Giá vàng và giá trị sống
với vàng thì câu chuyện lợi nhuận chưa bao giờ kết thúc. Chúng ta thử ngẫm mà xem: Trải qua bao năm tháng, vàng vẫn luôn là một biểu tượng của giá trị, đảm bảo giá trị. Hẳn là thế nên trong vô vàn thứ vật chất có giá trị cao, bao giờ vàng cũng được nhắc đến nhiều nhất, “vàng” có cả một vị trí trong đời sống tâm hồn. Chẳng thế mà nó đã trở thành biểu tượng để biểu đạt những quan niệm, suy nghĩ, kiểu như: “Gánh vàng đi đổ sông Ngô/ Đêm nằm tơ tưởng đi mò sông Thương”.
Dạo này lên mạng xã hội, tôi không còn thấy nhiều người đăng ảnh khoe “mầm” hay cánh này, cánh kia của lan đột biến nữa. Tầm này cách đây một năm, nhiều người vẫn đang sôi sục với những “ki”, “mầm”, “mặt hoa” thì nay “mặt hồ” đó đã yên lặng. Hoa cuối cùng chỉ là hoa chứ không thể giúp quá nhiều người đổi đời sau một thời gian ngắn như thế.
Nhưng, với vàng thì câu chuyện lợi nhuận chưa bao giờ kết thúc. Chúng ta thử ngẫm mà xem: Trải qua bao năm tháng, vàng vẫn luôn là một biểu tượng của giá trị, đảm bảo giá trị. Hẳn là thế nên trong vô vàn thứ vật chất có giá trị cao, bao giờ vàng cũng được nhắc đến nhiều nhất, “vàng” có cả một vị trí trong đời sống tâm hồn. Chẳng thế mà nó đã trở thành biểu tượng để biểu đạt những quan niệm, suy nghĩ, kiểu như: “Gánh vàng đi đổ sông Ngô/ Đêm nằm tơ tưởng đi mò sông Thương”.
Thế nhưng, ngay cả trong đời sống tâm hồn của người Việt, vàng không phải là tất cả. Nghe cách các tiền nhân đúc rút bài học về kinh nghiệm sống từ vàng mới thấy rõ: "Cầm vàng mà lội qua sông/ Vàng rơi không tiếc, tiếc công cầm vàng". Đọc câu ca dao ấy xong, một nhà văn quay sang hỏi đùa tôi: “Tôi đố ông nhé: Cầm vàng có khác với ôm vàngkhông? Giờ chỉ có ôm vàng là chắc nhất ông nhỉ?”.
Quả thật, chuyện vàng đầu năm nay là một trend siêu hot trên mặt báo và các “diễn đàn” của mạng xã hội. Trong ngày đặc biệt của tháng ba, nhiều báo đã giật những cái tít nóng hổi: “Vàng lên đỉnh, trăm người xếp hàng xuyên trưa, đợi cả tiếng chờ bán vàng” (Vietnamnet); “Giá vàng tăng dựng đứng, hàng trăm nhà đầu tư ùn ùn chốt lời” (Báo Lao động); “Giá vàng lập đỉnh ngày Quốc tế Phụ nữ, người Hà Nội xếp hàng đi bán kiếm lời” (kênh 14)… Có lẽ, người đầu tư vàng (mà theo cách nói của nhiều người là ''ôm vàng'') đã có một ngày đặc biệt như thế. Việc phân tích thị trường đúng đắn và nắm bắt cơ hội đã mang cho họ lợi nhuận lớn. Vàng không phải là bong bóng, cũng không phải là “một đại diện kỹ thuật số về giá trị” như tiền ảo nên luôn giữ được giá trị. Vàng còn trở thành trang sức, thành vật phẩm được chế tác nghệ thuật.
Nhưng, liệu ngoài vàng ra, cuộc sống của chúng ta còn điều gì cao quý hơn vàng trên bảng giá trị tâm hồn? Liệu những người không “ôm” vàng còn có tháng ba hạnh phúc hay không?
Có bao giờ chúng ta tự hỏi: Động lực nào để một người bị tàn phế sau tai nạn đáng tiếc (mất đi một chân) như cô giáo Vì Thị Nhân hàng ngày vẫn vượt 20 km để đến trường với các em học sinh thân yêu? Chúng ta chỉ cần nghe câu nói lạc quan của cô (sau những lần ngã sõng soài ra đường, xây xước chân tay, bởi chân trụ không được vững) là đủ hiểu ra tất cả: “Đến trường mà quần áo vừa bẩn, vừa rách, chỉ mỗi chiếc chân giả là còn nguyên".
Nghe một chữ “giả” mà cô Nhân nhắc đến khiến nhiều người vừa thật sự xót xa, vừa phải suy ngẫm. Cái (chân) “giả” còn nguyên ấy chính là sự chân thật, là lòng nhiệt huyết mà không một hiểm hoạ, thử thách nào có thể vùi dập được ở một con người. Tâm huyết của cô giáo người dân tộc Thái nơi quê hương Vân Hồ này không phụ thuộc vào sự biến động của bất kì “vật ngang giá chung nào” trên thị trường.
