Hãy tự cứu mình từ quan niệm sống...

Thứ Năm, 12/05/2022, 15:19

Cũng như các loài sinh vật khác, con người chưa bao giờ thoát khỏi giới hạn của sinh tồn. Bởi thế, dù là biến cố của tự nhiên, lịch sử đến các hệ tư tưởng, tôn giáo, y học… tất cả đều nhằm xác lập lại giới hạn ấy. Hay nói đúng hơn, xác định lại lằn ranh giới sinh tồn.

Nhưng, sinh tồn còn là phạm trù của văn hóa, triết học và nghệ thuật. Từ những áng sử thi giải nghĩa quá trình sinh ra trời đất, loài người, muôn vật đến con đường trở lại với cát bụi (đường về mường Ma, mường Trời, âm phủ, niết bàn…) trên thế giới đều nhằm hướng đến những cảnh giới về cuộc sống, về sự sống.

Chẳng phải ngẫu nhiên mà việc tôn vinh những người phụ nữ, những người mẹ, đề cao công sinh thành, che chở của thiên nhiên (mẹ Đất, mẹ Nước, mẹ Lúa…)… trở thành mẫu số chung trong tín ngưỡng của nhiều dân tộc trên thế giới. Chúng ta biết ơn và kính trọng những bậc anh hùng nghĩa sĩ bằng việc thiêng hóa sự hy sinh của họ (hiển thánh) cũng là cách để giáo dục cho thế hệ sau về giá trị của sự sống hôm nay.

Hãy tự cứu mình từ quan niệm sống... -0
Khô hạn nắng nóng đặt con người vào thử thách sinh tử.

Một mùa hè nắng nóng đang thách thức những người dân ở đất nước của cụ ông Mahashta Murasi (người sinh năm 1835 theo giấy chứng nhận) có thể sống đến 187 tuổi. Nhưng không chỉ ở Ấn Độ, tại nhiều vùng đất khác con người cũng đứng trước những thách thức, bị xô đẩy, dồn ép giữa hai thái cực sinh - tử.

Tạp chí LiveScience đã từng thống kê 10 hiểm họa đe dọa trái đất gồm: Lỗ đen vũ trụ, Thiên thạch và sao chổi, Vụ nổ tia gama, Mặt trời, Siêu núi lửa, Chiến tranh hạt nhân, Bệnh truyền nhiễm, Thây ma (một số loại kýý sinh trùng kiểm soát có hiệu quả não bộ của kiến khiến chúng chuyển thành thây ma), Người máy, Người ngoài hành tinh… nhưng có lẽ, ai cũng hiểu rằng, thứ hiểm họa lớn nhất đe dọa loài người đến từ quan niệm của chúng ta. Những người già đã đủ phơi trải để im lặng, người trung tuổi đang gánh vác công việc, còn những người trẻ, họ đang nghĩ gì?

Thực ra, nếu chỉ nhìn vào sự bế tắc, khủng hoảng của họ sẽ khó có thể lý giải được những hành động nông nổi, dại dột đằng sau những vụ tự tử thương tâm. Nhưng nếu nhìn lại cách mà họ setup cuộc sống, vào cách mà họ suy nghĩ, chúng ta sẽ phần nào lý giải được.

Không phải ngẫu nhiên mà trong 8 lý do mà bà của Bà Henrietta Fore (Giám đốc Điều hành UNICEF) đã nêu ở “Bức thư gửi tới trẻ em thế giới” lại có một nội dung: “Đây có thể là thế hệ thiếu lòng tin nhất chưa từng có”, bà viết:  “Mọi trẻ em đều có quyền tích cực tham gia vào xã hội các con đang sống và với nhiều người, những trải nghiệm đầu tiên về các vấn đề xã hội sẽ diễn ra trên internet. Tuy nhiên, phần lớn thế hệ hiện tại sẽ lớn lên như “dân bản địa” trong một môi trường bão hòa với thông tin sai lệch và tin giả (fake news). Chúng phá hủy niềm tin vào các thông lệ xã hội và nguồn thông tin chính thống. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng trẻ em và thanh niên ngày nay gặp trở ngại khi phân biệt giữa sự thật và những điều hư cấu trên mạng và từ đó dẫn đến việc thế hệ ngày nay sẽ thấy khó khăn hơn để biết nên tin vào ai hay điều gì”.

“Sự thật” và “hư cấu” đang là hai mảng màu lẫn lộn trong đời sống của người trẻ. Họ thích “sống ảo”, coi sống ảo là thứ vitamin cho đời thực. Việc họ ưa dùng một App làm đẹp, ghép hình đẹp chỉ là chuyện nhỏ. Nhưng khi họ muốn có xe đẹp, được dùng đồ hiệu, đến những trung tâm thương mại nổi tiếng, đi du lịch để tạo ra một kiểu background cho cuộc sống mới là điều đáng lo ngại. Và xa hơn nữa, là một thứ “background” của uy tín trên mạng xã hội, là tâm điểm được theo dõi, nhận được nhiều view, like…

Để duy trì được cách sống ấy, nhiều người trẻ phải dựa vào hệ sinh thái của giải trí. Nhưng nguy hại thay, nhiều sản phẩm âm nhạc, điện ảnh, gameshow… không chỉ dừng lại ở chức năng giải trí mà tác động không nhỏ đến suy nghĩ của người trẻ.

