Khi áo dài làm du lịch

Thứ Năm, 24/03/2022, 19:30

Là trang phục truyền thống của dân tộc, áo dài giờ đây không chỉ được tôn vinh, lan tỏa trong đời sống mà còn được ví như "sứ giả văn hóa" để phát triển du lịch. Ngày càng cần có nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả góp phần xây dựng sản phẩm du lịch gắn liền với tà áo dài...

Nhiều năm trở lại đây, tháng 3 đã trở thành "Tháng áo dài" với nhiều hoạt động quảng bá, tôn vinh áo dài trên khắp mọi miền đất nước. Một trong những hoạt động tôn vinh áo dài hoành tráng nhất năm nay phải kể tới "Lễ hội áo dài" do Sở du lịch TP Hồ Chí Minh, Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ phối hợp với nhiều đơn vị tổ chức. Với chủ đề "Tôi yêu áo dài Việt Nam", "Lễ hội áo dài" TP Hồ Chí Minh lần thứ 8 diễn ra từ ngày 5/3 đến ngày 15/4 với nhiều chương trình, hoạt động đặc sắc.

Đó là buổi ra mắt 15 bộ sưu tập (BST) áo dài mới đến từ các nhà thiết kế (NTK) nổi tiếng với hơn 300 mẫu áo dài theo 4 chủ đề: Cội nguồn, Thăng hoa, Hội nhập và Thành phố tôi yêu. Như NTK Võ Việt Chung với BST "Mai, Lan, Cúc, Trúc", BST "Di sản" của NTK Tuấn Hải, BST "Mộng dưới hoa" của NTK Liên Hương, BST "Trầm tích Huế thơ" của NTK Viết Bảo, "Giấc mơ" của NTK Đỗ Trịnh Hoài Nam…

Khi áo dài làm du lịch -0

Nét đẹp của tà áo dài Việt Nam trên sân khấu.

Sau lễ khai mạc là chuỗi các hoạt động: diễu hành áo dài chủ đề "Khát vọng hòa bình" với sự tham gia của hơn 2.000 người. Cuộc thi vẽ trên áo dài với chủ đề "Áo dài và hoa" dành cho học sinh tiểu học và trung học cơ sở trên địa bàn TP Hồ Chí Minh. Cuộc thi "Duyên dáng áo dài TP Hồ Chí Minh" diễn ra từ ngày 2/3 đến ngày 15/4 tạo sân chơi cho các cá nhân và tập thể yêu mến áo dài.

Tại Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ diễn ra Triển lãm "Áo dài - Nhân vật và sự kiện", giới thiệu 20 bộ áo dài gắn với các nhân vật phụ nữ trong 2 cuộc kháng chiến. Triển lãm "Áo dài xưa và nay" với hơn 60 ảnh tư liệu về áo dài Việt Nam từ đầu thế kỷ 19 đến nay. Ngoài ra, tại Bảo tàng Áo dài có các hoạt động triển lãm "Áo dài và cội nguồn" của các nhân vật nữ có nhiều đóng góp trong các lĩnh vực chính trị, ngoại giao, văn hóa, y tế; Triển lãm BST áo dài màu hồng với chủ đề "Hạnh phúc", trưng bày áo dài với các chuyên đề "Lịch sử áo dài", "Áo dài hội nhập"…

Ngoài ra, trong khuôn khổ "Lễ hội áo dài" còn có cuộc vận động thiết kế mẫu áo dài "Áo dài ra thế giới" dành cho các nhà thiết kế trẻ, sinh viên khoa thiết kế. Các chương trình truyền cảm hứng về áo dài cho du khách, học sinh, sinh viên, người dân từ ngày 14/3 đến ngày 17/3. Đặc biệt, lễ hội năm nay đẩy mạnh hướng đến giới trẻ với cuộc thi "Áo dài online" diễn ra từ 4/3 đến ngày 31/3 với 2 hình thức tham gia trên nền tảng ứng dụng TikTok và trang thông tin điện tử của lễ hội.

Dù tình hình dịch bệnh còn phức tạp nhưng Hà Nội vẫn hưởng ứng tích cực "Tuần lễ áo dài" như khuyến khích chị em mặc áo dài tại công sở hay khi tham gia các sự kiện. Ngoài ra, còn tổ chức các hoạt động truyền thông về áo dài, quảng bá nét đẹp của phụ nữ với trang phục áo dài nhằm khẳng định giá trị, vị thế của áo dài trong đời sống xã hội. Không chỉ tại Việt Nam, các đại sứ áo dài ở nước ngoài cũng tổ chức nhiều hoạt động phong phú với các hình thức khác nhau nhằm lan tỏa nét đẹp của chiếc áo dài Việt Nam cũng như giá trị văn hóa Việt đến bạn bè thế giới.

Có thể nói vẻ đẹp, giá trị của áo dài Việt Nam trong đời sống sinh hoạt cũng như văn hóa là điều không phải bàn cãi. Được tổ chức trong bối cảnh bình thường mới, "Lễ hội áo dài" và các hoạt động tôn vinh áo dài không chỉ có ý nghĩa khẳng định giá trị của trang phục truyền thống mà còn góp phần kích cầu du lịch, khởi động lại ngành "công nghiệp không khói" sau một thời gian dài đóng băng do dịch bệnh. Chính vì vậy, "Lễ hội áo dài" đánh dấu sự trở lại của ngành du lịch cũng như mang tới nhiều gợi ý cho các sản phẩm du lịch gắn với áo dài.

