Giá trị của hệ giá trị

Thứ Năm, 01/12/2022, 20:19

Hội thảo quốc gia: "Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới" diễn ra vào ngày 29/11/2022, tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế, số 11 Lê Hồng Phong, quận Ba Đình, Hà Nội, bằng hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến. Sự kiện này thu hút được sự quan tâm của nhiều người, góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm với gia đình, xã hội, đây còn là một sự khẳng định giá trị đích thực của chính những hệ giá trị này trong đời sống.

Giá trị văn hóa (cultural value) là những giá trị cốt lõi của nền văn hóa đó, trước những sự tác động, trước sự biến đổi vẫn có tính bền vững. Tuy nhiên, hệ giá trị (value system) hay còn gọi là bảng giá trị ít nhiều vẫn bị biến đổi do ảnh hưởng từ thay đổi về cơ cấu kinh kế, do quá trình hội nhập, tiếp thu các giá trị văn hóa mới từ bên ngoài. Vậy đâu là giá trị của chính các hệ giá trị đó, nó có thật sự cần thiết cho mỗi con người chúng ta trong đời sống hay chỉ dừng ở những lí thuyết, những lí luận? Con người sống có cần nghĩ đến những giá trị, có bảng giá trị cho riêng mình hay chỉ cần chạy theo các trend và cảm tính nhất thời…

img-2525-4388.jpg -0
Phiên thảo luận thứ nhất sáng 29/11 tập trung làm rõ “Hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới.

Một sự kiện gần đây được báo chí đưa tin là: Ngay trong chiều 25/11/2022, Viện Kiểm sát nhân dân TP. Hồ Chí Minh đã đề nghị mức án tử hình đối với bị cáo Nguyễn Võ Quỳnh Trang - người đã hành hạ, đánh đập bé gái 8 tuổi đến chết. Đây là mức án thuyết phục, không chỉ trừng phạt kẻ có tội và răn đe những người đã và đang hành hạ trẻ em cả về thể xác lẫn tinh thần. Thế nhưng, trong vụ việc này, bên cạnh đó còn một câu chuyện khác: Ngoài mức án mà bị cáo Nguyễn Kim Trung Thái, cha ruột của nạn nhân phải chịu (bị đề nghị hình phạt 6 - 8 năm tù), còn có một khía cạnh thứ hai mà những người có lương tâm vẫn đang trăn trở: Vì sao cha ruột không thương xót, bảo vệ con mình mà lại đồng lõa với kẻ thủ ác?

Điều đáng nói ở đây là thứ tội ác này làm mất đi giá trị của gia đình mà tưởng như đã rất bền vững. Xưa nay, tình phụ - tử, tình đồng loại là giá trị xuyên suốt từ cổ chí kim, từ Đông sang Tây, bởi thế bất luận là lí do gì người làm cha này cũng  không thể chối cãi được sự bất nhân đó. Nói đến đây, người viết chợt có một suy cảm: phải chăng, hệ giá trị còn là một "bộ luật" trong lương tri của mỗi người - đó là giá trị thiết thực, mang tính cấp thiết mà Hội thảo quốc gia đã khẳng định thêm một lần nữa.

Suy cho cùng, lương tri, lương tâm, thái độ ứng xử hay cái tâm, cái tầm… của một con người cũng được thiết lập dựa trên nền tảng văn hóa. Trong đời sống, không ai trong chúng ta tránh khỏi: ái, ố, hỷ, nộ, ai, lạc… những cung bậc cảm xúc để ứng xử và duy trì sự gắn kết với cộng đồng. Nhưng vui thế nào, tức giận ra sao, ghét đến đâu… lại phụ thuộc vào cái tầm văn hóa đó ở từng con người cụ thể, trong những hoàn cảnh cụ thể.

Nhắc đến điều này, người viết nhớ đến những gì mà GS, TSKH Vũ Minh Giang đã từng phân tích trong chương trình tọa đàm: "Xây dựng thế trận lòng dân trong bảo vệ và phát triển đất nước". Ông nói: "Trở lại câu chuyện kháng chiến chống Pháp, tôi có may mắn được chứng kiến, học hỏi trực tiếp với Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đại tướng có nói rằng, các nhà sử học đừng bao giờ đánh giá thấp tướng lĩnh của các quốc gia xâm lược mình, họ rất giỏi, họ tính toán không chệch đi đâu nhưng chỉ có điều, họ không hiểu được người dân Việt Nam. Chẳng hạn như chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy, làm sao bằng những lý thuyết quân sự hoàn chỉnh của họ hiểu được rằng chúng ta đã giải quyết bài toán hậu cần và hậu phương thông qua hàng vạn cái xe đạp, không có tài liệu nào, không có sách vở nào, trường lớp nào dạy như thế. Cái đó là ta đi trên đôi chân của mình, bằng cách của mình, văn hóa của mình".

