90 năm phong trào Thơ Mới và Tự lực văn đoàn

Hành trình "minh định lại các giá trị" từ quá khứ

Thứ Năm, 27/10/2022, 09:23

Nhân kỷ niệm dấu mốc 90 năm ra đời của phong trào Thơ Mới và Tự lực văn đoàn, ngày 17/10/2022 vừa qua, Viện Văn học đã tổ chức Hội thảo khoa học “90 năm phong trào Thơ Mới và Tự lực văn đoàn”.

Hội thảo đã nhận được gần 40 tham luận của các nhà nghiên cứu, nhà lý luận phê bình văn học, nhà giáo từ các đơn vị nghiên cứu, nhà trường, các tạp chí chuyên ngành trong cả nước. Theo ghi nhận tại hội thảo, từ sau Đổi mới đến nay, đã có 25 cuộc hội thảo được tổ chức để “minh định lại các giá trị đã có ở Thơ Mới và Tự lực văn đoàn…”.

Hội thảo “90 năm phong trào Thơ Mới và Tự lực văn đoàn” tập trung vào các vấn đề chính như: Giới thiệu một số phát hiện mới về tư liệu liên quan đến Thơ Mới và Tự lực văn đoàn; Giới thiệu những nghiên cứu sâu sắc và toàn diện hơn về các khuynh hướng, các hiện tượng, các loại hình diễn ngôn văn học của Thơ Mới như: tác giả, tác phẩm, quan hệ Thơ Mới với thơ ca truyền thống dân tộc, Thơ Mới trong quỹ đạo phương Đông, Thơ Mới trong tiến trình thơ hiện đại Việt Nam và giao lưu - hội nhập quốc tế; Tình hình tiếp nhận và giảng dạy Thơ Mới, Tự lực văn đoàn trong bối cảnh hiện nay và các giai đoạn trước đây…

1.jpg -0
Theo GS. Phong Lê - nguyên Viện trưởng Viện Văn học, đến nay đã có tới 25 cuộc hội thảo về Thơ Mới và Tự lực văn đoàn.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Đăng Điệp - Viện trưởng Viện Văn học đã nhấn mạnh rằng, sự ra đời của Tự lực văn đoàn và phong trào Thơ Mới đã tạo nên một trường phái, phong trào cách tân văn học, đồng thời là một phong trào cách tân văn hóa, cải cách xã hội, đại diện cho khuynh hướng lãng mạn, phát triển theo hướng hiện đại hóa của văn học Việt Nam thời kỳ 1930 - 1945 trong bối cảnh chữ quốc ngữ đã trở nên dần phổ biến.

Sự có mặt của Tự lực văn đoàn và Thơ Mới trong đời sống gần 100 năm qua đã chứng tỏ sức sống dài lâu trong lòng công chúng yêu văn học và văn hóa Việt Nam. Trải qua những thăng trầm của lịch sử đã cho thấy sức thu hút, sự ảnh hưởng Thơ Mới và Tự lực văn đoàn. Theo thời gian, có những giá trị được xác định lại, có giá trị được đề cao như: vai trò của Thơ Mới và Tự lực văn đoàn trong việc hình thành nền móng cho nền văn học hiện đại.

Về phong trào Thơ Mới, có một số tham luận đáng chú ý được gửi tới Hội thảo như: “Thơ Mới Nam bộ trên Phụ nữ tân văn” của TS. Trịnh Huỳnh An (Đại học Bình Dương), “Va chạm Đông Tây cho một trường Thơ Mới” của PGS.TS Thái Phan Vàng Anh (Đại học Sư phạm Huế), “Xuân Diệu trong Tự lực văn đoàn - Một tiếng nói Queer” của Thạc sĩ Đặng Thị Thái Hà (Viện Văn học), “Khảo luận về Quách Tấn” của TS. Nguyễn Thanh Tâm (Tạp chí Văn nghệ Quân đội), “Sự phân ly của cái Tôi trữ tình trong Trường thơ Loạn” của Thạc sĩ Nguyễn Thị Ái Vân (Trường Cao đẳng Cơ điện - Xây dựng và Nông lâm Trung bộ, Bình Định)…

