Kết nối với quá khứ qua cổ phục
Mấy năm trở lại đây, một số bạn trẻ đã quan tâm phục dựng cổ phục (trang phục cổ). Ở ngoài thực tế lại có một trào lưu giới trẻ mặc cổ phục để chụp ảnh cưới, ảnh kỷ yếu. Đây là những tín hiệu đáng mừng về nhu cầu tìm hiểu, thưởng thức những nét đẹp xưa cũ, cũng là cách kết nối với quá khứ
Một trào lưu đẹp
Trên các diễn đàn, mạng xã hội, giới trẻ đang có xu hướng sử dụng cổ phục trong rất nhiều sự kiện. Họ cũng lập những hội nhóm để chia sẻ thông tin về mẫu cổ phục, giá cả, cách may, mặc trong dịp nào thì phù hợp với từng loại. Không ít bạn có kiến thức về cổ phục, đã chỉ ra sự cách tân thái quá hoặc may chưa đúng hình dáng của cổ phục. Cũng có bạn chuyên sưu tầm cổ phục chỉ để thỏa mãn lòng ham mê chụp ảnh đẹp của mình và chia sẻ những bộ ảnh đẹp mới thực hiện được trên không gian mạng xã hội. Một trong số đó là Đại Việt Cổ Phong.
Đây là một hội nhóm được thành lập vào năm 2014 bởi các bạn trẻ đam mê tìm hiểu về văn hóa cổ Việt Nam và có mong ước tái hiện lại văn vật của nước Việt xưa. Nhóm Đại Việt Cổ Phong có hai mục tiêu chính: thứ nhất là nghiên cứu và phổ biến kiến thức về văn hóa xác thực của Việt Nam từ triều Nguyễn về trước. Để đạt được mục tiêu này, nhóm tạo ra các diễn đàn làm nơi trao đổi và chia sẻ tư liệu, kiến thức về lịch sử văn hóa Việt Nam, tạo nền tảng cho việc thực hiện mục tiêu thứ hai; Thứ hai là phỏng dựng, phục dựng văn vật của Việt Nam từ triều Nguyễn về trước qua nhiều phương tiện như tranh vẽ, mô hình, phim ảnh, trang phục… để người ngày nay có thể hình dung được về người Việt xưa.
Ngoài ra còn các nhóm khác như Nguyên Phong Đoạn Lĩnh, Thủ Phất Thanh Đài, Thiên Nam Lịch Đại Hậu Phi, Đại Nam Hội Quán, Đại Việt Fancy, Ỷ Vân Hiên… Vì sao có trào lưu này? Một phần là do hiệu ứng từ những bộ phim cổ trang Việt Nam hay những MV lấy bối cảnh lịch sử Việt Nam. Những sản phẩm này được đầu tư cả nội dung lẫn hình ảnh, lồng ghép những yếu tố văn hóa và lịch sử dân tộc nên nhận được nhiều sự theo dõi cùng những phản hồi tích cực. Một phần, do sự độc, lạ của cổ phục, tạo ấn tượng mạnh về thị giác khi lên ảnh.
Mỗi triều đại phong kiến Việt Nam đều có những bộ trang phục mang đậm bản sắc văn hóa như: áo tấc, áo nhật bình, áo đối khâm, áo giao lĩnh, áo ngũ thân, áo viên lĩnh… Áo nhật bìnhlà triều phục dành cho cung tần nhất, nhị, tam, tứ giai và là thường phục của hoàng hậu, công chúa. Thường phục nhật bình được đặt định vào năm 1807 thời vua Gia Long và được duy trì cho đến cuối thời Nguyễn. Tư liệu tranh ảnh đầu thế kỉ XX cho thấy bất kể hoàng hậu, công chúa hay cung tần đều vấn khăn vành, mặc áo nhật bình.
Áo tấc cũng là loại trang phục đặc thù của thời Nguyễn, có lịch sử hình thành khoảng trên dưới 300 năm, gắn liền với công cuộc cải cách và định chế trang phục ở Đàng Trong của Chúa Nguyễn Phúc Khoát(1714-1765). Gần đây, chiếc áo tấc đã xuất hiện trở lại ở rất nhiều nơi, không chỉ trong các nghi thức, lễ hội truyền thống mà còn trên nhiều diễn đàn của các hội, nhóm yêu mến cổ phục dân tộc. Cũng như loại áo ngũ thân tay chẽn, áo tấc dành cho cả nam, nữ, và cho mọi tầng lớp trong xã hội, không phân biệt đẳng cấp, sang hèn. Sự phân biệt chủ yếu chỉ thể hiện ở chất liệu, màu sắc, hoa văn trang trí và các phụ kiện kèm theo.
Ngoài ra, còn có rất nhiều những cổ phục khác như: áo đối khâm, áo giao lĩnh, áo ngũ thân… Chị Đỗ Mai Hoa, có cửa hàng cho thuê áo dài và cổ phục tại quận Đống Đa (Hà Nội) chia sẻ: “Mấy năm trở lại đây, nhiều bạn trẻ thích mặc cổ phục chụp ảnh. Có bạn nói là mặc cổ phục tạo ấn tượng, có bạn nói là mặc đẹp. Nếu mặc cổ phục mà đi chụp tại những không gian cổ kính thì rất tuyệt”.
Có một người rất trẻ, nhưng tiên phong trong tìm hiểu, may cổ phục. Đó là Nguyễn Đức Lộc, một chàng trai hơn 30 tuổi có vẻ ngoài rất thời thượng. Gần chục năm qua, thay vì tìm hiểu và thiết kế các loại trang phục hiện đại, Lộc dấn thân tìm hiểu và thiết kế cổ phục. Để thỏa đam mê, Lộc đã thành lập nhóm Ỷ Hiên vân, gồm những người thích cổ phục để tìm hiểu, chia sẻ. Anh cũng đến những làng có nghề may lâu đời, gặp các nghệ nhân làng nghề để tìm hiểu về văn hóa cổ phục ở nước ta. Rồi anh đã thành lập Công ty CP Ỷ Vân Hiên - chuyên về những trang phục cổ của dân tộc.
