Hơi thở hay áp lực
Cuối năm bạn gặp ai cũng thấy kêu bận rộn, dễ hiểu thôi, đó là giai đoạn nước rút của một chu kì công việc. Nhưng, nếu bạn tự thưởng cho mình dăm ba phút lướt mạng xã hội lại thấy bạn bè đang quan tâm đến một concert nào đó cũng đang nóng hổi.
Có thể đã qua cái tuổi chen chúc đi xem thần tượng âm nhạc nhưng Black Friday, Noel và kể cả lướt mạng xã hội cũng khiến bạn ngột ngạt. Chán thì buông bỏ cả những niềm vui nhưng nếu không có những phần thưởng đó, thử hỏi bạn nỗ lực để làm gì?
Có người anh hôm rồi nói với tôi: "Chú có theo dõi một sự kiện âm nhạc còn hot hơn cả ASEAN Suzuki Cup 2024 có đội tuyển bóng đá nam đang tranh tài không?". Tôi thấy lạ, anh hằng ngày thâm trầm, đăm chiêu đọc sách, thưởng trà sao bỗng dưng lại "bắt trend" nhanh thế, nên có ý hỏi lại để gợi mở.
Anh chia sẻ một ý kiến có lẽ đã ấp ủ từ khá lâu: "Theo anh, không hẳn giới trẻ chỉ hâm mộ âm nhạc mà các sự kiện đó là hơi thở của họ. Hơi thở tức là oxy, là nguồn sống đó". Hai chữ "hơi thở" anh dùng đắt quá, con người đâu chỉ cần thứ oxy có được "từ việc phân giải nước trong quá trình quang hợp oxy dưới tác động của ánh sáng" trong tự nhiên mà còn cần đến thứ "oxy" của xã hội. Người trẻ nhạy cảm, nắm bắt mau lẹ và luôn hồn nhiên như thế.
Vậy, hơi thở ấy thế nào, có thực sự hấp dẫn và tích cực? Nếu như ít ngày trước, “Anh trai say hi” đã thu hút đến hơn 60.000 lượt khán giả (gấp đôi so với concert “Tri âm” của Mỹ Tâm cách đây 2 năm thì đến lượt “Anh trai vượt ngàn chông gai” lại khiến khán giả sẵn sàng vượt đường xa từ Nam ra Bắc. Đọc bài viết có nhan đề: ““Anh trai vượt ngàn chông gai” đến Hưng Yên, có người gửi tiết kiệm 1,5 tỉ để săn vé” của tác giả Đậu Dung (Báo Tuổi trẻ) người viết biết được những thông tin thú vị. Họ đến để được gặp lại thần tượng của một thời, đến để chiêm nghiệm lại hành trình đam mê của mình chứ đâu phải hứng thú nhất thời.
Bạn Nguyễn Thảo Vy (sinh năm 1989, TP Hồ Chí Minh) chia sẻ: "Anh Tiến Đạt là rapper đời đầu, từng về trường tôi diễn nên mê anh lắm. Anh gắn với tuổi trẻ của chúng tôi. Tiến Đạt từng nghỉ một thời gian dài, gần đây mới trở lại nên tôi không muốn bỏ lỡ bất cứ sân khấu nào có anh". Tuy không còn ít tuổi, nhưng chị Chu Thị Thu Phương (sinh năm 1979) từ Long Biên (Hà Nội) đã gửi tiết kiệm tiền tỉ để lấy số quay tới lượt săn vé: "Con thích nên mẹ cũng đu theo luôn. Rất hâm mộ các anh trai, đặc biệt Hồng Sơn. Đá bóng giỏi, không ngờ anh còn biết hát. Tôi cũng thích Soobin, Tự Long. Các anh hát rất hay"...
Khi đâu đâu cũng bắt gặp những người hâm mộ cuồng nhiệt các sự kiện khiến chúng ta cảm giác họ đang giống nhau ở hội chứng "phải theo kịp", "không được bỏ lỡ", mỗi người tựa như một quân cờ domino vậy. Lo lắng ấy không sai, thậm chí còn là nguyên nhân khiến nhiều người không thể tự chủ được thời gian, tâm trí và cả tiền bạc. Liệu họ có thể bình tâm để đọc hết một cuốn sách?