PGS.TS Thái Phan Vàng Anh (Đại học Sư phạm Huế) nhận định: “Trong những va chạm thời kỳ đầu Thơ Mới, Đông - Tây có lúc đối lập và tạo ra những tranh luận bất tận về thơ kiểu phương Đông hay thơ kiểu phương Tây, thơ cũ hay Thơ Mới. Tuy vậy, đi đến tận cùng bản chất thơ ca, Đông hay Tây đều hướng đến vẻ đẹp của hình ảnh, ngôn từ, của nhạc tính, nhịp điệu… Trong quá trình trưởng thành và phát triển của Thơ Mới, Đông và Tây càng lúc càng gặp gỡ và hỗ trợ, bổ sung cho nhau. Sau 90 năm nhìn lại, có thể khẳng định rằng, Thơ Mới là bản hòa âm Đông Tây với nhiều cung bậc phong phú. Một thế hệ dù mang dáng dấp Tây như Thế Lữ, Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên, Hàn Mặc Tử, Bích Khê, Nguyễn Xuân Sanh, Đoàn Phú Tứ; dù phảng phất phong vị Đường thi như Thái Can, J.Leiba, Quách Tấn, Vũ Hoàng Chương hay dù chân chất hồn Việt như Lưu Trọng Lư, Nguyễn Nhược Pháp, Nguyễn Bính… cũng đều biết chắt lọc tinh hoa Đông Tây để làm nên một giai đoạn thơ Việt đặc sắc”.

2.jpg -0
Một số tác phẩm của tác giả Tự lực văn đoàn được trưng bày tại hội thảo “90 năm phong trào Thơ Mới và Tự lực văn đoàn” do Viện Văn học tổ chức ngày 17/10 (Ảnh: Thiên Điểu)

Thu hút sự chú ý của cử tọa là các ý kiến về những hoạt động, thành tựu và cả những mặt hạn chế của “Tự lực văn đoàn” trong khoảng 10 năm tồn tại rồi tan rã, trong đó phải kể đến bài phát biểu của GS. Phong Lê (nguyên Viên trưởng Viện Văn học) có tên “Tự lực văn đoàn - 90 năm nhìn lại”, PGS.TS Trần Hoài Anh (Đại học Văn hóa TP. Hồ Chí Minh) với “Nhất Linh trong sự tiếp nhận của văn học miền Nam 1954 - 1975”, PGS. TS. Nguyễn Phương Ngọc (Institute of Asian Studies - CNRS Aix Marseille University, France) với “Chinh phục sự tự chủ bằng chính sức sáng tạo: Những năm đầu của Tự lực văn đoàn”…

Trong phần diễn giải của mình, GS Phong Lê cho rằng, với hai cơ quan ngôn luận lớn, tiếp nối nhau là “Phong hóa” và “Ngày nay” cùng với Nhà xuất bản Đời nay, Tự lực văn đoàn là tổ chức văn học lớn nhất và duy nhất quy tụ được những tên tuổi tài năng, có các nguyên tắc tổ chức vừa chặt chẽ, vừa rộng rãi trong đời sống văn học 1930-1945 như: Nguyễn Gia Trí, Tô Ngọc Vân, Cát Tường, Trần Bình Lộc, Đoàn Phú Tứ, Trọng Lang, Lưu Trọng Lư, Huy Thông, Huy Cận, Thanh Tịnh...

“Giải thưởng Tự lực văn đoàn” được trao cho các tác giả có đóng góp về văn chương theo tôn chỉ của nhóm như Nguyên Hồng, Vi Huyền Đắc, Anh Thơ, Nguyễn Bính, Tế Hanh, Đỗ Đức Thu... là những đánh giá có uy tín, có vị thế cho đến tận ngày nay. Các thành viên của nhóm gồm 8 người là Nhất Linh, Khái Hưng, Thế Lữ, Tú Mỡ, Hoàng Đạo, Thạch Lam, Trần Tiêu, Xuân Diệu đã là tổ chức có tính chất một khuynh hướng (tendance), một trường phái (école) văn học, đại diện cho trào lưu lãng mạn, có chung một tôn chỉ, cùng một định hướng tư tưởng và khuynh hướng nghệ thuật nhưng lại có phong cách và giọng điệu riêng, đóng góp riêng ở mỗi người.

