Gameshow hài đi vào ngõ cụt

Thứ Sáu, 26/04/2024, 09:09

Một thời tung hoành với vô số gameshow lớn nhỏ, hài kịch trên truyền hình giờ đây thoi thóp trước "bão" gameshow ngoại nhập mới mẻ. Ngoài hàng loạt gameshow hài bị khai tử, số chương trình còn sót lại cũng dần bị khán giả quay lưng vì chất lượng thảm hại.

Một trong số gameshow hài hiếm hoi còn cầm cự trên màn ảnh nhỏ hiện nay là "Cười xuyên Việt". Những mùa đầu, "Cười xuyên Việt" được khán giả hưởng ứng nhiệt liệt bởi loạt tiểu phẩm xuất sắc, phát hiện không ít "cây hài" duyên dáng, đa sắc màu. Những tên tuổi thành danh bây giờ như Lê Dương Bảo Lâm, Võ Tấn Phát, Dương Thanh Vàng, Mạc Văn Khoa, Hữu Tín, Lê Trang, Hồng Thanh, Ngọc Phước... đều được phát hiện và trưởng thành từ chương trình này.

Thành công của phiên bản dành cho mọi thí sinh, về sau chương trình phát triển nhiều phiên bản dành cho nghệ sĩ trẻ, cho hội nhóm, từ đó tìm kiếm các tài năng hài mới nổi. Nhưng, đến nay, "Cười xuyên Việt" đang tự đánh mất tiêu chí của chính mình bởi những trò chơi nhảm nhí, tiểu phẩm nhạt nhẽo.

Gameshow hài đi vào ngõ cụt -0
“Cười xuyên Việt” 2024 giống gameshow trò chơi hơn là chương trình tìm kiếm tài năng hài.

Mùa giải năm 2024, "Cười xuyên Việt" được khán giả kỳ vọng rất lớn bởi chương trình gần như không còn đối thủ, lại là mùa giải quy tụ đông đảo thí sinh nhất từ trước đến nay. Họ là những gương mặt trẻ nổi bật ở nhiều lĩnh vực như ca hát, diễn xuất, dẫn chương trình, thể thao... Khác với các mùa trước, ngoài biểu diễn tiểu phẩm hài ngắn 100 giây, 8 đội còn phải chơi các trò chơi như so tài thổi nến, thu hoạch, bịt mắt bắt gà, thăng bằng chéo... Tiểu phẩm xoáy sâu vào các vấn đề xã hội, mong muốn đem lại tiếng cười sâu sắc, đầy chiêm nghiệm cho khán giả.

Kỳ vọng bao nhiêu để rồi chương trình lên sóng, khán giả phải ôm mặt thất vọng bấy nhiêu. Nếu những tập đầu cho thấy sự lê thê, nhạt nhẽo của phần giới thiệu thí sinh thì đến tập có tiểu phẩm hài, khán giả ngao ngán bởi kịch bản hời hợt, diễn xuất gượng gạo, lố bịch. Xuyên suốt vở diễn, công chúng không thể cười nổi vì không có mảng miếng nào gây cười. Có vẻ như người chơi diễn cho có chứ không đầu tư vào vở diễn. Phần trò chơi cũng ì xèo, nhảm nhí khiến khán giả la ó: "Làm riết chương trình như gameshow trò chơi, đâu thấy kiếm tài năng hài gì đâu trời, mất hết hình ảnh một cuộc thi tìm kiếm tài năng".

Tình cảnh của "Cười xuyên Việt" là khó khăn chung của chương trình hài trên truyền hình hiện nay khiến chúng lần lượt khai tử. Cách đây khoảng 6 năm, gameshow hài được coi như miếng mồi câu béo bở thu hút khán giả. Hàng loạt chương trình thi nhau ra mắt với đủ định dạng khác nhau dành cho thí sinh là người nổi tiếng lẫn không nổi tiếng như "Ơn giời, cậu đây rồi", "Bí mật đêm Chủ nhật", "Tài tiếu tuyệt", "Hội ngộ danh hài", "Hội quán tiếu lâm", "Thách thức danh hài", "Đấu trường tiếu lâm"...

Thời ấy, nhắc đến các danh hài làm mưa làm gió trên màn ảnh nhỏ không thể không nhắc đến Hoài Linh, Trấn Thành, Việt Hương, Xuân Bắc, Tự Long, Trường Giang, Chí Tài... Sân khấu thiếu điểm diễn, ế vé, catse bèo bọt khiến các danh hài lẫn gương mặt mới toanh ồ ạt đầu quân cho đài truyền hình. Khán giả chỉ cần ngồi ở nhà, không tốn tiền mua vé vẫn được xem các nghệ sĩ hài từ Nam chí Bắc tung hứng từ kênh này sang kênh khác.

Có người cho rằng truyền hình đã làm nên thời kỳ hoàng kim cho các danh hài. Ngoài hài kịch truyền hình, đóng phim hài, họ còn được ưu ái mời vào vị trí giám khảo, MC và khách mời của các chương trình cần yếu tố hài hước. Hoài Linh là giám khảo chương trình "Ơn giời, cậu đây rồi", "Gương mặt thân quen", "Gương mặt thân quen nhí"... làm MC chương trình "Người xuyên tường", "Tôi là người chiến thắng"... Trường Giang làm giám khảo "Hoán đổi", "Thách thức danh hài", "Cười xuyên Việt"...

