Học văn kiểu gì?
Cứ đến độ mùa thi là y như rằng trên mạng xã hội lan truyền rất nhiều đề thi văn “lạ”. Từ việc sử dụng ca từ của ca sĩ Sơn Tùng M-TP, của ca sĩ Đen Vâu cho tới các trích dẫn đương đại làm ngữ liệu, việc ra đề thi môn văn dường như đang “mềm hóa” hơn, gần gũi với đời sống hơn.
Song, liệu chừng đó đã đủ để học sinh yêu môn văn và có đủ lượng kiến thức cần thiết cho việc cảm thụ văn học hay chưa? Đây chính là câu hỏi lớn dành cho công tác giảng dạy ngữ văn ở các cấp học phổ thông.
Năm nay, có một đề văn cũng thuộc diện hơi “lạ” được truyền thông để ý tới. Đó chính là đề thi thử tốt nghiệp ở Cà Mau, với ngữ liệu là bài thơ của Vi Thuỳ Linh có tên là “Tôi”. Chưa nói vội đến chuyện bài thơ ấy ra sao, bởi cảm nhận của mỗi người mỗi khác, nhưng chỉ nhìn vào 4 câu gợi ý đọc hiểu trích đoạn bài thơ, chúng ta có thể nhận thấy dường như đang tồn tại sự cứng nhắc trong cách dạy môn văn ở các cấp phổ thông.
Thực tế cho thấy, từ trước tới nay, trong tất cả các bài văn mẫu, các gợi ý cho các bộ đề thi và cả trong các đề bài phân tích tác phẩm, học sinh chủ yếu bị yêu cầu mổ xẻ nội dung là chính chứ chưa chú trọng yêu cầu phân tích thủ pháp, bút pháp, các phương pháp tu từ, cách sử dụng từ… của tác giả. Nội dung luôn được xem là trọng tâm lớn nhất và điều đáng ngại là việc cảm nhận nội dung cũng luôn bị rập khuôn theo một cách hiểu duy nhất. Cái rập khuôn này là câu chuyện quá cũ nên chúng ta không nhắc tới nữa.
Hiện nay học sinh tiếp cận môn văn một cách rất công thức và am hiểu của học sinh về văn học là rất ít sau 12 năm dùi mài trên ghế phổ thông. Cái hay, cái đẹp của văn chương không chỉ nằm ở nội dung mà nó còn nằm ở hình thức thể hiện. Thế nhưng học trò lại ít quan tâm đến hình thức thể hiện. Từ đó, thái độ với văn học của các em là khá thờ ơ. Dễ lý giải thôi, nếu không nhận biết được vẻ đẹp của văn chương, làm sao học sinh có thể say mê môn văn được?
Từ sự thờ ơ kia dẫn tới hệ luỵ là các xuất bản phẩm văn học ít khi tiêu thụ được trên thị trường và hơn thế nữa là khả năng soạn thảo văn bản của những người trẻ càng ngày càng kém cỏi hơn so với thế hệ đi trước. Để có thể viết được các sản phẩm văn học, chắc chắn đòi hỏi phải có năng khiếu văn học. Nhưng để viết được các văn bản thông thường một cách trôi chảy thì chỉ đòi hỏi kỹ năng mà thôi. Kỹ năng ấy là thứ mà giáo dục ngữ văn ở các cấp phổ thông phải mang lại cho các thế hệ học sinh.
Việc dạy văn theo kiểu bắt học sinh phải cảm thụ theo một khuôn mẫu vốn dĩ đã khiến tư duy của các em cùn mòn. Việc không mở ra cánh cửa để các em tiếp cận được vẻ đẹp trong hình thức của tác phẩm lại càng khiến tư duy các em khô cứng hơn. Chính điều ấy mới khiến các em chỉ tiếp cận các đề bài phân tích tác phẩm theo một lối đi cũ mèm duy nhất: mổ xẻ nội dung một cách đơn thuần.
Văn học luôn nắm giữ một vai trò rất lớn trong văn hóa của một dân tộc. Và để bồi đắp văn hóa, có lẽ đã đến lúc cần phải dạy văn theo cách khác, khai phóng hơn và kích thích tư duy sáng tạo hơn.