Hãy nghĩ về phía tuổi trẻ

Thứ Năm, 24/03/2022, 19:11

Phải mất đến gần hai mươi thế kỉ sau công lịch, con người mới chinh phục được bầu trời nhờ phát minh của anh em nhà Wright (chuyến bay đầu tiên ngày 17 tháng 12 năm 1903). Nhưng không biết từ bao giờ, loài đại bàng đã là vua của bầu trời với những chuyến bay dài, những cú lao mình vào gió bão.

Chắc hẳn vì điều đó mà câu chuyện loài chim này dạy con tập bay được lưu truyền cho mãi đến hôm nay, như một bài học về giáo dục như thế này: "Bài tập bay đầu tiên được bắt đầu bằng hành động hất con từ trên cao xuống của đại bàng. Đối mặt với vực sâu hun hút và với những cơn sóng điên cuồng gào thét, đại bàng con vô cùng sợ hãi. Chúng chới với giữa không trung, vẫy vẫy đôi cánh bé nhỏ để mong có thể đưa mình lên cao nhưng không thể, chúng vẫn còn quá nhỏ bé, nó như lịm đi và rơi xuống".

Thực ra, chú đại bàng con nào rồi cũng sẽ biết bay. Ngay cả những loài chim nhỏ bé như: khuyên, sẻ, ri… có thể chẳng dám "bạo gan" trong cách huấn luyện con mình như vậy nhưng đều thành công trong việc truyền lại cho nòi giống bản năng sử dụng đôi cánh của mình trong cuộc đời. Nhưng, đằng sau câu chuyện tập bay này là một suỹ ngẫm về cách dạy con tiếp cận cuộc sống mà một lần nữa nóng lên khi có bà mẹ đã đập vỡ điện thoại khi phát hiện con xem phim sex và ông bố ầm ĩ trên mạng xã hội facebook.

Hãy nghĩ về phía tuổi trẻ -0
Việc thu hút PGS, GS công tác tại trường THPT chuyên gây tranh cãi.

Không biết sau cú "đạp" để con "chới với lao xuống vực" kia câu chuyện có diễn ra như phần kết của câu chuyện dạy bay của loài đại bàng hay không: "Ngay lúc đó, đại bàng mẹ lao xuống và đưa chúng trở lại vách đá. Nhưng rồi, ngay sau đó, chính đại bàng mẹ lại tiếp tục đẩy đại bàng con xuống vách đá… Đại bàng con vẫn lại vỗ cánh, vỗ mãi, và chao đảo. Nó đã bắt đầu đón được gió nhưng vẫn chưa thể bay. Một lần nữa, đại bàng mẹ lại đưa nó trở lại khi nó lịm đi và rơi xuống. Cứ như vậy, điều này sẽ diễn ra liên tục cho đến khi các con đại bàng con có thể bắt đầu vỗ cánh và bay được...".

Thật ra, từ đầu những năm chín mươi của thế kỉ trước, việc một cô gái mặc bikini xuất hiện trên màn hình ti vi cũng được coi là "cảnh nóng". Còn nhớ, khi các thầy, cô giáo giảng phần "cấu tạo cơ thể người" ở cuối cấp Trung học cơ sở, nhiều bạn gái lớp tôi còn đỏ mặt tía tai và kiếm cớ xin ra ngoài khi thấy những ánh mắt con trai trong lớp hướng về phía mình. Sau này, người viết mới được biết có một cuộc tranh luận về giáo dục giới tính cho trẻ xoay quanh cái gọi là: Có nên vẽ đường cho hươu chạy hay không? Ngẫm ra thì việc chim đại bàng mẹ dạy con hay thả con tự học cũng còn phải suy ngẫm…

Đem chuyện ấy ra kể với một người bạn làm giáo viên nay đã chuyển ngành, đang cắm cúi xem tin tức trên smart phone, anh ngước lên bảo tôi: "Giờ là thời nào rồi mà còn bàn chuyện giới tính, lũ trẻ nó biết cả rồi. Tôi chỉ quan tâm đến chủ đề: có cần Giáo sư (GS) và Phó giáo sư (PGS) về trường chuyên công tác hay không? Trong cuộc sống, hãy nhìn bằng nhiều góc độ ông à".

Thực ra, tôi còn theo dõi chủ đề này trước cả anh ta, nhưng nghĩ đó chỉ là phán ứng của dư luận trước một chính sách mới. Cái gì mới cũng cần phân tích phản biện để nhận diện bản chất. Thế nhưng, khi nghe anh bạn nói người viết thấy cũng có lý: Không ai có thể mãi mãi làm một đứa trẻ khi lượng hormone trong cơ thể dồi dào hơn, đó là quy luật của phát triển. Thứ mà đứa trẻ cần lúc này đó là một con đường để biến những cảm xúc xao động, mãnh liệt thành tình cảm lành mạnh, chân chính.

