Giải bài toán giữ chân người tài
Tin vui giữa tháng 10/ 2022 đến với đội ngũ lao động trong ngành y tế tỉnh Đồng Nai khi UBND tỉnh này ban hành quyết định thông qua chính sách xây dựng Nghị quyết về hỗ trợ, thu hút nguồn nhân lực y tế tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2023 - 2025. Theo đó, lực lượng này, tùy vị trí và môi trường công tác, sẽ được hỗ trợ từ 1- 4 triệu đồng/ tháng/ người.
Quyết định của UBND tỉnh Đồng Nai cũng thông qua chính sách thu hút, thạc sĩ, tiến sĩ, bác sĩ chuyên khoa 1, bác sĩ chuyên khoa 2. Quyết định này sẽ có hiệu lực trong 3 năm (2023-2025) và làm cơ sở để UBND tỉnh trình Thường trực HĐND tỉnh đề nghị xây dựng Nghị quyết quy định về chính sách hỗ trợ, thu hút nguồn nhân lực y tế tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2023 - 2025.
Cận kề tỉnh Đồng Nai là TP Hồ Chí Minh. Hôm 14/10/2022, ông Tăng Chí Thượng - Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, sở này đã kiến nghị UBND Thành phố hỗ trợ 209 tỷ đồng từ ngân sách để các bệnh viện chi thu nhập tăng thêm trong năm nay (với các bệnh viện mà nhân viên chưa được hưởng), theo Nghị quyết số 03/2018/NQ-HĐND (Nghị quyết 03) ngày 16/3/2018 của HĐND TP Hồ Chí Minh quy định về "Quy định chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức thuộc khu vực quản lý nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội và đơn vị sự nghiệp công lập do Thành phố quản lý".
Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cũng đồng thời kiến nghị mở rộng đối tượng hưởng thu nhập tăng thêm từ Nghị quyết 03, bao gồm tất cả viên chức, người lao động trong chỉ tiêu biên chế được giao và theo đề án vị trí việc làm. Ước tính số tiền ngân sách phải cấp bổ sung năm 2022 để thực hiện là 305 tỷ đồng. Tổng cộng 2 khoản này là hơn 500 tỷ đồng.
Như vậy, trước "làn sóng" lao động y tế bỏ bệnh viện công gây xôn xao dư luận thời gian qua, sau khi Văn phòng Chính phủ có Thông báo số 192/TB-VPCP ngày 29/6/2022 kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế tại các cơ sở khám chữa bệnh và tình hình nghỉ việc, thôi việc của cán bộ y tế khu vực công lập, trong đó có việc chỉ đạo các địa phương quan tâm hơn đến đội ngũ nhân viên y tế, nay đã có những tín hiệu tích cực. Mà cụ thể ở đây là các địa phương bỏ ngân sách ra để trả thêm thu nhập cho lao động y tế ở bệnh viện công.
Lâu nay, ai đi làm Nhà nước, kể cả khối ngành được xem là hệ số lương cao như Công an, Quân đội thì cũng đều rõ, với đồng lương chân chính phải hết sức tằn tiện mới đủ sinh hoạt và chi dùng tối thiểu. Có người đi làm Nhà nước mà vẫn giàu, nhưng đấy là một câu chuyện khác và cũng không là đại diện cho toàn thể đội ngũ người làm công ăn lương. Vì thế, chuyện cải cách tiền lương, đặc biệt cho đối tượng làm việc trong khu vực Nhà nước luôn là vấn đề cần phải cải cách và cải cách mạnh mẽ.
Cải cách - thực ra là tìm cách để nâng lên là chính, thêm nữa là để giảm thiểu những chênh lệnh bất hợp lý hoặc không còn phù hợp, để đảm bảo công bằng hơn trong cống hiến và thụ hưởng. Trong nhiều cách để tăng lương thì có cả việc sắp xếp lại bộ máy cho tinh gọn và có cả việc trích thêm ngân sách để chi.
Vậy nay, ngoài đồng lương được chi trả theo quy định lâu nay, ở một số địa phương, như Đồng Nai hay TP Hồ Chí Minh và một số địa phương nữa, bố trí được ngân sách để trả thêm thu nhập cho người lao động trong khu vực Nhà nước - đó là một nỗ lực và chắc chắn sẽ giúp người lao động bớt khó khăn hơn.
Nhưng tăng thu nhập cho lao động y tế ở bệnh viện công thì các ngành, nghề khác sẽ thế nào? Lâu nay các ngành, nghề khác cũng trong tình trạng thu nhập thấp, nhưng cao hay thấp đều đã có những tính toán và kịch bản hợp lý trên nhiều phương diện, cái nào chưa hợp lý thì phải điều chỉnh và điều chỉnh ở phạm vi cả nước chứ không riêng mỗi địa phương hay một ngành, nghề.
Việc các địa phương chi trả thêm, nếu theo như tinh thần Nghị quyết 03 của HĐND TP Hồ Chí Minh thì sẽ hợp lý, vì áp dụng chung cho "cán bộ, công chức, viên chức thuộc khu vực quản lý Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội và đơn vị sự nghiệp công lập do Thành phố quản lý", tức là ít nhất cũng là công bằng cho lao động công trong cùng khu vực.
"Làn sóng" lao động dịch chuyển từ khu vực CÔNG sang khu vực TƯ không chỉ xảy ra ở ngành y tế, khi tư nhân, doanh nghiệp được khuyến khích tham gia mạnh mẽ vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Khi môi trường lao động ở khu vực tư nhân tốt hơn thì không có gì lạ trước việc bác sĩ giỏi bỏ việc ở bệnh viện công hay giáo viên giỏi bỏ trường công sang trường tư. Lý do vì sao môi trường lao động ở khu vực TƯ thường tốt hơn, thu hút hơn khu vực công thì không khó để trả lời. Cho nên, lý do lao động bỏ việc vì muốn sang khu vực TƯ vì muốn có thu nhập - tất nhiên, nhưng đó chỉ là một trong vô vàn lý do chính đáng mà thôi.
Tăng thu nhập cho một bộ phận lao động, vì thế tuy tốt nhưng chỉ mới là một cách để khu vực công cải thiện đời sống cho lao động ở phạm vi hẹp chứ vẫn rất khó để tính đến mục tiêu ổn định lao động, giữ được người tài.