Hài kịch luôn là một thể loại khó, đòi hỏi đầu tư kịch mục, nội dung bài bản. Do chủ quan, đôi khi chính nghệ sĩ thấy mình diễn hay nhưng diễn trước công chúng, miếng hài trở nên "trớt quớt" vì không phù hợp thị hiếu khán giả hoặc "miếng" đã quá cũ. Nhiều tiết mục thậm chí không thể gọi là vở hài kịch mà chỉ có thể gọi là màn tấu hài vì nội dung hời hợt, mua vui là chính.

Nói như danh hài Chí Trung: "Hài trên truyền hình là hài xem miễn phí, hài "mậu dịch", ngay cả người thực hiện cũng chỉ coi là chuyện thoáng qua nên làm đơn giản, sơ sài. Rất ít chương trình được đầu tư kỹ càng. Có lẽ, chính quan niệm này tồn tại trong các nghệ sĩ hài nên những gì khán giả được thưởng thức quả là không chịu nổi".

Gameshow hài đi vào ngõ cụt -1
Gameshow “Làng hài mở hội” đã tạm ngưng phát sóng từ năm 2023.

Đa số hài kịch trên truyền hình là hài tình huống, do đó cách ứng biến của nghệ sĩ rất quan trọng. Cách đặt tình huống khiến họ phản ứng theo bản năng nghề nghiệp, thiếu chỗ cho những sáng tạo thấu đáo, mang tính đột phá, đầu tư kỹ lưỡng. Dù tài ba, khéo léo đến đâu họ cũng dễ lặp lại mình hoặc dễ dãi cho qua. Những câu nói, biểu cảm, chiêu trò gây cười của mỗi người, khán giả bắt đầu thuộc làu. Hiểu được điều đó, chính họ phải làm lố để khán giả cười, thậm chí tự mình cười. Nổi bật rõ nhất là "Thách thức danh hài", nhiều thí sinh chưa kịp mở miệng diễn trò, Trường Giang và Việt Hương đã cười lăn cười bò. 

Bấy giờ mặt trái của gameshow hài dần lộ diện, nhưng tại sao lượng người xem các chương trình này không hề suy giảm, danh hài vẫn hái ra tiền? Có đạo diễn phân tích: "Dù xem thấy lố, nhưng vui vui thì khán giả vẫn xem cho đỡ stress vì họ không còn sự chọn lựa". NSND Hồng Vân từng chia sẻ: "Tiếng cười luôn được người xứ mình coi trọng nên ông bà mình mới có câu "Một nụ cười bằng mười thang thuốc bổ". Sau một ngày dài làm việc mệt mỏi, người ta thường muốn đón nhận những gì tươi vui, nhẹ nhàng chứ không muốn xem quá nhiều điều u ám, nặng đầu. Gameshow hài thu hút người xem bởi đáp ứng được nhu cầu giải trí của phần đông khán giả".

Tuy vậy, chỉ vài năm sau, khi các chương trình lĩnh vực khác phong phú hơn đổ bộ thì gameshow hài dần mất đất. Nhà sản xuất cố gắng làm mới hài truyền hình bằng cách yêu cầu thí sinh, nghệ sĩ diễn trên sân khấu nằm, sân khấu nghiêng. Song, hình thức mới không thể cứu vãn nội dung khi mảng miếng liên tục lặp lại và trò lố nhảm nhí không ngừng gia tăng. Việc lên ngôi quán quân của thí sinh thường xuyên lạm dụng từ ngữ thô tục như Tấn Lợi trong "Thách thức danh hài" cũng khiến người xem thất vọng và quay lưng. Vấn nạn hài nhảm khiến tỷ suất người xem giảm sút nghiêm trọng. Loạt chương trình oanh liệt một thời như "Thách thức danh hài", "Làng hài mở hội", "Ơn giời, cậu đây rồi", "Bí mật đêm Chủ nhật", "Tài tiếu tuyệt", "Hội ngộ danh hài", "Hội quán tiếu lâm"... lần lượt tạm ngưng phát sóng mà không hẹn ngày tái ngộ.

Nghệ sĩ Việt Hương từng phân trần khi bị khán giả "ném đá" một số phần trình diễn phản cảm trong "Ơn giời, cậu đây rồi": "Mục tiêu của chương trình là giải trí. Chúng tôi làm dâu trăm họ, không thể vừa lòng được tất cả mọi người. Các tiết mục hoàn toàn không có kịch bản nên sự nhanh nhẹn, thông minh, hài hước của khách mời quyết định đến thành bại của mỗi tiết mục". Đồng ý rằng chương trình chỉ thuần giải trí nhưng giải trí phải văn minh. Chiêu trò nếu có cũng phải cân nhắc, không vì đồng tiền mà coi thường khán giả, bất chấp tất cả. Khán giả không thể mãi chấp nhận tiếng cười bị "nặn" từ điệu bộ ẻo lả, lố bịch của người đồng tính hoặc khiếm khuyết cơ thể hay cử chỉ, hành động khiêu dâm, dung tục. Tiếng cười khi ấy không chỉ trở nên tầm thường, dễ dãi mà còn quá bất nhẫn.

Hài vẫn là món ăn tinh thần quý giá với khán giả. Nhưng, trước hết, họ cần một món ăn "sạch", rồi hãy nói đến "ngon". Bằng không, chẳng giọt nước mắt nào xót thương trước sự thoi thóp của một gameshow vô bổ, thậm chí là độc hại.

Mai Quỳnh Nga
.
.