Giao thừa… “Bồng ông Phúc vào nhà”!!!

Thứ Tư, 26/01/2022, 13:05

Sống trong gian khó quanh năm phải làm lụng vất vả với ruộng đồng lại phải chống chọi với giặc dữ cả thiên tai và nhân tai nên người Việt khát khao hạnh phúc và rất biết giữ gìn trân trọng giá trị của hạnh phúc. Vì thế mà chữ “Phúc” được nâng lên thành biểu tượng cho may mắn, tốt lành.

Ngay cách đặt tên địa danh có từ xa xưa cũng phần nào nói lên khát vọng ấy: Phúc Yên, Vĩnh Phúc, Phúc Thọ... May mắn, tốt lành được coi là mục đích trong các nghi lễ cầu phúc, chúc phúc. Ngày đầu năm mới, sau khi cúng tổ tiên, người ta khăn áo chỉnh tề lên chùa cầu phúc cho cả năm. Một tập quán tưởng đơn giản, bình thường nhưng cái lõi bên trong là khát vọng cực kỳ nhân văn.

Có thể có một nhận định thế này chăng: tôn giáo nào cũng là cái lý tưởng, cái đích tinh thần để “cầu” thì thẳm sâu bên trong tôn giáo nhà Phật, người Việt còn có tôn giáo của riêng mình đó là cầu an, cầu phúc. Điều này lý giải Phật giáo đến Việt Nam được “thế tục” hóa, bình dân hóa, Phật được đưa về nhà để thờ phụng, khi cúng ông bà tổ tiên nhưng lại khấn “Nam mô a di đà Phật!”...

Giao thừa… “Bồng ông Phúc vào nhà”!!! -0
Mâm ngũ quả, ngũ phúc ngày Tết.

Được tiếp biến từ văn hóa Trung Hoa nhưng người Việt đã Việt hóa nội hàm chữ “Phúc” để nó trở thành một mã ý nghĩa mang bản sắc Việt. Xét từ cội nguồn nguyên thủy thì chữ “Phúc” trong “giáp cốt văn” là tượng hình của hai bàn tay bưng hũ rượu đứng lễ trước bàn thờ. Thì ra khát vọng cầu an không của riêng dân tộc nào mà là mẫu số chung của mọi cộng đồng. Xét đến cùng, đã là con người thì ai cũng muốn yên ổn, hạnh phúc. Những kẻ gây ra chiến tranh, tai họa thì không thể xếp chúng vào hàng ngũ con người.

Được chưng cất từ lúa gạo lương thực nuôi sống người trộn cùng thứ men lá đặc biệt nên rượu được coi là linh hồn của trời đất, vũ trụ. Con người lấy thứ linh hồn ấy để cầu phúc chẳng phải là một điều thiêng liêng sao?! Điều này cũng lý giải phổ nghĩa của chữ “Phúc” rất rộng, không chỉ là những gì tốt đẹp, may mắn, an lành, mà còn là thuận lợi, hanh thông, suôn sẻ... Về sau chữ “Phúc” được tỉnh lược, bổ sung hoàn thiện để còn lại hình chữ như ngày nay.

Chiết tự chữ “Phúc” cũng cho thấy nhiều thú vị về quan niệm hạnh phúc của người xưa: bên trái là bộ “thị” có nghĩa là mong muốn (thị hiếu); bên phải là bộ “miên” nghĩa là mái nhà và bộ “khẩu” nghĩa là miệng ăn (hộ khẩu); dưới là bộ “điền” nghĩa là ruộng đất. Như vậy khát vọng, ước mơ giản dị của con người về một cuộc sống bình yên là có một mái nhà để trú (nơi ở), có mảnh ruộng để cày cấy (nghề nghiệp). Đó là hạnh phúc!

