Khát vọng đổi mới, sáng tạo để phát triển

Thứ Năm, 06/01/2022, 07:21

Đổi mới, sáng tạo hay là “chết” được nhiều nhà báo đặt ra trong tham luận của mình tại Đại hội lần thứ XI của Hội Nhà báo Việt Nam, nhiệm kỳ 2020-2025.

Đứng trước thách thức của quá trình bùng nổ mạng xã hội và các loại hình truyền thông khác, báo chí chính thống đang bị cạnh tranh khốc liệt. Đội ngũ làm báo phải đối mặt nhiều thử thách để tồn tại và phát triển, đặc biệt là thử thách trước việc làm sao giữ được ngọn lửa nghề, tiếp tục say mê, tâm huyết sáng tạo để thu hút, tạo niềm tin của công chúng với báo chí và có những đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội, đời sống văn hóa, nghệ thuật nước nhà.

Rõ ràng, đang có rất nhiều thách thức đặt ra với báo chí hiện nay, nhưng thách thức lớn nhất trong nhiệm kỳ này chính là việc thu hút được độc giả. Nếu không thu hút được độc giả thì những nội dung mà các cơ quan báo chí muốn tuyên truyền từ đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước hay của địa phương sẽ không đến được người đọc. Bên cạnh đó, một bộ phận người làm báo, vẫn còn mong muốn làm báo theo kinh nghiệm, ngại thay đổi, áp dụng phương thức làm việc mới. Số phóng viên có kỹ năng làm việc đa phương tiện làm tin, bài nhanh còn rất hạn chế, trong khi nhu cầu thông tin của bạn đọc, người xem ngày càng cao, đa dạng, phong phú.

Với phương châm “Đoàn kết, kỷ cương, đổi mới, sáng tạo và kỳ vọng” được thực hiện trong nhiệm kỳ tới, nhưng làm thế nào để các tòa soạn cùng đổi mới, chuyển đổi số được là câu hỏi mà nhiều cơ quan báo chí đặt ra. Trước tiên, Hội Nhà báo Việt Nam sẽ xây dựng, hỗ trợ cho tổ chức, các Hội Nhà báo tỉnh về việc đào tạo nhân sự, chia sẻ kiến thức làm báo hiện đại; định hướng, chỉ đạo kịp thời, sát sao hơn để các cơ quan báo chí thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích, giữ vững định hướng tuyên truyền, không có tác phẩm báo chí trái với quan điểm, chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước; tập trung cải cách để có tư duy làm báo mới theo tinh thần “cọ xát và đối thoại”, “phân tích và tranh luận”. Báo chí trong tương lai không chỉ phán ánh sự việc mà phải gợi ý những giải pháp thì mới đủ sức cạnh tranh để chiến thắng thông tin trên mạng xã hội, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị ngày càng lớn.

Về mặt nội dung: Các tuyến bài viết, chuyên mục, chương trình cần phong phú, đa dạng, nêu được các luận điểm sắc sảo, chính kiến rõ ràng, bình luận đa chiều, có tính chiến đấu cao, có cơ sở lý luận và thực tiễn thuyết phục, để các tầng lớp bạn đọc hiểu rõ, hiểu đúng, đạt được sự đồng thuận cao trong xã hội.

Nội dung cũng như văn phong phù hợp, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm theo; không nên giấu, im lặng trước sự việc, hiện tượng mà dư luận đang quan tâm hay bức xúc mà luôn phải chủ động thông tin kịp thời tới người dân. Từ đó, góp phần giữ ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vì sự phát triển của cộng đồng, sự thịnh vượng của đất nước.

Về mặt hình thức, ở tầm vĩ mô, cần đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, huy động sự tham gia thống nhất, phối hợp các loại hình báo chí để bám sát các sự kiện; kịp thời có bài viết cung cấp thông tin chính xác, giải tỏa dư luận xấu; đổi mới phương thức tuyên truyền trước sự phát triển đa dạng, mạnh mẽ của công nghệ thông tin và mạng xã hội.

Về con người, cần xây dựng, bồi dưỡng, nâng cao trình độ cho đội ngũ những người làm báo có bản lĩnh chính trị vững vàng, có trình độ lý luận cao, khả năng luận chiến thuyết phục và có dũng khí đấu tranh bẻ gãy những thông tin sai lệch, bôi đen, nhiễu loạn xã hội, thù địch với đất nước; đủ trình độ, khả năng vạch mặt những “anh hùng bàn phím” thiếu văn hóa, vô trách nhiệm đang không ngừng chớp thời cơ lấn lướt báo chí chính thống. Đồng thời, cũng cần quan tâm đầu tư trang thiết bị, phương tiện để những người làm báo có thể tiếp cận được công nghệ làm báo hiện đại, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ mới ngày càng cao.

Với chính quyền các cấp, các ngành chức năng phải phối hợp chặt chẽ, kịp thời cung cấp thông tin chính xác, khách quan cho các cơ quan báo chí, không để người dân bị cuốn vào những luồng thông tin xấu, độc; qua đó, bảo vệ tốt hơn quyền con người, quyền tự do ngôn luận và các quyền tự do khác của công dân; rà soát, nắm chắc và xác định tính chính danh đối với các trang thông tin điện tử, blog, fanpage, tài khoản mạng xã hội; kiểm soát chặt chẽ các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet, mạng xã hội, nhất là các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xuyên biên giới. Chủ động gỡ bỏ, xử lý nghiêm minh các trang thông tin điện tử, blog, fanpage, tài khoản mạng xã hội đăng tải tin giả, thông tin sai sự thật, xấu độc; chỉ đạo các nhà mạng xử lý kịp thời, triệt để đối với các trang thông tin điện tử, tài khoản mạng xã hội đăng tải tin giả, thông tin sai sự thật, xấu độc từ nước ngoài chống phá Đảng, Nhà nước.

Nhiệm kỳ thứ X của Hội Nhà báo Việt Nam chính thức khép lại và đã để lại nhiều niềm vui và cả những trăn trở với những người làm báo. Nhưng đọng lại vẫn là những thành quả, những câu chuyện đẹp mà báo chí đã phản ánh, góp phần lan tỏa trong cộng đồng. Mong rằng, trong nhiệm kỳ này, những người làm báo thực hiện được khát vọng đổi mới, sáng tạo để phát triển và luôn xứng đáng với sứ mệnh cao cả “phò chính, trừ tà” như Chủ tịch Hồ Chí Minh hằng căn dặn.

Cù Tất Dũng
.
.