Hoàn thiện pháp luật để khai phóng tiềm năng

Thứ Năm, 16/03/2023, 10:18

Một trong những vấn đề khúc mắc lâu nay gây ra nhiều tranh cãi và cũng là nguyên nhân dẫn đến nhiều vụ khiếu kiện kéo dài, đông người, phức tạp… đã được Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chỉ rõ khi phát biểu tại hội nghị góp ý cho dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phối hợp Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức, sáng ngày 8/3/2023.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nói: "Trên thực tế chưa có doanh nghiệp tự thỏa thuận được giá đền bù thu hồi đất đối với dự án quy mô lớn. Đồng thời, trong tất cả các dự án, Nhà nước đều thực hiện thu hồi, quyết định chuyển đổi mục đích sử dụng, tuy nhiên, việc tính toán, điều hòa giá trị gia tăng từ đất đai còn rất khó khăn”.

Khẳng định Nhà nước, với tư cách là cơ quan quản lý, chịu trách nhiệm trước người dân, phải định giá, quyết định việc chuyển dịch đất đai, định hướng để trong quá trình chuyển dịch thì những doanh nghiệp phát triển dự án và những người dân bị thu hồi đất, đều có lợi. Phó Thủ tướng lưu ý, “phải lượng hóa, có tiêu chí cụ thể về cơ sở hạ tầng, chỗ ở, sinh kế, an sinh xã hội, thiết chế văn hóa… để người dân tái định cư có điều kiện sống tốt hơn nơi ở cũ".

photo1678321611765-1678321611856953083655.jpg -0
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu chỉ đạo tại hội nghị góp ý cho dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Trước đó, vào chiều 21/2/2023, tại Hội nghị lấy ý kiến các tổ chức, nhà khoa học về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường và Liên hiệp Các hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam tổ chức, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cũng khẳng định rõ 4 vấn đề cần tập trung để làm rõ bên cạnh những vấn đề về phân cấp, phân quyền, cơ chế kiểm soát hoạt động quản lý, sử dụng đất đai. Cụ thể:

Thứ nhất, tính hiệu quả của các cơ chế kiểm soát, phân bổ, sử dụng đất đai được thiết kế trong dự thảo, cũng như khả năng giải quyết mối quan hệ giữa quy hoạch sử dụng đất và các quy hoạch quốc gia, liên ngành khác nhằm tạo ra những công cụ quản lý tốt hơn, không chồng chéo.

Thứ hai, tính khả thi của các quy định về kinh tế đất đai, tài chính đất đai, định giá đất đai theo cơ chế thị trường.

Thứ ba, cơ chế thu hồi đất, hỗ trợ, đền bù, tái định cư bảo đảm người dân có điều kiện sống, sinh kế tốt hơn sau tái định cư, được hưởng lợi từ các dự án trên cơ sở đánh giá toàn diện, đầy đủ các tác động kinh tế, xã hội, chuyển dịch lao động, mối quan hệ giữa Nhà nước và người dân.

Thứ tư, chính sách chuyển, nhượng quyền thuê đất nhằm bảo đảm sự ổn định về tài chính, đưa nguồn lực đất đai vào phát triển, không tạo ra lợi ích nhóm, tư duy nhiệm kỳ.

Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) là nhiệm vụ lập pháp quan trọng trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV. Khác với nhiều dự án luật khác, dự án Luật Đất đai (sửa đổi) có phạm vi tác động rất rộng, liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực, mọi tầng lớp nhân dân, các doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị, các tổ chức, cá nhân. Chính vì vậy, yêu cầu đặt ra là phải sửa đổi thế nào để đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới, khắc phục được những bất cập của Luật Đất đai năm 2013 sau 10 năm thực hiện.

Nguyên tắc xuyên suốt để hoàn thiện các quy định của Luật Đất đai chính là không gây ách tắc trong thực hiện và không tạo lỗ hổng gây thất thoát, lãng phí, tiêu cực.

Chính vì vậy, ngày 16/6/2022, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TW Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII (Nghị quyết 18) về "Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao".

Nghị quyết này được xem là một sự đột phá, là những yêu cầu lớn trong chủ trương của Đảng đối với việc hoàn thiện thể chế, chính sách về đất đai, trong đó trọng tâm là sửa đổi Luật đất đai năm 2013 và các luật khác liên quan, đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ. Nếu làm tốt được những yêu cầu này, chính là đảm bảo sự quản lý tốt hơn của Nhà nước đối với đất đai; đảm bảo tốt hơn về sự hài hòa về quyền lợi các chủ thể đang được trao quyền quản lý, sử dụng đất đai. Sâu xa hơn, đó chính là khai mở những tiềm năng, hiệu quả từ đất đai, thúc đẩy sự phát triển của đất nước.

Ngày 23/12/2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 671/NQ-UBTVQH15 về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Nghị quyết số 170/NQ-CP ngày 31/12/2022 của Chính phủ ban hành Kế hoạch tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Những động thái từ phía lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ… đã cho thấy quyết tâm rất cao trong việc hoàn thiện các qui phạm pháp luật đối với lĩnh vực đất đai.

Theo kế hoạch, việc lấy ý kiến nhân dân được tiến hành đến hết ngày 15/3/2023. Đây là thời điểm rất cần toàn dân, đặc biệt là cán bộ, đảng viên, các chuyên gia, nhà khoa học về lĩnh vực quản lý đất đai… nỗ lực góp ý, hiến kế để cùng Đảng, Nhà nước hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Luật pháp là do chính chúng ta tạo ra, nên khi một dự án luật càng được nghiên cứu kỹ, tập hợp được đông đảo ý kiến có giá trị, thì khi được ban hành và áp dụng vào thực tiễn sẽ càng có tác dụng lớn trong điều chỉnh các mối quan hệ thuộc phạm vi của luật qui định.

Lương Duy Cường
.
.