Giá trị và thời gian

Chủ Nhật, 24/11/2024, 14:08

Tuần qua, có một câu chuyện ngẫu nhiên mà thú vị đến từ tài khoản cá nhân của anh Trương Đình Luật (46 tuổi, TP Hồ Chí Minh) khi anh đăng một bức ảnh cũ với bảng giá vàng ở thời điểm năm 1988: “Giá vàng 24k mua vào là 315.000 đồng, bán ra là 325.000 đồng. Giá vàng 18k mua vào là 217.000 đồng, bán ra là 240.000 đồng”.

Nếu như bạn được lật mở cuốn album lưu giữ hình ảnh gia đình anh từ 34 năm trước thì sẽ chẳng có gì đặc biệt bởi đó là một phần kí ức bình dị của mỗi gia đình. Có điều, khi bảng giá ấy xuất hiện trên mạng xã hội, một bảng tin chung, một “xa lộ” của ngày hôm nay, vô hình trung nó tạo ra một hiệu ứng lớn. Một hình ảnh vốn rất bình thường bỗng gây ngỡ ngàng, li kì như thể đã đi trong “lỗ thủng thời gian” và bất ngờ xuất hiện. Giá vàng của năm 1988 chỉ là giá trị tại một thời điểm còn với chúng ta hôm nay, giá vàng còn là một tham chiếu thú vị khác.

giá trị sống là sự cống hiến-ảnh internet.jpg -1
Giá trị sống là sự cống hiến.

34 năm đã qua, anh Luật - cậu bé 12 tuổi khi đó - đã có một hành trình dài để trải nghiệm những sắc màu, cung bậc của cuộc đời. Với bất kì ai, hành trình sống là sự nỗ lực để mưu sinh, học tập và tận hưởng thành quả và nhận thức về xã hội một cách sâu sắc hơn thông qua bảng giá trị sống.

Nếu bạn search trên thanh công cụ tìm kiếm với một từ khóa (key word) đại loại như: “Vì sao giá vàng tăng mạnh”, hẳn sẽ có cả loạt bài viết phân tích “đi tìm nguyên nhân” khiến vàng lập đỉnh hiện ra trước mắt bạn. Hình ảnh nhẫn cưới, dây chuyền, lắc... bằng vàng của cô dâu trong lễ cưới hay một “đại gia” nào đó được đăng lên mạng xã hội sẽ đẩy giá trị của vàng lên mức cao hơn bởi sự bình phẩm, phán xét của cộng đồng. Khi đó, vàng đã mang mã kí hiệu cho những giá trị khác chứ không chỉ là vật chất bình thường.

Nhưng, cuộc sống còn có những giá trị bền vững khác ở ngay xung quanh chúng ta liệu bạn có nhận ra. Thay vì ngóng theo những con số, than vãn, hãy nắm bắt những tài nguyên, những cơ hội để làm giàu có thêm cuộc sống của mình cả ở phương diện vật chất và tinh thần. Còn với một người thông minh, anh ta sẽ nhận ra: điều quý giá hơn cả vàng là hướng đi trong cuộc sống. Bạn sẽ sống sao cho có ý nghĩa, bạn sẽ được thụ hưởng cả giá trị vật chất, tinh thần từ sự văn minh, tiến bộ, bền vững của xã hội như thế nào. Lượng vàng mà bạn sở hữu sẽ không thay thế được những điều đó.

Chúng ta đều biết: một kĩ sư IT tài năng nhưng sa chân vào con đường “chuyên lăng-xê "gái ngành" trên web đen”, có không ít thầy giáo giỏi phạm tội sửa điểm bài thi, hay bác sĩ nổi tiếng trở thành bị cáo trong phiên tòa..., những điều đáng tiếc ấy nói lên vai trò của tư tưởng, lập trường, của quan niệm khi lập thân của mỗi người: Anh có đứng từ lập trường của người công dân có trách nhiệm, có hướng đến lợi ích hài hòa giữa cá nhân và tập thể hay anh chỉ nghĩ đến lợi ích, đến tư hữu.

Nhân khi đọc một bài báo trên Vnexpress.net của tác giả Trần Thế Công, người viết nhận ra quan niệm về lợi ích giữa cá nhân và cộng đồng hôm nay cần được hiểu linh hoạt, đúng đắn hơn: “Từ trải nghiệm cá nhân, tôi thấy không phải người nhiều tiền thì có văn hóa hơn người khác, và ngược lại. Tương tự, không phải các quốc gia giàu có thì văn hóa phát triển hơn. Cho nên, ngay cả khi chúng ta có ý chí và sẵn sàng đổ nhiều tiền vào phát triển văn hóa thì như thế cũng là chưa đủ. Tiền bạc có thể giúp con người đi du lịch nhiều nơi, nếm trải nhiều thứ, nhưng không có nghĩa là người đó biết tận hưởng và trở nên văn hóa hơn. Trong một số tình huống, có nhiều tiền lại khiến con người phô bày ra sự khiếm khuyết ở họ, thậm chí phá đi không gian văn hóa những nơi họ chạm đến”.