Tiến sĩ tâm lý Ngô Xuân Điệp, Trưởng khoa Tâm lý Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh nêu quan điểm: "Tuy nhiên, đến tuổi dậy thì thì không còn gì phải giấu. Hãy nói với con trẻ hết về chuyện yêu đương, bao cao su, phòng tránh thai, phòng tránh bệnh lây lan qua đường tình dục, thậm chí là tư thế quan hệ…". Vấn đề còn lại là cha mẹ sẽ nói chuyện với con cái thế nào? Các em sẽ tiếp cận với những lời dạy ấy ra sao? Đó là một tri thức mà cả phụ huynh và con trẻ đều cần nhìn nhận nghiêm túc, tôn trọng nhau".

Hãy nghĩ về phía tuổi trẻ -0
Nghiên cứu khoa học cần gắn với thực tiễn đời sống và giảng dạy.

Phát triển là một nhu cầu tất yếu của con người. Nhưng, cần định hướng đến đâu và để cho sự phát triển tự nhiên như thế nào lại đòi hỏi cơ chế hợp lý. Đằng sau câu chuyện bà mẹ đăng dòng trạng thái "bóc phốt" con trai mình (và cảnh tỉnh con em của tất cả chúng ta) là một vấn đề: Trẻ cần những gì? Chúng ta đã và đang lên tiếng thay cho trẻ hay át đi điều mà các em mong mỏi?

Công bằng mà nói, việc một tỉnh miền núi phía Bắc "trải thảm" mời gọi PGS và GS về công tác tại trường chuyên là chuyện khá… lạ. Lạ vì đã là người có học hàm chẳng ai còn muốn rời xa môi trường nghiên cứu và giảng dạy của mình (Học viện, trường đại học, vụ, viện, trung tâm nghiên cứu…). Hơn nữa, trong thực tế, đến sinh viên đại học, cao đẳng đôi khi còn chưa đủ "tầm đón" (nền tảng kiến thức) để tiếp thu những tinh hoa bài giảng của GS, PGS nữa là học sinh phổ thông. Liệu chúng ta có duy ý chí có ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục hay không?

Tiến sỹ Lê Viết Khuyến, Phó chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam chia sẻ: "Ở cấp phổ thông, để dạy tốt, trước hết đó phải là một nhà sư phạm, không phải đòi hỏi một người có nghiên cứu chuyên môn rất sâu. Hai hướng phát triển này rất khác nhau. Vì thế, nếu đi theo hướng mời GS, PGS về giảng dạy trường chuyên là vừa thừa vừa thiếu: Thừa kiến thức chuyên ngành nhưng thiếu kiến thức tổng quát và kiến thức sư phạm".

Nhưng, ở một góc nhìn khác, người viết lại đặt ra hai vấn đề: Thứ nhất, lâu nay chúng ta từng nêu những bất cập khi nghiên cứu khoa học chưa gắn với thực tế. Theo nhóm dự án ENHANCE (gồm 11 trường đại học trong và ngoài nước), nhiều đề tài nghiên cứu của tổ chức giáo dục đại học chưa sát với nhu cầu xã hội dẫn đến hoạt động giáo dục và nghiên cứu xa rời thực tế. Thứ hai, bản thân những người trong cuộc như các GS, PGS cũng có nhu cầu được thay đổi môi trường làm việc, gắn với thực tiễn hay về địa phương công tác khi bản thân quê hương họ đã thực sự chuyển mình về cơ chế, mức sống. Và, bản thân người trẻ hôm nay cũng đang có xu thế muốn tiếp cần với kiến thức nguồn thay vì những phương pháp giảng dạy cũ, mang tính khuôn mẫu. Hơn nữa, các trường chuyên thuộc các trường đại học cũng đang được một số GS, PGS trực tiếp giảng dạy. Xa hơn nữa, còn là sự chấn hưng lại giáo dục phổ thông và "tái cấu trúc lại nguồn nhân lực tại trường THPT chuyên".

Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh chia sẻ: "Sự xuất hiện và ảnh hưởng của một GS, PGS trong trường phổ thông không chỉ giới hạn trong việc dạy một môn học cụ thể mà còn ở việc góp phần nâng cao năng lực quản lý, đào tạo đội ngũ, đổi mới phương pháp, trở thành hình mẫu hoặc câu chuyện truyền cảm hứng cho học sinh và đồng nghiệp".

Trong thời đại mà các vấn đề của giáo dục chịu sự chi phối mạnh mẽ của mạng xã hội, chúng ta cần đứng từ vị thế của người trẻ để nhìn nhận mọi vấn đề. Người trẻ mong muốn gì và cần được như thế nào mới là điều mà chúng ta đáng phải quan tâm. Vị thế của người trẻ chính là điểm tựa hôm nay để có chỗ đứng trong ngày mai. Họ cần được đón nhận, định hướng khác đi để không còn bị những cú sốc tâm lý, những định kiến mặc định rằng học trò chỉ cần học thế này thế khác. Hãy để thực tế trả lời…

Lương Việt
.
.