Giá trị và văn hóa tiêu dùng

Thứ Năm, 13/10/2022, 07:49

Một ngày, bạn phải ra cây ATM rút tiền để bỏ vào phong bì đi mừng đám cưới, mừng tân gia... điều mà bạn mong muốn là rút được những tờ tiền có mệnh giá 200.000đ hoặc 500.000đ. Thế nhưng, đôi lúc bạn lại chỉ nhận được những đồng tiền có mệnh giá nhỏ hơn, nó không chẵn so với mức giá trị mà bạn mong muốn.

Khi đem điều này than thở với người thân và bạn bè, người viết từng nhận được lời khuyên: Nên ra rút tiền ở cây của ngân hàng này, ở phố kia. Cách đây hơn 10 năm, khi phải thường xuyên gửi xe máy ở một nhà xe, từ tối hôm trước tôi luôn phải kiểm tra xem trong ví của mình còn tiền lẻ hay không kẻo lại bị anh nhân viên trông xe từ chối vì... đưa tiền to quá. Hóa ra, chuyện rút tiền, tiêu tiền cũng đâu có dễ.

cây xây dựng văn hóa tiêu dùng của người việt-nguồn ảnh tạp chí viêt nam hội nhập.jpg -0
Cần xây dựng văn hóa tiêu dùng của người Việt.

Còn nhớ cách đây ba năm, báo chí từng đưa tin về một anh chồng mang bao tải tiền lẻ đến cửa hàng điện thoại trên phố Nguyễn Văn Linh (TP Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên) để đặt mua chiếc điện thoại có giá 23 triệu đồng tặng vợ. Đương nhiên, những cọc tiền mệnh giá 1.000đ, 2.000đ, 5.000đ của anh vẫn được chủ cửa hàng kinh doanh vui vẻ chấp nhận thay vì ném tiền lẻ vì cho rằng quán "thối rác" như hành động một người đàn ông hôm rồi ở TP Đà Nẵng.

Có không ít anh chồng yêu chiều vợ nhưng tại sao chỉ có anh chồng ở Hưng Yên trở nên nổi tiếng? Chính vì anh đã mang đến bao tải tiền lẻ của bao năm tháng tích góp với một tâm thế đường hoàng không ngần ngại vì một tình yêu đường đường, chính chính. Có bao người đã nhận được số tiền trả lại (thối) là tiền lẻ nhưng đã không có hành động thiếu văn hóa đó? Đó chính là một thực tế trong quan niệm giữa giá thành và giá trị trong suy nghĩ của chúng ta.

Qua những câu chuyện ấy, ta nhận ra giữa giá thành trong giao dịch hàng ngày và giá trị đang có sự khập khiễng nhất định chăng? Người viết chợt nhớ đến định nghĩa về "assets" (tài sản) và "liabilities" (tiêu sản) của tác giả Robert Kiyosaki. Trong đó, ông định nghĩa: "tài sản là những gì bỏ tiền vào túi bạn" và "tiêu sản là những gì lấy tiền ra khỏi túi bạn". Cả hai định nghĩa đó đã và đang được loài người vận dụng trong sự mâu thuẫn và thống nhất, vừa tương sinh và tương khắc, tựa như âm và dương, tạo nên cả sự hứng khởi và thất vọng. Thế nhưng, dù là tiêu sản hay tài sản thì những con số giá thành đó đều có là một giá trị nhất định.

Người viết xin chọn một ví dụ khá mới mẻ. Trong lĩnh vực  giáo dục, vấn đề về sách giáo khoa hôm nay đâu chỉ có những ưu tư, trăn trở của phụ huynh về giá thành một bộ sách mà còn sự phân vân giữa "sách giáo khoa" và "sách bổ trợ". Nhận xét về điều này, nhà giáo Nguyễn Thị Hương, hiện công tác ở một trường tiểu học  Hà Nội chia sẻ: "Vở bài tập là không cần thiết, các em học sinh lớp 1 vẫn sẽ hoàn thành tốt mục tiêu biết đọc, biết viết thành thạo trước khi kết thúc năm học. Không nên lãng phí tiền của để mua các loại sách bổ trợ và tham khảo quá nhiều" (theo vtc.vn). Sự "lãng phí" mà cô giáo Hương nhắc đến ở đây có thể sẽ là còn số không hề nhỏ khi phụ huynh chưa nắm rõ được đặc điểm của từng cấp học, từng chương trình, để rồi sau khi nhận ra sẽ là sự thất vọng vì giá trị sử dụng của nó chưa tương xứng.

Nhưng, nếu nhìn ở một góc độ khác, chất lượng sản phẩm giáo dục không chỉ đơn thuần ở giá thành. Nói đơn giản, để có được hiệu quả tốt cho bản thân, cho con em mình cần phải tự lực từ nhận thức, nắm bắt và vận dụng chứ không chỉ rập khuôn theo công thức: Tiền nào của ấy. Ở chiều ngược lại rất cần một sự tâm huyết của những người thầy, những nhà quản lý giáo dục để đem lại cho người học những giá trị.

