Hướng đi mới và vấn đề cũ

Thứ Năm, 02/06/2022, 07:00

Khi bộ phim “Maika: Cô bé từ hành tinh khác” ra rạp, không ít người tưởng rằng BHD đã mua lại bản quyền của bộ phim truyền hình Tiệp Khắc (cũ) và “làm lại” (remake) thành một phim điện ảnh với bối cảnh hiện đại hôm nay. Nhưng cuối cùng, tất cả đều đã nhầm to.

“Maika: Cô bé từ hành tinh khác” là một phim có ý tưởng, được lấy cảm hứng từ nhân vật Maika xưa kia. BHD hẳn đã nhắm tới ký ức tuổi thơ của những người đã ở vào tuổi làm cha, mẹ, thậm chí ông, bà hôm nay và dùng ký ức đẹp đẽ ấy để làm điểm tựa lôi kéo khán giả tới rạp dịp Tết thiếu nhi này.

Phải thừa nhận, “Maika: Cô bé từ hành tinh khác” là một phim thú vị, với những mảng miếng hài hước vừa đủ nhưng dư sức tạo tiếng cười sảng khoái cho khán giả. Tất cả đều diễn ra một cách đầy tự nhiên, hợp lý, không gượng gạo. Đặc biệt, thoại phim tốt, thể hiện được đúng chất hồn nhiên tuổi thơ. Dù đoạn mở đầu phim hơi chậm một chút, do đạo diễn Hàm Trần muốn giới thiệu đầy đủ bối cảnh của từng nhân vật, nhưng “Maika: Cô bé từ hành tinh khác” vẫn thừa khả năng giữ chân khán giả cho tới tận dòng chữ danh đề cuối cùng.

Trong tình hình điện ảnh Việt ngập tràn những phim mua lại công thức, kịch bản của các phim nước ngoài như hiện nay, việc làm một phim có ý tưởng gốc thuần Việt nhưng tận dụng từ cảm hứng của các tác phẩm điện ảnh, hoặc nhân vật điện ảnh nổi tiếng ở nước ngoài có thể được xem là một hướng đi rất mới. BHD đã mở đường cho hướng đi ấy và nếu những nhà sản xuất phim khác cũng tiếp tục hành trình này như BHD, chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng rằng điện ảnh Việt trong tương lai gần sẽ giảm dần sự phụ thuộc vào các kịch bản nước ngoài.

Tuy nhiên, ở hướng đi mới này, các vấn đề rất cũ cũng cần phải được giải quyết thật rốt ráo, bởi nói gì thì nói, điện ảnh vẫn là một ngành đòi hỏi đầu tư rất lớn về tài chính và có nhu cầu thu hồi vốn nhờ hệ thống phát hành tốt. Theo như thông tin từ một đạo diễn nổi tiếng cho biết, có những người đặt vé cho con đi xem “Maika: Cô bé từ hành tinh khác” ở một rạp tại TP Hồ Chí Minh đã tá hỏa khi thấy rạp xếp suất chiếu cho phim này là 22h30. Phim dành cho trẻ em nhưng lại bị xếp vào khung giờ mà ngay cả người lớn còn ngại đi xem thì làm sao có thể thu hút khán giả tới rạp được. Có lẽ, đã đến lúc Cục Điện ảnh cần phải có những chỉ đạo sát sao về việc xếp giờ chiếu ưu tiên cho phim thiếu nhi, cho phim Việt Nam để tạo điều kiện cho ngành công nghiệp điện ảnh nước nhà phát triển hơn.

Trong khi các nhà sản xuất điện ảnh vẫn miệt mài tìm đường đi mới mỗi ngày để mang lại những tác phẩm chất lượng hơn thì cách các cụm rạp chạy theo lợi nhuận mà phũ phàng với các tác phẩm trong nước có chất lượng tốt đang là lực cản lớn. Với chi phí tối thiểu để làm một phim điện ảnh phải từ 15 đến 20 tỷ, nếu không được sự ủng hộ của các cụm rạp, chắc chắn những người làm phim sẽ nản lòng, bởi họ không thể trường vốn để chờ đợi một ngày nào đó thắng một phim trăm tỷ hòng bù lỗ cho cả loạt phim đã bị chết yểu ngay từ khi ra rạp chỉ vì sự lạnh lùng của những cụm rạp đầy quyền lực. 

Văn  Đoàn
.
.