Khi áo dài làm du lịch -0
Bộ sưu tập áo dài “Mai Lan Cúc Trúc” của nhà thiết kế Võ Việt Chung.

Một điều đáng mừng là thời gian qua đã có không ít hoạt động thiết thực để đưa áo dài vào các sản phẩm du lịch như may áo dài tại chỗ với giá ưu đãi. Trong khuôn khổ "Lễ hội áo dài", Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ đã thử nghiệm chọn 2 nhà may để có thể may trực tiếp cho khách với công may giảm từ 500.000 đồng xuống chỉ còn 300.000 đồng/bộ... Vừa qua, để khuyến khích du khách mặc áo dài, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã miễn vé tham quan di tích đối với phụ nữ trong nước và quốc tế khi mặc trang phục áo dài truyền thống Việt Nam từ 5/3 đến ngày 10/3.

Các nhà văn hóa và các đơn vị du lịch đã có nhiều ý tưởng trong việc đẩy mạnh hình ảnh áo dài vào các sản phẩm du lịch. Trong chương trình "Không gian triển lãm Áo dài và điểm đến du lịch" đã kết hợp biểu diễn các loại hình văn hóa di sản phi vật thể như Quan họ, Ví - giặm, Đờn ca tài tử… nhằm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của áo dài và di sản văn hóa phi vật thể đại diện cho nhân loại tại Việt Nam. Dự án "Hành trình quảng bá Du lịch Việt Nam - Áo dài và những di sản văn hóa" với ý nghĩa đưa áo dài đi qua những di sản văn hóa của 63 tỉnh, thành nhằm quảng bá du lịch Việt Nam, thông qua ấn phẩm "Tạp chí Ảnh" dày 100 trang với 20.000 cuốn được gửi đi khắp nơi trên thế giới.

Các nhà nghiên cứu cho rằng, hiếm có trang phục dân tộc nào lại góp phần vào tôn vinh di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại nhiều như áo dài. Theo đó, Việt Nam có 13 di sản được UNESCO công nhận là "Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại" thì có đến 7 di sản liên quan đến áo dài như Quan họ, Ca trù, Hát xoan, Ví -giặm, Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ, Nhã nhạc cung đình huế, Đờn ca tài tử. Các loại hình nghệ thuật này đều sử dụng áo dài hoặc áo tứ thân khi biểu diễn. Chính vì vậy, chúng ta giới thiệu quảng bá tốt hình ảnh áo dài cũng đồng nghĩa với việc giới thiệu, tôn vinh những di sản văn hóa phi vật thể khác tới du khách trong và ngoài nước. Mặc dù có vai trò như vậy nhưng áo dài lại chưa được ngành du lịch khai thác xứng tầm.

Trên thế giới, không ít quốc gia, dân tộc đã làm tốt việc đưa trang phục trở thành "sứ giả văn hóa". Với trang phục của nữ, nhắc tới Nhật Bản là du khách nhớ tới Kimono, Hàn Quốc là Hanbok, Ấn Độ là Sari… Áo dài truyền thống Việt Nam được đánh giá là có nhiều ưu việt để trở thành một món quà du lịch mang đậm nét văn hóa dân tộc. Áo dài có thể phù hợp với nhiều dáng người, gọn nhẹ, tiện lợi khi sử dụng, mang theo. Đặc biệt là thời gian hoàn thiện rất nhanh, giá thành rẻ… Vì thế, khả năng đưa áo dài đi xa, đi nhiều nơi thông qua du lịch là rất khả khi. Các chuyên gia đều nhận định khi di sản văn hóa thành sản phẩm du lịch thì mang lại hiệu quả kinh tế và văn hóa rất cao. Ví dụ, như khi đến Việt Nam, du khách sẽ được nghe ca trù hay đờn ca tài tử mà các nghệ sĩ biểu diễn khi mặc áo dài thì du khách sẽ được tiếp cận cả câu chuyện áo dài và câu chuyện của di sản.

Dù được đánh giá là chứa đựng nhiều giá trị tiềm ẩn để phát triển du lịch nhưng rõ ràng thời gian qua, việc phát huy vị thế áo dài trong phát triển du lịch còn chưa được như mong muốn. Muốn áo dài trở thành một sản phẩm du lịch độc đáo thì bản thân áo dài phải thường xuyên được sử dụng trong đời sống chứ không chỉ ở những kỳ lễ lạt hay sự kiện quan trọng. Áo dài cần được thiết kế phù hợp để sử dụng thường xuyên trong nhà trường để lan tỏa cho thế hệ trẻ. Thậm chí, có ý kiến còn cho rằng nên khuyến khích tiểu thương trong các chợ, trung tâm thương mại, nơi có nhiều du khách tới mua sắm mặc áo dài vào một số ngày cố định trong tuần.

Đặc biệt, cần đưa những hoạt động gắn liền với áo dài vào các tour du lịch. Những nơi tập trung nhiều thương hiệu, nhà may nổi tiếng như TP Hồ Chí Minh, Huế, Hội An, Đà Nẵng, Hà Nội có thể tạo thành một tour tham quan, tìm hiểu nghề may áo dài. Ngoài ra, hoạt động tham quan các làng nghề truyền thống liên quan tới áo dài như dệt vải, thêu, đan, các lễ hội âm nhạc để tăng tính trải nghiệm phong phú cho du khách. Chỉ có xây dựng được nhiều hoạt động thú vị, hấp dẫn thì trang phục truyền thống này mới phát huy được vị thế trong phát triển du lịch.

Khánh Thảo
.
.