V.Ôbrưsép từng nói: "Thế giới vô cùng vĩ đại. Cặp mắt của bạn chỉ thấy được một phần nhỏ bé không đáng kể. Bởi vậy, bạn hãy tìm lấy các sự kiện ở trong sách. Hãy tích lũy đều đặn hằng ngày các sự kiện ấy".
Có lẽ, trong cuộc sống hằng ngày chúng ta đã và đang luôn trăn trở để lựa chọn giữa chân lý của cái vĩ đại được đúc rút trong kho tàng tri thức, kinh nghiệm và tiếng gọi của cảm xúc từ cặp mắt của chính mình. Cặp mắt ấy là sự yêu thích, ham muốn cảm tính, không cần tham chiếu các dữ liệu phân tích hay cân nhắc các bình diện của một vấn đề. Và, đến một thời điểm nào đó, bạn nhận thấy mất tự tin, thất "hụt hơi" trước chính nhịp sống của thời đại. Khi bạn không đủ sự tỉnh táo, khách quan thì sẽ có lúc hơi thở đã biến thành áp lực.
Thật khó tin nhưng một bạn trẻ từng chia sẻ trong bài viết "Lướt mạng xã hội, tưởng vui hóa ra lại buồn?" của An Miên (Báo Thanh niên): "Mình thấy một số bài viết chia sẻ cách học, kiếm tiền khá bổ ích. Nhưng, bản thân vẫn thấy áp lực khi đọc được các thông tin đó vì người viết thường là những bạn bằng tuổi, thậm chí là nhỏ hơn mình. Mình áp lực vì thấy bản thân kém cỏi".
Rõ ràng, đó không phải là sự nhận xét, so bì đến từ cha mẹ theo kiểu "con người ta" không đến từ nhà tuyển dụng mà áp lực đến từ chính mục tiêu mà người trẻ đặt ra. Hay, nói cách khác là sự kì vọng vào chính bản thân. Nhiều bạn trẻ hâm mộ thần tượng A, ngôi sao B nhưng sâu xa hơn, họ kì vọng và cuồng... chính bản thân mình.
Có thể tuần qua, cộng động mạng xã hội sửng sốt với những Mr Pips, Mr Hunter và tự hỏi: Làm sao những kẻ này có thể tác oai tác quái? Câu trả lời thật sự đơn giản: Vẫn là "miếng pho mát" muôn thuở và cái bẫy chuột. Miếng pho mát không tự hiện ra khi bạn chưa đổ mồ hôi, nước mắt, thuật toán, cơ hội chớp nhoáng nhanh hơn, quái hơn, khôn hơn số còn lại để lách qua khe cửa hẹp không thể đến với bạn nếu không muốn nói xác suất là... không thể.
Nếu bạn để ý những Mr, Ms hiện ra với "hào quang lấp lánh" ấy có mặt trong cuộc đời này chỉ làm thừa mứa hơn tư duy ngụy biện kiểu như: "chiến lược xây dựng...", "bí quyết sở hữu", "x2, x10" để biến những người nhẹ dạ thành... gà chứ tuyệt nhiên không làm giàu có thêm cho ngôn ngữ, văn hóa và đương nhiên không thể giúp ích cho nền kinh tế.
Giữa thời đại mà livestream và review đã thành phổ biến, tại sao cộng đồng mạng không có những chia sẻ, chẳng lẽ trí tuệ tập thể, kinh nghiệm cộng đồng lại bất lực trước chiêu trò của số ít người? Người viết cho rằng, nguyên nhân sâu xa là sự ích kỉ, từ chính cái tâm lý "muốn đi một mình", muốn đèn nhà mình rạng hơn đèn nhà khác bằng con đường nhanh gấp nên vô hình trung họ (đi) "cùng nhau", trở thành nạn nhân, chẳng tiến xa được bước nào.