Bảng giá trị sống không còn là câu chuyện mới nhưng làm sao để áp dụng vào thực tiễn mới là cái khó vì nó luôn là một trạng thái “động”. Bởi, với hôm nay, trong hoàn cảnh này nó đem lại những lợi ích nhưng với ngày mai nó sẽ là lỗi thời nếu không thay đổi. Cách đây hai thập niên, chỉ cần “xách ba lô lên và đi” đã là một sự thú vị. Giờ đây, sự xê dịch nào cũng cần đặt trong mối tương quan với những lợi ích thiết thực như: bảo vệ môi trường xanh bền vững, với cải thiện về sức khỏe, tâm lý, du lịch với khám phá các giá trị văn hóa, lịch sử, tâm linh... Hay, nói cách khác, du lịch hôm nay không chỉ là đi thật xa mà thực sự là cuộc thám hiểm chính tâm hồn mình xem chúng ta đã có được những gì?

giá trị của văn hóa luôn là câu hỏi đặt ra với chúng ta trong mọi thời điểm-ảnh internet.jpg -0
Giá trị của văn hóa luôn là câu hỏi đặt ra với chúng ta trong mọi thời điểm.

Hành trình đi tìm những giá trị cho riêng mình không hề dễ dàng như khi bạn order một món đồ hay bước vào một trải nghiệm. Jim Rohn (1930-2009) từng nói: “Giá trị lớn nhất trong đời không phải là thứ bạn nhận được. Giá trị lớn nhất trong đời là con người bạn trở thành. Đó là lý do vì sao tôi muốn trả giá tốt cho mọi giá trị. Nếu tôi phải trả giá để có được nó, nó làm được gì đó cho con người tôi. Nếu tôi nhận được nó miễn phí, nó chẳng làm được gì cho con người tôi”. Sự trả giá mà doanh nhân người Mỹ nhắc đến chính là giá trị mà chính chúng ta tạo ra với bản thân và xã hội. Sự tồn tại của nó hết sức linh hoạt và đa dạng, ngay chính những gì tưởng quen thuộc nhất.

Một người bạn than vãn với tôi vì phải với nháy mắt, quay sang trái, sang phải hay mỉm cười... để xác minh là chính mình. Thực ra, việc công nghệ nhận diện khuôn mặt (FRT) đang được ứng dụng mạnh mẽ để xác minh tính chính danh của con người là bước tiến quan trọng. Đây là bước tiến của công nghệ, tựa như một ổ khóa tinh vi để bảo vệ con người trước sự giả mạo, xâm nhập chứ không mang ý nghĩa gì về mặt y học hay nghệ thuật. Dữ liệu mà FRT tạm thời không phải là sự quan tâm của bác sĩ và họa sĩ mà có vai trò quan trọng để phát hiện các hành vi lừa đảo. Không thể chỉ có tuyên truyền, chỉ có lần theo dấu vết tội phạm mà còn cần có một công nghệ đảm bảo tính minh bạch của người sở hữu.

giá trị sống với nhiều thước đo chứ không chỉ đơn thuần vật chất-ảnh internet.jpg -2
Giá trị sống có nhiều thước đo chứ không chỉ đơn thuần là vật chất.

Tính minh bạch đó chính là những giá trị mà bạn đã phải trả giá mới có được như sức lao động, sự sáng tạo: “Điều đáng lưu ý là công nghệ không chỉ thay đổi cách chúng ta tương tác và sống mà còn phản ánh các giá trị, niềm tin và giả định xã hội của chúng ta. Mỗi công nghệ được phát triển và triển khai đều mang trong nó các lựa chọn và quyết định của con người, từ đó hình thành một bức tranh về những gì chúng ta coi trọng và mong muốn trong xã hội” (theo: Ngô Nguyễn Thảo Vy, Tạp chí Tia sáng).

Nếu được chọn những từ đắt giá nhất trong đoạn văn của tác giả trên, người viết xin chọn: “Coi trọng và mong muốn trong xã hội”. Đúng vậy, sự mong muốn và coi trọng của xã hội phản ánh giá trị mà xã hội thừa nhận. Giá trị ấy có thể được kế thừa từ truyền thống và biến đổi theo hoàn cảnh hoặc một giá trị hoàn toàn mới.

Quay lại với câu chuyện về giá vàng trên tấm bảng của 34 năm trước, bạn có thể nhận ra sự khác biệt rất lớn nếu tương quan với giá trị nhà đất, xe hơi và các mức giá sinh hoạt khác. Duy có điều, có những giá trị không thể dựa trên sự đối sánh với thứ kim loại đắt giá này, không phụ thuộc vào thời gian đó là những giá trị của cuộc sống. Một giá trị mà bản thân chỉ có thể cảm nhận bằng sự thành ý của mình...

Thu Trang
.
.