Suy cho cùng, kinh tế hay bất kể mọi lợi ích nào khác đều nhằm mang lại hạnh phúc cho con người. Người viết còn nhớ, chính vị diễn giả kinh tế học số 1 thế giới Brian Tracy đã nói về hạnh phúc như thế này: “Những người hạnh phúc nhất thế giới là những người luôn cảm thấy hài lòng về mình. Và đây là sự phát triển tự nhiên của việc hoàn toàn chịu trách nhiệm với cả cuộc đời họ”. “Hài lòng về mình” mà ông nhắc đến đâu phải chỉ là sự bằng lòng cam chịu với những gì sẵn có.Từ những gì vốn có, những gì còn lại, con người ta vẫn vươn lên, khắc phục khó khăn. Chỉ khi đó con người giàu nghị lực ấy mới thực sự hài lòng. Cách mà cô Vì Thị Nhân trong câu chuyện trên nói về hạnh phúc của mình có lẽ cũng theo lối nghĩ đó chăng. Cô chia sẻ: "Mất một chân không phải mất tất cả, tôi vẫn muốn góp sức để những đứa trẻ vùng cao biết đọc, biết viết. Trừ phi nghề bỏ tôi, chứ bản thân nhất quyết không bỏ nghề". Một người tìm được hạnh phúc cho mình thì ngày nào cũng là ngày đặc biệt.
Có lúc, người viết tự hỏi: Chúng ta từng đến trường để học các giá trị của toán học, vật lí, hóa học và các giá trị nhân văn trong văn chương, lịch sử… nhưng có bao giờ nghĩ đâu là giá trị sống trong số vô vàn tri thức đó? Giá trị sống vừa gần gũi vừa mơ hồ.
Trong bài viết, "Giáo dục giá trị trong nhà trường", PGS.TS Nguyễn Thị Kim Ngân (Viện NCGD và GLQT) và PGS.TS Hà Thanh Việt (Trường Cán bộ quản lý Hồ Chí Minh) từng nêu ra một định nghĩa: “Giáo dục giá trị là một lĩnh vực rất rộng, bao gồm toàn bộ các hoạt động giáo dục hướng tới việc hình thành đời sống tinh thần, nhân cách, đạo đức và ý thức công dân của học sinh. Giáo dục giá trị bởi vậy rộng hơn giáo dục nhân cách (nhân cách hiểu theo nghĩa hẹp như là tư cách, phẩm cách), rộng hơn giáo dục đạo đức hay giáo dục công dân. Nếu giáo dục nhân cách hướng tới việc hình thành ở học sinh những phẩm chất như sự trung thực (đối lập với giả dối), dũng cảm (đối lập với thỏa hiệp), lòng tự trọng (đối lập với sự thô bỉ), ý thức trách nhiệm (đối lập với thói vô trách nhiệm, bừa bãi), nếu giáo dục đạo đức là lĩnh vực của giáo dục niềm tin thiêng liêng, lòng yêu thương con người, không làm điều ác và giáo dục công dân là bồi dưỡng tinh thần thượng tôn pháp luật, nghĩa vụ công dân và lòng yêu nước, thì khái niệm giáo dục giá trị, ngoài tất cả những nội dung ấy, còn đòi hỏi thêm những yêu cầu khác…” (Viện NCGD và GLQT - Đại học Huế). Có thể thấy rằng, để có được nhiều tài sản, để có được bằng cấp, điểm số cũng đâu khó bằng việc có được những giá trị, hiểu được giá trị cuộc sống - một thứ tài sản trừu tượng nhưng vô giá.
Có lần, gặp một nhà giáo đã về hưu, ông sống trong căn nhà đối diện với một thư viện, ông chia sẻ với tôi thế này: “Tôi đã để ý, mỗi người đến đọc sách có một phong thái khác nhau. Người đến vì cầu thị, người đến vì lo sợ, người khác lại tới vì… lòng tham. Vì tôi nghe họ kháo nhau: Nghe tin có cuốn sách mới rất nổi tiếng nên đã lao xe đi rất vội, khi vượt qua đèn đỏ đã làm một bà cụ té ngã. Lại có người thích thú khoe: Chạy xe vội qua vũng nước làm hai bé học sinh bị nước bắn ướt hết quần áo”.
Nghe xong câu chuyện này bất giác tôi nhớ đến một ý trong định nghĩa của UNESCO về giá trị sống: “Giá trị sống của bạn là những điều mà bạn cho là quan trọng trong cách bạn sống và làm việc”. Giá trị sống trả lời câu hỏi “Tại sao?” hay “Vì sao?” một người nào đó làm điều này hoặc không làm điều kia. Ví dụ như một người chạy xe vượt đèn đỏ để nhanh hơn vài chục giây, mà không để ý rằng điều đó có thể nguy hiểm đến tính mạng của bản thân hay của người khác, như vậy trong hành động này, người đó đánh giá cao giá trị “thời gian” mà bỏ qua giá trị “an toàn”.
Phải chăng, nếu chúng ta có được sự tốt đẹp nhưng lại làm phương hại đến người khác thì thứ “vàng” cầm trong tay ấy đâu còn giá trị. Khi thế giới ngày càng gần lại trong xu thế toàn cầu hóa và kết nối mạnh mẽ, giá trị sống sẽ càng quý giá bởi không ai khác chính chúng ta là người thụ hưởng. Một giá trị không nằm trong bàn tay của riêng ai, không cần mua đi và bán lại… Giáo dục giá trị sống cho con cháu, chúng ta sẽ không còn phải lo âu và nuối tiếc cho ngày sau.