Đừng để thần tượng lạm dụng
Việc Quang Linh Vlogs và Hằng “du mục” bị khởi tố theo Điều 193 và 198 Bộ luật Hình sự cho thấy một vấn đề của xã hội hiện đại hôm nay. Đó chính là cá nhân có thể xây dựng danh tiếng (nhờ mạng xã hội) mà không cần có tài năng xuất chúng như ngày xưa và kéo theo đó, có thể có được sự ủng hộ của một cộng đồng lớn, nhưng nếu lạm dụng cộng đồng, cái giá phải trả sẽ rất đắt.
Nếu như hai chục năm trước, một nghệ sĩ vấp ngã, dính bê bối nào đó, thời gian có thể nguôi ngoai và họ có thể quay trở lại chinh phục khán giả nhờ vào tài năng thì thời hiện tại, việc một người nổi tiếng nhờ mạng xã hội làm điều đi ngược lại với đạo đức, hoặc vi phạm pháp luật gây tổn hại tới cộng đồng, họ khó có khả năng lấy lại danh tiếng. Đơn giản, cái họ mất đi là thứ duy nhất họ có: uy tín. Mất uy tín nhưng không có tài năng đặc biệt, khả năng trở lại chỉ là số không.

Nhưng, trước khi Quang Linh Vlogs và Hằng “du mục” bị khởi tố, có một sự việc mà có thể chúng ta không để ý nhiều. Đó chính là khi những bài báo, những phóng sự đầu tiên nói về sai phạm của họ đã có những phóng viên bị chính đám đông hâm mộ hai nhân vật kể trên tấn công trên mạng. Đỉnh điểm là vụ biên tập viên Sơn Lâm của VTV bị tấn công tới mức phải tạm giới hạn tài khoản của mình.
Và, đó không phải lần duy nhất những người lên tiếng bảo vệ lẽ phải bị đám đông “fans cuồng” tấn công. Chính những tấn công đó đôi khi lại khiến những người của công chúng ỉ lại, cho rằng mình có sức mạnh. Ở chiều ngược lại, những người hâm mộ nhiều khi không biết chính mình đã bị lạm dụng làm công cụ của một số người nổi tiếng khi họ muốn dẫn dụ câu chuyện đi theo hướng có lợi cho mình.
Ngay trước khi thông tin Quang Linh Vlogs và Hằng “du mục” bị khởi tố được công bố chính thức, một tờ báo đã phải công khai đăng đàn kêu khổ khi bị lực lượng “ủng hộ viên say đòn” của một nữ ca sĩ tấn công liên tục sau khi tờ báo ấy có loạt bài phê phán nội dung âm nhạc dễ dãi mà một sản phẩm của nữ ca sĩ ấy được xem là ví dụ điển hình.
Câu chuyện này thực ra không của riêng ai. Nhiều nhà báo, phóng viên đã phải chịu “mưa gạch đá”, thậm chí là khủng bố tinh thần khi lên tiếng phê phán cái sai mà chủ thể của cái sai đó là người nổi tiếng. Có những trường hợp chưa cần phải phê phán cái sai mà chỉ là phê bình khách quan (không khen ngợi hết lời) một sản phẩm của người nổi tiếng thôi, nhà báo, phóng viên, nhà phê bình đã bị “tế” đến cả mấy họ, mấy đời.
Chúng ta hâm mộ một ai đó cũng là lẽ thường và cũng là tình cảm chính đáng. Nhưng, hâm mộ tới mức độ xem họ như lẽ sống của mình, bất chấp lý lẽ thì e rằng đó là sự mù quáng. Đặc biệt, khi sự mù quáng ấy lại là cơ sở để chính thần tượng của mình đưa mình vào tròng, trực tiếp hay gián tiếp, chúng ta nên tự trách bản thân mình trước. Để họ dễ dàng lạm dụng mình, không biết tự bảo vệ chính mình, làm sao mình có thể có năng lực bảo vệ những người mình yêu mến đây?