GS Phong Lê cũng khẳng định rằng: “Đó là hiện tượng chỉ có thể xuất hiện khi tiến trình hiện đại hóa đã đạt được một cái chuẩn cao, vượt ra khỏi tình trạng giao thời trước 1930, với sự giao thoa giữa nhiều khuynh hướng sáng tác còn chưa thoát ra khỏi dấu ấn của phong cách và tư duy nghệ thuật trung đại…”.

Những đóng góp của Tự lực văn đoàn nói chung và “ngọn cờ đầu” của nhóm là Nhất Linh - Nguyễn Tường Tam nói riêng trong tiến trình của văn học Việt Nam hiện đại, PGS.TS Trần Hoài Anh (Đại học Văn hóa TP. Hồ Chí Minh) trong: “Nhất Linh trong sự tiếp nhận của văn học miền Nam 1954 - 1975” đã khẳng định: “Trong tiến trình vận động và phát triển của văn học Việt Nam, khi luận bàn về văn học giai đoạn 1932 - 1945, không thể không nói đến Nhất Linh và Tự lực văn đoàn. Cuộc đời và sự nghiệp văn chương của Nhất Linh và Tự lực văn đoàn có những thành công nhưng không tránh khỏi những thất bại. Song, di sản văn chương và các giá trị tinh thần qua những sáng tác của ông cùng các nhà văn trong Tự Lực văn đoàn để lại cho nền văn học nước nhà là điều không thể phủ nhận. Và mặc dù còn có những kiến giải khác nhau về cuộc đời và văn nghiệp Nhất Linh, song chính sự khác biệt này chứng tỏ sự quan tâm đến giá trị trong di sản văn chương của Nhất Linh và Tự lực văn đoàn là điều không thể phủ nhận.”.

Tự lực văn đoàn với tư cách là một nhóm/ tổ chức văn chương trong khoảng 10 năm tồn tại của mình đã để lại một di sản văn chương đặc trưng, đậm nét với những đóng góp đáng kể. Theo GS. Trần Thiện Khanh - Phó Viện trưởng Viện Văn học, trong tiến trình vận động của lịch sử nước nhà, có những năm tháng vai trò và những đóng góp của Tự lực văn đoàn bị phủ nhận, nhưng sau Đổi mới, một số nhà thơ trong phong trào Thơ Mới như Huy Cận, Tế Hanh, Anh Thơ, Nguyễn Xuân Sanh… đã chủ động tham gia vào quá trình “nhận thức lại”, đòi hỏi lịch sử văn học trả lại cho Thơ Mới và Tự lực văn đoàn một vị trí xứng đáng, công bằng với nhiều cách luận giải cởi mở hơn.

Về vấn đề này, GS. Phong Lê cũng bày tỏ: “Sau 90 năm phong trào Thơ Mới và Tự lực văn đoàn, giờ đây chúng ta có một “đại lộ thênh thang để mà đi, để nhìn nhận lại các giá trị cũ, để cảm thấy di sản văn hóa của cha ông giàu có hơn, không hẹp hòi, xơ cứng như chúng ta tưởng thời 1950 - 1986. Các buổi hội thảo về Thơ Mới và Tự lực văn đoàn trước đây đã tạo nên một đại lộ mà hôm nay chúng ta đi tiếp, khơi rộng đại lộ đó. Tất cả “công” và “tội” của Tự lực văn đoàn đến nay cũng đã rõ, mà “cái tội” lớn nhất là đi sâu vào vấn đề giải phóng cá nhân và những vấn đề riêng tư của con người và cũng có những cái sai nhất định. Chúng tôi là lớp người với tất cả những hạn chế của nó, mong muốn làm một việc đơn giản thôi, đó là minh định lại, trả lại các giá trị cho Thơ Mới và Tự lực Văn đoàn…”.

Nguyệt Hà
.
.