Ngẫm ra, ở nhiều nơi có những công trình được đầu tư lớn mà chưa đem lại hiệu quả để tạo nên giá trị thực sự như các nhà văn hóa, chợ, công trình nước sạch… bị bỏ hoang. Có người bạn đã từng hỏi tôi: "Đằng sau sự khập khiễng giữa đồng tiền và giá trị ấy là gì? Có phải là sự vận dụng máy móc mà chưa khảo sát nhu cầu thực tế, tính tới các đặc thù vùng miền, địa văn hóa, đời sống sinh hoạt chăng?".

khi giá thành và giá trị chưa tương xứng sẽ không thể đem lại lòng tin-nguồn ảnh vietnambiz.vn.jpg -0
Khi giá thành và giá trị chưa tương xứng sẽ không thể đem lại lòng tin.

Để có được giá trị tương xứng với sự đầu tư, với giá thành sản phẩm phải xuất phát từ tầm nhìn. Ở một đất nước có truyền thống làm nông nghiệp, câu chuyện con gà, con cá, cân thịt, bó rau… không chỉ thuộc về lĩnh vực của ngành chăn  nuôi mà còn thành đề tài nóng ở mọi nơi trong cuộc sống. Mua được con cá, cân thịt chất lượng là hạnh phúc của những người vợ, người mẹ, đem lại cho họ sự an tâm, tin tưởng vào cuộc sống này.

Có lẽ nắm bắt được xu thế đó mà các doanh nhân hàng đầu ở các lĩnh vực ngân hàng, bất động sản, thép, ôtô hay dịch vụ và thương mại bước chân vào nông nghiệp như bà Thái Hương (TH), ông Phạm Nhật Vượng (Vingroup), ông Nguyễn Đăng Quang (Masan Group), ông Trần Bá Dương (Thaco), ông Trần Đình Long (Hòa Phát) hay ông Đỗ Quang Hiển (T&T)... Với nguồn lực của mình, các đại gia tham gia làm nông nghiệp có một điểm chung là triển khai thực hiện trên quy mô lớn, áp dụng công nghệ và quản trị hiện đại.

Nhiều sản phẩm nông nghiệp đã tạo được thương hiệu, phục vụ nhu cầu thực phẩm sạch của người dân và đủ sức cạnh tranh với hàng ngoại nhập" (theo "Từ "heo ăn chuối" nghĩ về đại gia làm nông nghiệp", Bích Diệp, Báo Dân trí). Các doanh nhân Việt Nam đã nhận ra cái gốc của vấn đề, họ quay lại tạo lập điểm tựa vững chắc, tập hợp khách hàng và cũng đồng thời góp phần thiết lập một văn hóa tiêu dùng.

Giáo sư Don Slater (Khoa Xã hội học, Trường đại học Goldsmith) từng đưa ra khái niệm: "Văn hóa tiêu dùng là những giá trị văn hóa và tập quán cơ bản của xã hội, những quan điểm, những mong muốn và những đặc điểm mà được nhận biết hoặc được xem là có xu hướng liên quan tới tiêu dùng". Khi chuyển đổi số được đẩy mạnh, công nghệ phát triển đến tất cả vùng miền, ngành nghề sẽ không chỉ góp phần thúc đẩy các xu thế (chính là "những quan điểm, những mong muốn") của người mua mà Giáo sư Don Slater đã nhắc đến mà còn góp phần minh bạch chất lượng sản phẩm và quan niệm, cách ứng xử với đồng tiền.

Trở lại với câu chuyện của anh chồng mang bao tải tiền lẻ đi mua điện thoại cho vợ ở TP Hưng Yên và người đàn ông vừa ném tiến thối lại từ cửa hàng ở TP Đà Nẵng, chúng ta càng ý thức sâu sắc hơn về những đồng tiền lẻ khi đọc một đoạn trong bài báo này: "Những năm gần đây, nhiều nơi bán hàng (siêu thị, cửa hàng tạp hóa...) tìm cách chiếm dụng tiền lẻ của khách hàng bằng cách thối tiền bằng kẹo. Khách hàng không quan tâm nhưng cuối ngày, tổng kết doanh số thì số tiền lẻ đó gom lại sẽ thành số tiền lớn. Nhiều nơi bán hàng sử dụng thủ thuật đánh lừa cảm giác của khách hàng thông qua định giá bán sản phẩm, chẳng hạn như 199 ngàn đồng sẽ tạo cảm giác rẻ hơn 200 ngàn đồng. Khi mua món hàng đó, người tiêu dùng chắc chắn sẽ đưa 200 ngàn và người bán thối lại bằng kẹo để chiếm dụng 1 ngàn đồng. Do phần lớn người tiêu dùng có tâm lý xem nhẹ tiền lẻ nên người bán mới không ngần ngại sử dụng thủ thuật này" (Theo doanhnhansaigon.vn). Phải chăng, tâm lí "tiền lẻ là rác" khiến văn hóa tiêu dùng còn tồn tại những bất cập.

Với mọi đồng tiền dù nhỏ nhất cũng là mồ hôi, nước mắt, là giá trị được pháp luật và cộng đồng thừa nhận. Bởi thế, cần sự tỉnh táo lựa chọn cũng như trân trọng người khác qua những giao dịch dân sự dù là nhỏ nhất. Điều quan trọng không phải chúng có giá trị nhiều hay ít mà do chúng ta biết biến nó thành giá trị, thành một văn hóa ứng xử trong tiêu dùng để xã hội ngày càng tiến bộ và phát triển hơn…

Kiến Văn
.
.