Đừng để "chết" khi đi tìm "miền đất hứa"

Thứ Năm, 07/07/2022, 07:22

Trong tuần qua, Công an tỉnh Đồng Nai phối hợp với Công an TP Hồ Chí Minh, Long An triệt phá thành công đường dây tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài trái phép. Nhóm này đã cấu kết với một số người nước ngoài tổ chức đưa gần 200 người sang Campuchia.

Một số người được giải cứu trở về đã kể lại: Qua một số trang mạng xã hội, họ đọc được những dòng quảng cáo tuyển người sang Campuchia lao động “việc nhẹ, lương cao”, mà không hề biết đang rơi vào “bẫy” của những đường dây buôn người, khi biết ra thì đã quá muộn.

Sau khi sang Campuchia, họ bị đưa vào làm việc tại các casino, tham gia vào các trang mạng do người Trung Quốc quản lý để tuyển cộng tác viên trên các sàn thương mại điện tử giả mạo, kêu gọi đầu tư vào các sàn tiền ảo, giả vai nhân viên các cơ quan Nhà nước… gọi điện thoại về Việt Nam để lừa đảo.

Đừng để
Một nạn nhân bị lừa bán sang Campuchia đang trình báo sự việc với cơ quan Công an.

Các nạn nhân được giao chỉ tiêu và phải đạt doanh thu hàng tháng, nếu không đạt yêu cầu, họ bị phạt, bị đánh đập, bỏ đói, bán sang cho chủ khác hoặc buộc phải gọi điện về cho gia đình để chuộc mình. Nhiều người gia đình ở Việt Nam nghèo khó không có điều kiện lo tiền chuộc người thân nên các nạn nhân vẫn phải cắn răng chịu đựng mong giữ được mạng sống, nuôi hy vọng có ngày về.

Chúng ta chưa thể nào quên hình ảnh 39 người Việt Nam chết cóng trong thùng xe container khi tìm cách nhập cảnh trái phép vào Anh, xảy ra cuối năm 2019 đã gây chấn động cả thế giới. Giấc mơ cùng những khao khát ra đi tìm "miền đất hứa" của họ đã khép lại nhưng nỗi đau của những người thân thì còn mãi.

Đã có nhiều gia đình bỏ tiền cho người thân bỏ trốn ra nước ngoài rồi sau đó người thân bị mất tích, nợ chồng nợ, khổ càng thêm khổ. Đây là lời cảnh tỉnh cho những ai muốn ra nước ngoài theo kiểu đi chui như vậy. Tuổi trẻ ai cũng có hoài bão ước mơ, nhưng hãy sống thực tế hơn đi, bởi không trình độ, không năng lực, lười biếng thì dù bạn có sống ở đâu cũng vẫn khó khăn, cơ cực mà thôi. Ở phương trời xa, người lao động Việt Nam ngày đêm phải đánh đổi mồ hôi, nước mắt để kiếm tiền gửi về. Việc kiếm sống chưa bao giờ là dễ dàng ngay cả trên đất khách quê người.

Phải khẳng định rằng, không chỉ ở nước ngoài, mà ngay cả ở Việt Nam có “việc nhẹ, lương cao”, nhưng bắt buộc người lao động phải có tri thức, chuyên môn kỹ thuật giỏi, có tay nghề cao thì mới có thu nhập và cuộc sống tốt được. Còn người không có trình độ, không có năng lực mà lại đòi “việc nhẹ, lương cao”, thì chỉ có đi buôn lậu, làm ăn phi pháp...

Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương và tổ chức thực hiện tương đối hiệu quả về hoạt động xuất khẩu lao động thì việc đưa người ra nước ngoài làm việc là con đường xóa đói, giảm nghèo nhanh và bền vững. Đây cũng là cách để lao động Việt Nam học hỏi, tiếp cận với môi trường, kỷ luật lao động tiên tiến nhằm giúp thay đổi những thói quen lao động tự do, trì trệ sau khi về nước.

Tự ý xuất cảnh đi lao động trái phép tại nước ngoài mà không thông qua các cơ quan, doanh nghiệp có chức năng xuất khẩu lao động thì quyền lợi của công dân thường không được bảo vệ. Mấy ai mường tượng được cuộc sống mưu sinh nơi đất khách, quê người khó khăn như thế nào? Người lao động trái phép luôn phải đối mặt với nhiều rủi ro, như: Bị chủ sử dụng lao động nước ngoài bóc lột sức lao động, cưỡng bức lao động, phải làm những công việc độc hại dễ dẫn đến ốm đau, tai nạn, nhiều trường hợp còn bị ngược đãi, đánh đập, nợ lương, quỵt lương, sống trong điều kiện sinh hoạt thiếu thốn, đánh đổi bằng tuổi trẻ, tương lai, hạnh phúc bản thân. Khi có đợt kiểm tra đột xuất của cơ quan chức năng sở tại, phải trốn chui, trốn lủi trong rừng hoặc các hầm chứa. Thậm chí có không ít người sa vào con đường phạm pháp, nghiện hút, tù tội.

Hiện nay, đã có nhiều hộ nông dân làm giàu trên chính mảnh đất của mình bằng những cách làm sáng tạo như: Chuyển đổi mô hình sản xuất, liên kết thành lập hợp tác xã, tổ hợp sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, tạo ra nhiều việc làm và thu nhập khá giả, ổn định. Công nhân làm việc trong các khu công nghiệp, chế xuất với mức lương 6 đến 10 triệu đồng/tháng không còn là chuyện lạ. Vậy, sao nhiều người vẫn mạo hiểm tính mạng của mình vậy nhỉ? Kiếm tiền là một chuyện nhưng không thể bất chấp cả mạng sống của mình được.

Có những con đường thật gần để đến với ấm no, hạnh phúc của những người yêu mảnh đất quê hương và cần cù, sáng tạo trong lao động. Nhưng cũng có những con đường thật xa để đến với sự giàu sang chỉ có ở trong mơ của những người ảo tưởng và lười biếng. Kiên trì học hỏi nâng cao kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp ổn định là phương pháp thoát nghèo bền vững. Cần cù bù thông minh cũng là một cách thoát nghèo. Nếu muốn làm giàu và có một cuộc sống ổn định thì xin hãy kiên trì học hỏi và lao động chăm chỉ thì ắt sẽ đạt được ước mơ.

Cù Tất Dũng
.
.