Điều mà cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nhắc nhở: "Đừng bao giờ đánh giá thấp tướng lĩnh của các quốc gia xâm lược mình" và chỉ ra nguyên nhân thất bại: "Họ không hiểu được người dân Việt Nam" đó là một sự lí giải thuyết phục nhất về giá trị Việt Nam. Chính hệ giá trị đã làm nên phẩm chất anh hùng, sự kiên cường và sức mạnh Việt Nam chứ không phải chỉ có sức mạnh về quốc phòng.

Hệ giá trị cũng không chỉ giới hạn ở việc bảo tồn, gìn giữ những nét truyền thống hay thận trọng, tinh tế sàng lọc, lựa chọn những yếu tố mới… mà còn thể hiện ở khát vọng phát triển đất nước. Khát vọng vốn dĩ thuộc về tinh thần nhưng phải được tạo dựng từ nền tảng vững chắc từ hạ tầng đồng bộ, hiện đại, tạo đà phát triển, ứng phó với các biến động của khu vực và thế giới và điều quan trọng nhất là tạo ra những lợi ích để nhân dân thụ hưởng.

cần xây dựng hệ giá trị trong thời đại mới-nguồn ảnh hội đồng  lý luận trung ương.jpg -0
Cần xây dựng hệ giá trị trong thời đại mới.

Cụ thế, với bối cảnh hôm nay, đó là các nội dung: "Tập trung đầu tư phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, các nền tảng số như: mạng 5G, trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big data), điện toán đám mây (Cloud Computing), Internet vạn vật (IoT), chuỗi khối (Blockchain)…; nghiên cứu về mạng 6G và điện toán lượng tử... là những công nghệ dẫn dắt trong tương lai gần. Việc phát triển nhanh các nền tảng số trên và ứng dụng rộng rãi trong chuyển đổi số là tiền đề cho nền kinh tế Việt Nam có bước phát triển nhảy vọt, thay đổi về chất, tiến nhanh hơn trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Trước mắt cần tập trung đầu tư phát triển mạng 5G nhanh hơn nữa, tạo cơ sở nền tảng cho việc chuyển đổi số các ngành kinh tế, các cơ quan, doanh nghiệp cũng như các lĩnh vực của đời sống xã hội" ("Khát vọng phát triển đất nước" - Bài học nhìn từ thế giới và lịch sử phát triển Việt Nam - TS Nguyễn Thị Thế, Nguyễn Thị Phương Thảo).

Đến đây lại có một câu hỏi được đặt ra với chúng ta là: Làm sao để văn hóa tương xứng và hài hòa với sự phát triển kinh tế, xã hội; làm sao để các tiện ích khoa học kĩ thuật đem lại giá trị nhân văn, không bị lệch hướng, không trở thành phương tiện để phục vụ cho các hành động phản văn hóa?

Thật ra sự lo lắng, trăn trở này đã được đề cập đến khi bàn về mặt trái của kinh tế thị trường, đặc biệt là ở phương diện văn hóa. Mặt trái ấy đã tạo ra lối sống thực dụng, ích kỉ, sẵn sàng chà đạp lên tình nghĩa gia đình, quan hệ thầy trò, đồng chí, đồng nghiệp, hàng xóm láng giềng… làm suy giảm các giá trị văn hóa như: sự tương thân, tương ái, lòng vị tha, bao dung… Đồng tiền không chỉ chi phối đến mối quan hệ giữa người với người mà còn tạo ra lối sống hưởng thụ, thực dụng, xa hoa lãng phí ở một bộ phận không nhỏ trong cộng đồng.

Để tìm ra giải pháp nâng cao đời sống văn hóa, khẳng định vị thế của hệ giá trị phải cần đến nhiều biện pháp đồng bộ. Trong đó, việc xác định nội hàm của hệ giá trị là rất cần thiết để xác định giá trị thực tiễn của các giá trị đó, đâu là cốt lõi phải kiên định gìn giữ cho muốn đời sau và có chiến lược phát triển các ngành xã hội nhân văn để tạo ra nền tảng tri thức. Hệ giá trị cũng cần dựa trên chính sự hiểu biết, kinh nghiệm qua trải nghiệm của từng cá nhân để có thể lưu giữ và đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước như một thứ tài nguyên quý giá của mỗi quốc gia…

Việt Phương
.
.