Trong văn học trung đại, người có quan niệm một cách hệ thống và khá toàn diện về hạnh phúc là đại thi hào Nguyễn Trãi. Là nhà Nho, Cụ cũng lấy chữ “Phúc” làm biểu tượng để ký gửi quan niệm của mình. Ví như Cụ cho rằng con người ta hạnh phúc là do sinh ra gặp thời, gặp thuở và tự mình nuôi sống chính mình: “Phúc thay sinh gặp thuở thanh bình/ Nấn ná qua ngày được dưỡng sinh” (“Tự thán” bài 29). Hạnh phúc là do nỗ lực chính mình nhưng vẫn phải cảnh giác vì con tạo xoay vần, “phúc họa tình cờ” mà đến: “Trần trần mựa cậy những ta lành/ Phúc họa tình cờ xẩy chửa đành” (“Bảo kính cảnh giới” bài 9). “Mựa” là chớ, đừng. “Trần trần” là bẩm sinh chất phác, tự nhiên như thế. Đừng cậy mình đang an lành hạnh phúc mà phải biết đề phòng những bất trắc.

Ở những ngày COVID mong manh này càng thấy quan niệm của Cụ là rất biện chứng. Cụ đề cao con người, coi con người là trên hết: “Phúc dầu hay đến trăm tuổi/ Mình thác thì nên mọi của tan” (“Bảo kính cảnh giới” bài 7). Người giàu có phúc đức nhưng thác (chết) thì của nả cũng vô nghĩa. “Phúc của chung thì họa của chung/ Nắm thì họa khỏi phúc về cùng” (“Bảo kính cảnh giới” bài 5). “Nắm thì” là cầm nắm cơ hội, rộng ra là hiểu biết thời thế. Xét ở nghĩa rộng, phúc họa cả cộng đồng chịu chung nhưng nếu mọi người chung sức đồng lòng thì cùng nhau giữ lại phúc mà đuổi cái họa đi.

Thực tế chống dịch bệnh hôm nay càng cho thấy câu nói của Cụ là chân lý. Với từng cá nhân, câu thơ này cũng là chân lý để học tập, suy ngẫm: “Phúc nhiều sơ bởi nơi ta tích/ Xuân đến tự nhiên mọi vật tươi” (“Bảo kính cảnh giới” bài 11). “Sơ” là trước hết. Mùa xuân đến thì mọi vật tươi tốt, cũng như quy luật tự nhiên vậy, muốn có phúc thì trước hết con người ta phải biết “tích phúc”. Như cây cỏ âm thầm “tích phúc” ở mùa đông để mùa xuân đến hạnh phúc nảy nở ngập tràn... Những bậc đại thụ luôn luôn mới. Cụ Nguyễn Trãi rất hiện đại, rất lớn, chỉ từ nhưng câu thơ, những hình tượng nhỏ như vậy!

Giao thừa… “Bồng ông Phúc vào nhà”!!! -0
Phong tục xin chữ đầu năm của người Việt.

Sau này Cụ Nguyễn Công Trứ có đôi câu đối Nôm hóm hỉnh mà tinh tế: “Chiều ba mươi, nợ réo tít mù, co cẳng đạp thằng Bần ra cửa/ Sáng mồng một, rượu say túy lúy, giơ tay bồng ông Phúc vào nhà”. Câu đối tái hiện phong tục mọi thứ nợ nần đều trả trong năm cũ, mọi tai bay vạ gió, nghèo nàn, khó khăn đều gửi vào hôm qua (đạp thằng Bần ra cửa) để ngày đầu năm mới trong trẻo tinh khôi. Hình tượng chủ nhà “rượu say túy lúy, giơ tay bồng ông Phúc” chính là một “phiên bản” của “mẫu gốc” nguyên thủy: bưng hũ rượu đứng lễ trước bàn thờ! Những tài năng (như Cụ Trứ) luôn có mối liên hệ (dù mờ nhạt) với nguồn cội để tạo nên tính hệ thống nhất quán trong kiến văn!

Trong từ vựng tiếng Việt, “Phúc” và “Phước” đồng nghĩa, người miền Nam thường gọi “Phước”. Theo truyền ngôn có thể có hai lý do sau. Một là, vào thời Tây Sơn, vua Quang Trung có tên hiệu là Phúc nên “kỵ húy” mà dân gian gọi tất cả âm “Phúc” thành “Phước”. Hai là, vua Gia Long lên ngôi cho rằng họ nhà mình có phúc mới được như vậy bèn lệnh cho cả dòng họ mình lót chữ “Phúc” vào tên riêng để đời đời hưởng phúc (!?), tự nhiên những chữ “Phúc” đổi thành “Phước”.