Những ngày gần đây, dư luận phẫn nộ vì MV “Theres no one at all” của Sơn Tùng M-TP. Vấn đề ở đây không nằm ở ca từ, âm nhạc hay nội dung khác mà chính ở cái kết “nhảy lầu” của nhân vật trong MV.

Trên Báo Tuổi trẻ, nhà văn Hoàng Anh Tú đã phân tích vấn đề ở việc Sơn Tùng M-TP đã không dán nhãn cho sản phẩm của mình. Ông chia sẻ: "Tất cả đều hoàn hảo với Tùng, MV “There's no one at all” ngay lập tức lên top 1, hàng trăm lời tung hô, chúc mừng. Nhưng có lẽ Tùng chưa làm cha mẹ, Tùng không biết nhiều cha mẹ sẽ giật mình sợ hãi khi con họ xem MV này. Nhất là khi liên tục những vụ nhảy lầu tự tử đã diễn ra khiến các bậc làm cha làm mẹ chưa hết bàng hoàng. Nếu Tùng biết, việc phân biệt giữa phim ảnh với ngoài đời thực là khó khăn với lũ trẻ. Nếu Tùng biết, tự tử có tính lây lan rất mạnh… Mỗi sản phẩm khi đưa ra đại chúng, người ta luôn phải gắn nhãn giới hạn độ tuổi. Tôi nghĩ là do Tùng quên hoặc Tùng chưa biết. Ngoài việc Tùng muốn đổi mới bản thân, muốn tạo ra thứ tuyệt phẩm hay cú nhảy vọt của mình, làm ơn, hãy trách nhiệm với các fan, những đứa trẻ có khi mới 6 - 16 tuổi".

Hãy tự cứu mình từ quan niệm sống... -0
MV có tên “There’s No One At All” (dịch sang tiếng Việt có nghĩa là “Chẳng có ai bên cạnh cả”).

Điều mà nhà văn Hoàng Anh Tú cảm thấy lo ngại hoàn toàn có cơ sở. Các bậc phụ huynh khi xem MV này hẳn sẽ nghĩ đến nguy cơ nhân vật, biểu tượng giải trí sẽ xui dại con em mình mỗi khi chúng khủng hoảng tâm lý. Điều này, khiến người viết chợt nhớ đến câu chuyện xảy ra hơn mười năm trước khi các nhà biên soạn Sách giáo khoa Ngữ văn lớp 10 đã phải sửa lại nội dung về sự trả thù của Tấm trong truyện cổ tích ''Tấm Cám". Điều đáng lo ở đây không chỉ ở việc đang xuất hiện những ca tự tử ở trẻ vị thành niên, ở số liệu điều tra với 6.407 học sinh ở lứa tuổi 11 - 17 thì có đến 11% cho biết có ý tưởng tự sát trong vòng một năm… mà chính ở quan niệm của bộ phận giới trẻ. Nhiều người trẻ đã tự huỷ hoại mình từ quan niệm sống, trong cách nghĩ về xã hội.

Đơn cử, như câu chuyện bà Nguyễn Thị Bích Liên (SN 1963, trú Hà Nội) bị ngã xuống vực trên đỉnh núi Yên Tử vào ngày 27/4 rồi được cứu vào ngày 3/5 vốn là một sự may mắn trong cuộc sống. Hơn nữa, việc tìm mọi cách sống sót trong 7 ngày thiếu lương thực, nước uống, trong mưa… cho thấy người phụ nữ 59 tuổi này có kĩ năng sinh tồn, nghị lực và ý chí.

Hãy tự cứu mình từ quan niệm sống... -0
Các lực lượng chức năng nhanh chóng đưa nạn nhân đi hồi sức sau 7 ngày đói lả.

Tuy nhiên, chỉ sau ít ngày, lại xuất hiện nhiều dư luận cho rằng bà Liên bịa đặt để câu view. Để rồi chính anh Phạm Đức Mạnh - một chấp tác (làm việc Phật sự trong chùa) ở chùa Đồng - người trực tiếp xuống vực sâu thăm thẳm ở Yên Tử để đưa bà Liên lên đã phải lên tiếng: "Chúng tôi hết sức kinh ngạc, chứng tỏ bác gái có kỹ năng sinh tồn rất tốt. Bác quấn áo mưa quanh người để tránh rét, tránh mưa ướt và cũng để côn trùng đỡ cắn. Bác biết tìm nước uống trong các chai nước thừa du khách vứt xuống, biết lấy cây cỏ để ăn. Tôi tin việc bà Liên rơi xuống vực 7 ngày là sự thật" (theo Báo Giao thông).

Chẳng rõ, một người như bà Nguyễn Thị Bích Liên hàng ngày có ưa thích mạng xã hội và có cần lượng view, like lớn để sử dụng vào mục đích nào không nhưng ai trong chúng ta cũng có thể bị đẩy đến lằn ranh giới sinh tử. Ít nhất thì từ câu chuyện không may mắn ấy đã khích lệ mỗi người khát vọng sống. Cuộc sống cần đến chúng ta với những suy nghĩ tốt đẹp và lương thiện. Hãy tự cứu mình từ quan niệm sống của chính mình…

Kiến Văn
.
.