Học thật, thi thật, nhân tài thật!

Thứ Ba, 16/11/2021, 22:31

Đây là một ý trong phát biểu của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vào sáng 14/11/2021, tại buổi gặp mặt đại diện nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục tiêu biểu nhân dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/2021.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng cho biết, ông thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước và với tình cảm cá nhân của một người từng là phụ huynh học sinh, từng là một học trò và từng là người tham gia giảng dạy, gửi lời cảm ơn chân thành sâu sắc nhất tới các thế hệ thầy, cô giáo trên cả nước, những người gánh vác một sự nghiệp hết sức quan trọng, trong một nghề cao cả nhất là trồng người. Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng từng có câu nói nổi tiếng về nghề dạy học: "Nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý, nghề sáng tạo nhất trong các nghề sáng tạo".

Học thật, thi thật, nhân tài thật! -0
Chỉ có học thật, thi thật mới có nhân tài thật.

Không chỉ người đứng đầu Chính phủ, những ngày này dù vẫn rất vất vả với việc phòng, chống dịch COVID-19, dù vẫn đang ngổn ngang với muôn sự bận rộn của việc phục hồi cuộc sống và sản xuất, người dân cả nước vẫn dành một tình cảm đặc biệt hướng đến ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/2021. Đấy là ngày để tôn vinh đội ngũ thầy cô giáo - những người luôn được xã hội trân trọng bằng truyền thống đẹp - truyền thống "tôn sư trọng đạo". Truyền thống tốt đẹp ấy, như Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, là “được tiếp nối qua các thế hệ, tỏa sáng trong mọi thời đại, là mạch nguồn bền bỉ nuôi dưỡng tinh thần hiếu học, coi trọng giáo dục của nhân dân ta”.

20/11/2021 năm nay cũng là ngày đặc biệt nhất trong lịch sử 63 năm qua, kể từ khi Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) ban hành Quyết định số 167-HĐBT thiết lập ngày 20/11 hằng năm là ngày lễ mang tên "Ngày Nhà giáo Việt Nam". Đặc biệt là bởi hầu hết trong số gần 20 triệu học sinh, sinh viên và hơn 1 triệu giáo viên, giảng viên vẫn tiếp tục không được tới trường sau một thời gian rất dài chuyển từ trạng thái dạy - học trực tiếp sang trực tuyến để vừa duy trì việc học vừa phòng, chống dịch bệnh.

Nỗi đau cũng chưa tan khi không ít giáo viên, học sinh đã mất người thân, thậm chí là rơi vào tình cảnh mồ côi vì dịch bệnh COVID-19. Hàng ngàn giáo viên đang công tác tại các trường ngoài công lập không có lương, cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Nhiều trường học sau những tháng được trưng dụng làm nơi cách ly tập trung phục vụ chống dịch nay vẫn đang trong tình trạng được khẩn trương tẩy rửa để trả lại đúng công năng.

Khó khăn là vậy, nhưng chúng ta vẫn phải thực hiện quyết liệt các giải pháp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo nhằm nâng cao chất lượng giáo dục ở tất cả các cấp học. Để thực hiện được phương châm “lấy học sinh làm trung tâm”, chú trọng phát triển nhân cách đạo đức, tính sáng tạo của học sinh, chúng ta phải nêu cao tinh thần lấy nhà trường làm nền tảng, lấy thầy, cô giáo làm động lực và mục tiêu cuối cùng là phải “học thật, thi thật, nhân tài thật”.

“Học thật, thi thật, nhân tài thật” - ba nội dung gói gọn trong 7 chữ, thoạt nghe thì đơn giản nhưng thực hiện được là không hề dễ. Không có “học thật, thi thật” thì chắc chắn không có “nhân tài thật”. Nhưng muốn “học thật, thi thật” thì ngoài việc Đảng và Nhà nước tạo chính sách cơ chế tốt, còn rất cần đến trách nhiệm của đội ngũ những người làm công tác giáo dục, đặc biệt là đội ngũ thầy cô giáo. Môi trường giáo dục cũng chỉ thực sự có “học thật, thi thật” khi xóa bỏ được triệt để “bệnh thành tích” và có đội ngũ nhà giáo đủ tâm, đủ tầm. Như Bác Hồ từng nói đại ý rằng: người thầy giáo tốt dù tên tuổi không đăng trên báo, không được thưởng huân chương, song họ “là những anh hùng vô danh”.

Cho nên, “Học thật, thi thật” là việc rất khó, đặc biệt khi nguồn lực đất nước còn hạn chế, đời sống của đội ngũ thầy, cô giáo còn nhiều khó khăn. Nhưng dù khó khăn đến mấy thì vẫn phải kiên trì thực hiện, vì như đã nói, chỉ có “học thật, thi thật” mới tạo ra “nhân tài thật”, mới có những thế hệ chủ nhân tương lai của đất nước xứng đáng với kỳ vọng của cha ông.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh có khát vọng và tầm nhìn lớn lao, sâu sắc về giáo dục. Người bày tỏ ham muốn tột bậc của mình là không chỉ “đồng bào ta ai cũng có cơm ăn áo mặc” mà còn “ai cũng được học hành”. Người khẳng định: “Không có thầy giáo thì không có giáo dục. Không có giáo dục, không có cán bộ thì không nói gì đến kinh tế văn hóa”. Đảng và Nhà nước ta từ khi ra đời đến nay cũng luôn kiên trì với phương châm “Giáo dục là quốc sách hàng đầu, là chìa khóa thành công, là tương lai của dân tộc Việt Nam”.

Xin giành trọn vẹn niềm tin và sự kỳ vọng vào đội ngũ thầy, cô giáo của nước nhà, nhất là những “anh hùng vô danh” đang miệt mài với sự nghiệp trồng người nơi vùng sâu, vùng xa, hải đảo.

Lương Duy Cường
.
.