Khi các thuê bao bị tảng lờ

Thứ Sáu, 17/09/2021, 10:43

Trong bão dịch COVID-19 gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, kinh tế, nhiều mặt hàng đã có những giảm giá để chia sẻ khó khăn với đồng bào cả nước. Còn các nhà cung cấp thuê bao truyền hình thì sao? Họ đang không giữ đúng thỏa thuận mua bán trong việc tảng lờ trách nhiệm thông báo và đưa ra biện pháp giải quyết khi thời hạn về việc ngưng phát sóng 14 kênh nói trên đã quá cận kề.

Trong thông báo mới đây, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) đã cho biết 14 kênh truyền hình trả tiền của nước ngoài, trong đó có các kênh như Fox Movies, Channel V, Fox Sports, Disney Channel… sẽ chính thức ngừng phát sóng trên dịch vụ truyền hình trả tiền tại Việt Nam từ ngày 1/10/2021. Lý do cơ bản, từ ngày 1/10/2021, công ty Disney sẽ dừng phát sóng 12 kênh truyền hình, công ty BVII sẽ dừng phát sóng 2 kênh truyền hình tại khu vực Đông Nam Á và Hong Kong, trong đó có Việt Nam để tập trung khai thác các nội dung của mình trên nền tảng số Disney+, một nền tảng xem trực tuyến kiểu như Amazon Prime, NetFlix hay HBOgo.

Xem trực tuyến trên internet là một xu hướng thời đại mà không chỉ Disney mới là đơn vị tham gia vào nó một cách mạnh mẽ. Các đơn vị trong nước cũng đã khai thác thị trường này khá rôm rả suốt những năm qua mà điển hình là các nền tảng như VieOn (với chương trình nổi tiếng Rap Việt), như OnSport của VTVCab và FPT Play. Các đơn vị sản xuất và kinh doanh nội dung đều xem việc phát hành trực tuyến là hướng đi tất yếu và nếu chậm tham gia ngày nào, nhà đầu tư sẽ chỉ thiệt hại thêm về tài chính và sụt giảm bớt khả năng doanh thu ngày ấy mà thôi. Chính Tim Cook, CEO của Apple đã từng tuyên bố cách đây 7 năm trong một buổi ra mắt sản phẩm mới một câu rất ngắn gọn mà nổi tiếng rằng "Tương lai của truyền hình là ứng dụng". Phát hành nội dung qua ứng dụng song song hoặc thay thế hẳn nền tảng truyền hình truyền thống giúp chủ đầu tư tự kiểm soát phát hành và nguồn thu từ người sử dụng một cách trực tiếp nhất. Hơn nữa, họ có thể đánh giá nhu cầu thực tế của từng người dùng một cách sát sao nhất để từ đó thiết kế các nội dung ăn khách cũng như dẫn dụ người dùng tới các nội dung phù hợp sở thích.

Trong xu thế ấy, câu hỏi đặt ra là quyền lợi của người sử dụng truyền hình truyền thống sẽ được đảm bảo như thế nào? Việc Disney thông báo cắt 12 kênh hấp dẫn của mình trên hệ thống truyền hình truyền thống rõ ràng khiến cho các sản phẩm mà tất cả các thuê bao truyền hình truyền thống nhận được từ nhà cung cấp không còn nguyên vẹn so với cam kết ban đầu. Tuy vậy, tính cho đến lúc này (giữa tháng 9) chưa có bất kỳ một đơn vị cung cấp nội dung truyền hình truyền thống nào có một thông báo tới khách hàng về sự thay đổi bất tiện này, đồng thời hứa hẹn một biện pháp đền bù xứng đáng. Đặc biệt là các đơn vị cung cấp truyền hình trả tiền "hạng sang" như K+, VTC… Đây là các đơn vị có các gói thuê bao trả trước 3 tháng, 6 tháng, 12 tháng. Như vậy, khách hàng trả trước của họ đã đặt mua một sản phẩm nhưng nhận được hàng giao không đầy đủ so với hợp đồng đặt mua này.

Sự im lặng kỳ này của các nhà cung cấp dịch vụ truyền hình thực tế không phải lần đầu. Nhiều nhà cung cấp đã từng cắt kênh, cắt nội dung do không đạt được thỏa thuận bản quyền nhưng sau đó không hề có một đền bù hay giảm giá tương xứng cho người tiêu dùng. Rõ ràng, các thuê bao truyền hình hiện nay đang bị coi thường theo kiểu nhà cung cấp muốn cho gì thì cho, dù quan hệ giữa hai bên là quan hệ mua bán đơn thuần. 

Trong bão dịch COVID-19 gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, kinh tế, nhiều mặt hàng đã có những giảm giá để chia sẻ khó khăn với đồng bào cả nước. Còn các nhà cung cấp thuê bao truyền hình thì sao? Họ đang không giữ đúng thỏa thuận mua bán trong việc tảng lờ trách nhiệm thông báo và đưa ra biện pháp giải quyết khi thời hạn về việc ngưng phát sóng 14 kênh nói trên đã quá cận kề.

Văn Đoàn
.
.