích tham gia kỳ thi quốc tế hoặc học sinh giỏi quốc gia, khoa học kỹ thuật quốc gia, các giải nhất, nhì, ba trong kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh; hoặc các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế như IELTS 6.0 trở lên, TOEFL iBT 60, Cambridge English Qualifications 169, SAT 1200, ACT 25 điểm.” (theo baoquocte.vn).

Điều này cho thấy một xu thế dịch chuyển rõ rệt hơn khi sự giáp nối giữa bậc học THPT và Đại học luôn có những bất cập. Có lẽ điều mà phụ huynh và không ít thầy cô muốn lại là điều mà các trường đại học đang ái ngại: Đó là tri thức khoa học, năng lực tư duy, sáng tạo chứ không phải “những người thợ khéo tay” như câu nói của cố nhà văn Nam Cao.

Khi cảm xúc được “số hóa” -0
Việc quan trọng nhất thí sinh cần làm là lựa chọn ngành nghề dựa vào năng lực, sở trường và đam mê cá nhân.

Dù đăng kí đến 99 nguyện vọng, dù điểm thi đạt đến con số 29 thì có lẽ học trò đang là nạn nhận của những cảm xúc được “số hóa” của cộng đồng mạng. Nếu ngày trước, áp lực “con nhà người ta” chỉ đến từ hàng xóm, láng giềng, đồng nghiệp thì nay là cả “làng” Facebook. Những luồng dư luận va chạm, những lợi ích chỉ nằm ở con số thống kê mà chưa giải đáp được bài toán chất lượng, việc làm và sự phát triển đúng hướng của giáo dục và xã hội.

Khi đọc bài “Chấn hưng đất nước bắt đầu từ cải cách đại học” của tác giả Phạm Mạnh Hùng (Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội) trên Báo điện tử Vietnamnet, người viết càng nhận ra vùng ý chí bị khuất lấp như thế: “Để đảm bảo chất lượng, đáp ứng tốt nhu cầu của doanh nghiệp, thị trường, cần cải cách đột phá vào một số vấn đề cụ thể: Xây dựng khung chương trình chuẩn, giảm thiểu tối đa các môn học không liên quan trực tiếp tới chuyên môn nghề, chú trọng thực hành theo tỷ lệ học 20% lý thuyết, 80% thực hành, gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp; Đảm bảo có đội ngũ giảng viên giỏi và trang bị cơ sở vật chất, thực hành hiện đại”.

Những giải pháp mà tác giả nêu ra nhằm xây dựng nền tảng vững chắc, giúp người học và phụ huynh có cơ sở hướng nghiệp, lựa chọn hướng đi đúng đắn, phù hợp năng lực và thị trường lao động. Thiết nghĩ, cái gốc của các kì thi chính là định hướng, là kết cấu của các ngành nghề, từ đó sẽ tạo ra sự phân loại ngay từ khâu đăng kí thi tuyển hoặc xét nguyện vọng. Chúng ta tiếc nuối hay bức xúc vì có em học sinh vẫn không trúng tuyển dù điểm cao nhưng lại quên mất rằng vì nguyên cớ gì, các thi sinh lại lâm vào cuộc cạnh tranh không đáng có ấy? Tất cả là bởi sự nhận thức, đánh giá vẫn còn khá đơn giản, dựa trên những thống kê của năm trước, của tâm lý cầu an.

Chúng ta luôn lắng nghe những con số nhưng không phải lúc nào cũng dựa trên thống kê để đưa ra nhận định của mình. Trong một thời đại mà tin tức trở thành thứ hàng hóa được bán chạy nhất, số liệu là “món ăn tinh thần” nóng hổi nhất thì “thực đơn” để tạo ra nguồn dinh dưỡng tâm hồn càng cần phải thận trọng, kĩ lưỡng và tinh tế. Đó cũng là cách ứng xử của bản thân, đem lại những hiệu ứng tốt cho những người thân và một tâm lí vững vàng cho xã hội. Bạn thử nghĩ xem, nếu như cộng đồng mạng, cộng đồng phụ huynh không tránh khỏi những cơn sốt ấy thì những đứa trẻ sẽ học được gì? Bao giờ cảm xúc cũng là động lực, là mục tiêu sống nhưng nếu như bị “số hóa” một cách đơn giản như thế sẽ chẳng đem lại điều gì thuận lợi cho chúng ta…

Phương Mai
.
.