Đừng kiếm tiền trên nỗi đau người khác

Thứ Sáu, 27/05/2016, 12:07
Cách đây khoảng một tháng, trên một trang tin điện tử có đăng tải một bài báo thuật lại vụ tai nạn giao thông trong hầm Thủ Thiêm, TP. Hồ Chí Minh, với hình ảnh video đính kèm để minh họa. Đây là một vụ tai nạn bi thảm, khi chiếc xe tải mất lái đâm vào nhóm công nhân công trình đô thị đang dọn dẹp vệ sinh trong đường hầm...


Sẽ không có gì phải bàn đến nếu như đó chỉ là một bài báo thông thường ở thời đại đa phương tiện này. Nhưng, điều đáng sợ là khi ta xem lại video ấy, ta sẽ nhận ra ngay, rất dễ thôi, mở đầu video là một quảng cáo cho một sản phẩm gia dụng của một hãng danh tiếng.

Điều đáng sợ ấy nhiều khi chúng ta không kịp nghĩ về nó bởi đơn giản, sự tò mò đang thôi thúc chúng ta quan sát diễn biến của sự việc. Nhưng nếu sống chậm lại một chút, ta sẽ hiểu rằng đang có rất nhiều video tương tự như vậy, trên các trang thông tin điện tử, báo điện tử, nền tảng cung cấp nội dung số… được đính kèm với các quảng cáo thương mại. Và tất cả những gì chúng ta rút ra từ đó là gì đây, ngoài một nhận xét con người càng trở nên nhẫn tâm hơn, biến tất cả thành món hàng, không chừa bất kỳ thứ gì, kể cả sự bi thảm, miễn là chúng mang lại lợi ích tài chính cho mình.

Ở giai đoạn bùng nổ thông tin được số hóa như hôm nay, nội dung thực sự là một mặt hàng bán chạy, được đong, đo, đếm bằng lượt xem, bằng lượng chia sẻ và bằng cả số lượng những bình luận kèm theo nó. Ngành kinh doanh nội dung kỹ thuật số đang trở nên thời thượng, và hứa hẹn, nhất là khi bắt đầu hình thành xu hướng “quảng cáo ngoài trời không còn trở nên quan trọng nữa vì thời gian thị giác mỗi ngày của một con người được dành cho màn hình máy tính cá nhân, màn hình máy tính bảng, màn hình điện thoại thông minh nhiều hơn là những cảnh quan thực bên ngoài đời sống”.

Và sự hứa hẹn của ngành được coi là mới mẻ ấy đã khiến cho số lượng các công ty nhảy vào kinh doanh nội dung số ngày một bùng nổ đến mức thậm chí có những người không hoàn toàn hiểu thế nào là OTT, là nội dung số và bản chất thị trường nội dung số cũng lao vào đầu tư với kỳ vọng thị trường ấy mang lại lợi nhuận không khác gì thị trường bất động sản, chứng khoán một thời.

Thực chất, nội dung số và sự đa dạng của nội dung số đã khiến con người ngày một khiến mình lao vào cuộc “tắc nghẽn giao thông” trên mạng một cách thường xuyên hơn, mất thời gian hàng ngày hơn. Sự quan tâm, tò mò về những gì đang diễn ra xung quanh mình đã được thỏa mãn, đáp ứng bằng những phương tiện đa dạng hơn, chứ không còn đơn giản và nhàm chán bằng những con chữ của những bài báo như thời cổ điển nữa. Tất cả những gì có thể giúp nội dung số trở nên hấp dẫn hơn, dễ tiếp cận hơn đều được tận dụng một cách triệt để.

Người xem bắt đầu quen dần với khái niệm thông tin được chuyển tải bằng video, thứ dễ củng cố độ tin cậy của thông tin hơn là những câu chuyện được kể bằng từ ngữ hay đính kèm các bức ảnh không chuyển động. Và với việc ai cũng có thể được trang bị một máy quay phim không chuyên nghiệp, nhờ các camera tích hợp với điện thoại thông minh, nhờ vào các camera hành trình…, khối lượng nội dung video được sản xuất ra hàng ngày là không thể hình dung nổi.

Trong cuộc cạnh tranh khốc liệt của nội dung nào hấp dẫn, ăn khách hơn ấy, ngành quảng cáo tất nhiên không thể đứng ngoài cuộc. Họ nhận diện được những video đắt khách, những chủ nhân các kênh video nổi danh, đảm bảo lượng người xem có thể tính đến con số trăm ngàn trở lên và tìm cách để kinh doanh quảng cáo dựa trên những nội dung video như thế.

Và trước ngồn ngộn những nguồn cung cấp nội dung video, sự sàng lọc tất nhiên là lỏng lẻo và vai trò của kiểm duyệt cũng ngày một mờ nhạt hơn, trong khi việc luật hóa các quảng cáo online vẫn chưa bắt kịp được với tốc độ phát triển của thời đại. Và từ đó, dẫn tới hàng loạt những video được rao bán cho quảng cáo bất chấp câu chuyện trong video ấy là sự bi thảm.

Tất nhiên, sẽ có người phản bác rằng vẫn có những bộ phim, vở kịch… mà chủ đề của nó là những bi kịch rất bi thương vẫn được chèn thêm quảng cáo suốt nhiều thập niên nay trên truyền hình đó thôi, việc gì phải nâng tầm các câu chuyện liên quan đến những nội dung số kể trên như vậy. Song, đó sẽ là những phản bác ngụy biện với kiểu so sánh khiên cưỡng.

Các bộ phim, vở kịch có nội dung bi thương được trình chiếu kèm quảng cáo trên truyền hình nhiều năm nay dẫu sao vẫn chỉ là các sản phẩm văn hóa mà tấn bi kịch trong đó được sáng tạo bởi sự tưởng tượng của con người. Còn với các nội dung số hôm nay, đó là thực tế, với những câu chuyện bi thảm có thật, và những nạn nhân có thật.

Đã đến lúc phải có những hành động cụ thể, phải có các thiết chế bằng công cụ pháp luật để xây dựng lại tính người, trước khi việc kiếm lợi trên thảm kịch xã hội trở thành một thói quen khó chữa... 

Hà Quang Minh
.
.