Những người dám làm
Nhắc đến trang phục truyền thống, nhiều người chỉ nhớ đến chiếc áo dài tân thời. Song, lịch sử trang phục Việt Nam phong phú hơn nhiều. Chính các nhà nghiên cứu, các bạn trẻ dám nghĩ đã làm công việc kết nối quá khứ - hiện tại, giúp cho cổ phục có được vị trí xứng đáng trong đời sống hiện đại. Nhà thiết kế Quang Hòa (thành phố Huế) cho hay: Vào dịp tết cổ truyền, các loại cổ phục Việt Nam được sử dụng nhiều, giá trị, vẻ đẹp cổ phục lan tỏa mạnh mẽ. Huế là một trong những địa phương tiêu biểu mà nhiều người thích diện cổ phục. Nhiều người thuộc nhiều lứa tuổi khác nhau chọn áo tấc, ngũ thân tay chẽn, nhật bình làm trang phục cho mình và người thân du xuân. Các tiệm may, cơ sở cho thuê cổ phục gần như bị “cháy” hàng.
Còn nhớ, năm 2013 nhà nghiên cứu Trần Quang Đức đã cho ra mắt cuốn sách “Ngàn năm áo mũ”. Khi công trình nghiên cứu công phu này ra đời đã thu hút sự quan tâm của đông đảo công chúng. Sau đó, tiếp tục có những cuộc triển lãm tranh, ảnh, hiện vật được đề cập trong cuốn sách “Ngàn năm áo mũ” nhằm phục vụ nhu cầu tiếp cận thông tin đầy đủ, sâu rộng hơn. “Ngàn năm áo mũ” đã dựng lại bức tranh trang phục Việt trong khoảng một nghìn năm, từ thời Lý đến thời Nguyễn (1009 - 1945), bao gồm cả trang phục cung đình, trang phục dân gian, trang phục quân đội. Tất cả được mô tả khá tỉ mỉ, kèm theo đó là phần minh họa với chú thích chi tiết. Song đáng tiếc là xã hội đang thiếu những công trình chất lượng như thế.
Nguyễn Đức Lộc, giám đốc Công ty CP Ỷ Vân Hiên, cho rằng ở thời kỳ hiện đại với vô vàn các xu hướng thời trang nở rộ, muốn lan tỏa Việt phục đến với mọi người đầu tiên phải thay đổi được tư duy công chúng và tìm ra lời giải hợp lý cho bài toán trong sự cân bằng về vấn đề kinh tế với văn hóa, giữa tính khoa học và thời trang. Chính vì vậy những bộ trang phục cổ mà Ỷ Vân Hiên phục dựng bao giờ cũng phải đúng về yếu tố lịch sử, chất liệu tốt nhất và tỉ mỉ từng hoa văn, kiểu dáng… Có lẽ chính vì thế mà những dự án hợp tác vẫn đều đặn đến với Ỷ Vân Hiên trong những năm qua.
Tìm hiểu, được biết thời gian qua thương hiệu Ỷ Vân Hiên đã làm được khá nhiều việc: thiết kế phục trang cho dự án phim cổ trang Phượng Khấu, thiết kế phục trang cho MV ca nhạc của các ca sĩ Hòa Minzy và Bùi Lan Hương, tổ chức một triển lãm ảnh cưới cổ trang, bên cạnh đó là nhiều buổi workshop khác để chia sẻ thông tin, lan tỏa tình yêu, niềm đam mê cổ phục của anh ra cộng đồng. Công ty CP Ỷ Vân Hiên cũng vinh dự khi được trở thành đơn vị tài trợ trang phục cho giáo phường ca trù Hải Phòng, trực thuộc Hội Văn nghệ dân gian Hải Phòng. Ỷ Vân Hiên cũng góp một phần sức lực cho mảng phục trang của dự án phim "Hùng thiêng đất Việt”. Đây là dự án phim về lịch sử Việt Nam qua các thời kỳ, từ các triều đại phong kiến đến các cuộc khởi nghĩa chống Pháp. Phim được thể hiện bằng phương pháp phục dựng sự kiện lịch sử, tái hiện lịch sử hào hùng của ông cha thông qua những tình tiết sống động, gay cấn nhưng chân thực, gần gũi.
Cũng còn rất trẻ, Nguyễn Trọng Tín (quận 12, TP Hồ Chí Minh) đang từ một diễn viên, đã rẽ hướng sang chuyên làm trang phục cổ, đặc biệt là các trang phục sân khấu. Đây là công việc tỉ mỉ và tốn rất nhiều công sức. Nhưng Tín tin rằng, nhiều người sẽ vẫn đón nhận những giá trị xưa, và chính người trẻ có khả năng phát huy và lan tỏa giá trị ấy. Cả Tín và Lộc cho rằng, thời gian tới, muốn để bạn trẻ và người dân quan tâm, thì chính các anh phải tiếp tục đào sâu nghiên cứu về trang phục cổ Việt Nam, vì đó là cả một kho tàng chưa được khai phá hết. “Những gì chúng ta biết đến qua những trang phục chỉ là một phần rất nhỏ. Sắp tới tôi sẽ tập trung để cho ra mắt công chúng những bộ sưu tập dày công nghiên cứu có hàm lượng giá trị nghiên cứu sâu hơn”, Nguyễn Đức Lộc nhấn mạnh.