Khen thưởng phải thực chất

Thứ Năm, 26/08/2021, 10:57

Tâm lý con người, ai cũng thích, cũng mong muốn được khen ngợi, được ghi nhận, được vinh danh. Vì thế mà mỗi người luôn phải nỗ lực phấn đấu để không ngừng vươn lên tầm phát triển ngày càng cao hơn. Rõ ràng, thành tích là điều tốt đẹp và nó cũng mang lại những điều tương tự cho cuộc sống. Cho nên thi đua để đạt thành tích cao hơn không phải là điều xấu. Vấn đề ở chỗ, thành tích đạt được phải là thành tích thật, kết quả của những nỗ lực không mệt mỏi, những suy tư không ngừng nghỉ, cùng cả những hy sinh lợi ích cá nhân.

Tuy nhiên, ham muốn thành tích quá mức, chạy theo thành tích mà bất chấp điều kiện và nhu cầu thực tế tạo ra những thành tích giả tạo cốt để tạo uy tín cá nhân, để che mắt dư luận, sử dụng làm tấm áo che đậy những sai phạm... sẽ phát sinh căn bệnh giả dối dẫn đến việc phải “chạy” như lời của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại buổi khai mạc Phiên họp thứ 2 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khoá XV, đề cập dự án Luật Thi đua khen thưởng (sửa đổi): Cần đảm bảo công khai, minh bạch, khắc phục chuyện trong thi đua khen thưởng cũng “chạy”. “Chạy” danh hiệu, “chạy” bằng khen, giấy khen, “chạy” anh hùng"… Thậm chí có trường hợp vừa phong Anh hùng xong đã phải xử lý rồi.

image001.jpg -0

Ảnh chỉ mang tính minh họa

Nhìn lại thời gian qua thấy rõ ràng việc khen thưởng có lúc chưa thực sự đúng. Đến hẹn lại lên, cứ vào dịp sơ kết 6 tháng đầu năm, tổng kết cuối năm hoặc là những ngày thành lập bộ, ngành, trên báo chí, trên các trang thông tin điện tử nội bộ đều đồng loạt đăng tải những thành tích đáng nể. Song song với đó là rất nhiều danh hiệu được trao cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc. Không chỉ người trong cuộc mà ngay cả những người ngoài cuộc cũng thấy những thành quả, đóng góp chỉ tầm tầm, chưa có gì nổi trội, xuất sắc, chỉ là những thành tích bề nổi, chưa thực sự xem xét phân tích để đánh giá chính xác thực chất, nhưng nghe báo cáo đến đâu “mát lòng, mát ruột” đến đấy.

Trên thực tế, đã tồn tại không ít trường hợp các danh hiệu thi đua được tập thể lãnh đạo chỉ định trước, mà bỏ qua quan điểm "lấy hiệu quả công việc làm thước đo phẩm chất năng lực của tập thể, cá nhân", thay vào đó, là cả nể, cảm tính, thậm chí không loại trừ cả việc chạy “danh hiệu thi đua” bằng nhiều hình thức. Thực tế đã có  việc cán bộ, công chức, viên chức Nhà nước định kỳ hàng năm sáng tạo ra các loại công trình khoa học, đề án, đề tài, sáng kiến chỉ để công nhận “Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”, để bình xét “Chiến sĩ thi đua” đã gây ra những khuyết tật và theo thời gian, phát sinh bệnh “thành tích”.

Khi đặt trước từ “thành tích” một chữ “bệnh” thì vấn đề đã khác. Bởi từ “bệnh” không gợi đến điều gì tốt đẹp. Sự tồn tại của bệnh thành tích sẽ hình thành cả một lớp người chạy theo thành tích, góp phần tạo nên một thế giới giả tạo. Những thứ giả tạo sẽ hủy hoại hoặc chí ít cũng làm lệch lạc sự phát triển nhân cách của mỗi người. Nó sẽ tạo thành một môi trường với những cạnh tranh không lành mạnh, những quan hệ không lành mạnh. Khi thành tích chỉ là giả hoặc không có giá trị thật, nó không những không tạo động lực cho sự phát triển của đất nước. Nhìn rộng ra, có thể thấy, bệnh thành tích quả thực đã trở thành một hiện tượng có nguy cơ trở thành tệ nạn trong xã hội, tạo ra những ảnh hưởng vô cùng nghiêm trọng.

Do vậy, nhiều cá nhân nhận danh hiệu xong, không muốn nhắc đến nó. Những tấm bằng khen được trao mang về xếp xó, chỉ có thành tích là dùng làm báo cáo, khai hồ sơ, những cái đó có ý nghĩa trong việc đề bạt, bổ nhiệm, tăng lương. Vì thế xét ở góc độ thực lợi, thì thi đua cũng là cơ hội tốt cho nhiều người tranh giành để tiến thân, đôi khi còn mở ra cả cơ hội làm giàu. Ngoài ra không có gì hơn!

Người đứng đầu Quốc hội không yên tâm với cung cách thi đua, khen thưởng như thế. Chủ tịch Quốc hội kỳ vọng, sau khi sửa đổi Luật Thi đua khen thưởng sẽ tạo sự chuyển biến mạnh mẽ và rõ rệt, chuyển biến trông thấy trong thực hiện phong trào thi đua yêu nước và khen thưởng của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và chủ động hội nhập quốc tế. Trong đó đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo phong trào thi đua, khen thưởng, phải chú trọng hướng về cơ sở đối với công nhân, nông dân, người lao động trực tiếp sản xuất kinh doanh, sự quan tâm khen thưởng kịp thời nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo, vùng dân tộc thiểu số.

Mong rằng công tác thi đua khen thưởng nhanh chóng có những thay đổi tích cực, luôn chọn được đúng cơ quan, tổ chức, những người giỏi để biểu dương, nêu gương, khen thưởng, làm hạt nhân lan tỏa là một việc làm cần thiết để tạo ra năng lượng tích cực cho đất nước. Thành tích của người này là “cú hích” cho người khác cố gắng khắc phục khó khăn, cùng “chạy đua” để tiếp tục đi lên. Ngược lại, nếu làm không đúng, chúng ta sẽ gặp những hậu quả khôn lường, gây tác động tiêu cực đến tư tưởng của những người lao động chân chính.

Cù Tất Dũng
.
.