Điều này cần nghiên cứu thêm, chỉ biết từ đời nhà Nguyễn các câu “Hạnh phúc vô cương” (lời chúc cho ai đó có được hạnh phúc mãi mãi, vĩnh cửu), “Phúc thọ song toàn” (chúc luôn có sự song hành cả phúc lành lẫn trường thọ) rất hay được dùng. Cũng từ đây quan niệm về “ngũ phúc” của người Việt hoàn chỉnh và cụ thể hơn là “Phú” (giàu có), “Quý” (sang trọng), “Thọ” (sống lâu), “Khang” (khỏe mạnh), “Ninh” (yên ổn).

Quan niệm này có phần khác với “ngũ phúc” của người Trung Quốc được viết trong “Kinh Thi” là: “Ngũ phúc, nhất viết Thọ, nhị viết Phú, tam viết Khang minh, tứ viết Du hảo đức, ngũ viết Khảo chung mệnh” (Năm phúc: trước hết là sống thọ, hai là giàu có, ba là bình an, bốn là đức tốt, năm là chết vào tuổi già).

Đáng chú ý là người Việt hay dùng song trùng hai chữ “Phúc Đức” như cách giải thích của Từ điển Khai Trí Tiến Đức, thì “Phúc là điều hay, điều tốt, do việc làm nhân đức mà ra”. Điều này được củng cố khi xét cấu trúc các từ ghép như “Phúc thiện” được hiểu “phúc” do “thiện” (tốt) mà ra; trong thành ngữ “Phúc đức tại mẫu” (có phúc đức là nhờ người mẹ); trong câu đối: “Phúc đầy nhà năm thêm giàu có/ Đức ngập tràn ngày một vinh hoa”; “Mùa xuân hoa nở khắp quê hương/ Phúc đức an khang đến mọi nhà”... Trong từ vựng cảm thán người Việt có những cụm từ “Làm ơn, làm phúc...” thì phải được hiểu đầy đủ là làm điều “thiện” (tức điều có đức) để được “phúc”!!!

Trong tiếng Trung, con dơi đồng âm với “Phúc” nên dơi được lấy làm biểu tượng may mắn, tốt lành như chữ “Phúc” vậy. Từ sự liên tưởng dơi sống trong hang, mà hang là nơi “Tiên” ở. “Tiên” thường bất tử nên “ăn nhập” với quan niệm đề cao việc sống thọ (nhất viết Thọ) nên dơi càng được tôn sùng. Thế là nảy ra cách “chơi chữ” như vẽ hai con dơi chập cánh lại là “trùng phúc”, vẽ năm con dơi là “ngũ phúc”.

Vì con dơi biết bay nên người ta treo chữ Phúc phải ở trong nhà, thường là gian chính giữa, không treo gần cửa vì sợ “Phúc”... bay! Họ thường dán ngược chữ “Phúc” vì thế là “Phúc đảo” mà chữ “Đảo” đồng âm với chữ “Đáo” nghĩa là đến. Chữ “Phúc” treo ngược có ngụ ý là phúc đang đến. Có hai câu chuyện liên quan đến việc “làm phúc”. Một là có tên lính không biết chữ nên treo ngược chữ “Phúc”, một viên quan “chữa cháy” bèn tâu vua đấy là “Phúc đáo”. Hai là, vua đi vi hành gặp một nhà có điều “phạm húy” bèn đảo chữ “Phúc” treo ngoài cổng đánh dấu để cho quân đến trị tội. Hoàng hậu biết chuyện bèn cho người đảo hết các chữ “Phúc” mọi nơi, mất dấu nên nhà vua không bắt được ai...

Người Việt triết lý “Có phúc có phần” tức có phúc đức ắt có của nả giàu có (phần). Đó vừa là đạo lý vừa là chân lý. Và một quan niệm về sự phát triển giữa các thế hệ “Con hơn cha là nhà có phúc”. Rất ngắn gọn về chữ nhưng thật rộng dài, sâu sắc về ý nghĩa giáo dục!

Nguyễn Thanh Tú
.
.