Gian nan nghiệp sách

Thứ Sáu, 13/01/2023, 09:54

29 là con số những giải Nobel mà người Nhật đã được nhận, chủ yếu ở lĩnh vực Vật lý học và Hóa học. Trung Quốc đã có 9 giải Nobel và họ vẫn miệt mài chinh phục giải thưởng danh giá này. Có thể nói, với con số giải thưởng kể trên, họ xứng đáng là cường quốc khu vực Đông Á.

Để có được ngần ấy giải Nobel, người Nhật đã từ lâu có chiến lược dịch và giới thiệu toàn bộ sách tinh hoa của nhân loại sang tiếng Nhật. Đó là cách phổ cập tinh thần đam mê khoa học một cách bền bỉ, căn cơ và có tầm nhìn. Tương tự, Trung Quốc cũng thực hiện chủ trương này, nhưng mở rộng hơn với nhiều đầu sách tốt nhưng chưa phải diện tinh hoa.

Giấc mơ Nobel của Việt Nam vẫn được nhắc đến, tuy không thường xuyên nhưng nghiêm túc và trọng tâm. Nhưng để hoạch định ra con đường Nobel thì gần như chưa có tính hệ thống, cụ thể với tầm nhìn chiến lược. Một trong những hành động cho tầm nhìn này chính là phổ cập sách tinh hoa nhân loại và thực tế mới chỉ có vài công ty sách (dưới đầu ngón tay 1 bàn tay) có khát vọng làm việc này.

Song, để thực hiện giấc mơ mang tủ sách tinh hoa của nhân loại về cho độc giả Việt bằng tiếng Việt lại là việc không đơn giản chút nào. Đang tồn tại một sự phi lý của thị trường đọc và phi lý ấy cho thấy nghiệp làm sách gian nan mức độ nào.

Đơn cử như tủ sách "100 năm Nobel" mà Đông A thực hiện vài năm trở lại đây chẳng hạn. Ước mơ mang các danh tác đoạt giải Nobel khoảng 100 năm về trước xuất bản hàng năm tại Việt Nam là một ước mơ lớn nhưng khốn khó. Để dịch thể loại sách này, đòi hỏi dịch giả trình độ, kiến văn sâu, rộng và có uy tín. Chi phí thuê dịch giả cho mỗi đầu sách không dưới 100 triệu. Đó là một con số không lớn so với thời buổi kinh tế này nhưng nó lại là gánh nặng trong cán cân kinh doanh sách. Để có được doanh thu 100 triệu cho một đầu sách là chuyện không hề dễ dàng. Đó là còn chưa kể đến vấn nạn sách lậu vẫn hoành hành như một căn bệnh trầm kha. Nhưng vượt trên hết là tiêu thụ. Trong số các danh tác kiểu này mà Đông A phát hành, số lượng ấn bản lớn nhất cũng chỉ ở mức 2.000 cuốn. Hãy thử tưởng tượng, trong 90 triệu dân chỉ có vài ngàn người chịu tiếp cận kho tàng tri thức quý giá của nhân loại thì giấc mơ Nobel rõ là xa vời vợi.

Trong bối cảnh ấy, nỗ lực của các công ty sách kiểu như Đông A là vô cùng đáng quý. Với họ, mỗi thế hệ chỉ cần vài cháu nhỏ say mê với mảng đề tài sách này thôi cũng đủ nuôi dưỡng giấc mộng mà nhiều người nghĩ là viển vông. Nhưng nếu phó mặc một giấc mơ lớn như thế cho các công ty sách nghiêm túc thì chính chúng ta mới là những người khiến giấc mơ ấy trở thành viển vông. Mua, đọc, tích cực giới thiệu tới người đọc khác phải là việc mà những người có uy tín xã hội nên làm bởi chính họ, với khả năng dẫn dắt người khác qua các kênh mạng xã hội, hoàn toàn có khả năng làm con số người đọc nâng cao hơn mức vài ngàn kể trên và tạo ra sự sôi động cho thị trường sách.

Giấc mơ sách xem ra gian nan lắm. Và những người làm sách nghiêm túc vẫn luôn chờ đợi vào chính cộng đồng, đặc biệt là giới học giả uy tín, cùng chung tay với họ trên con đường gian nan ấy. Tất nhiên, nếu có thêm sự tham gia của lực lượng doanh nhân trong vai trò tài trợ thì càng hữu hiệu hơn. Và tiếng gọi ấy vẫn còn đang đợi hồi đáp một cách kiên nhẫn chứ chưa từng tỏ ra tuyệt vọng bao giờ.

Văn Đoàn
.
.