Đừng để bình mới, rượu cũ

Thứ Sáu, 17/12/2021, 21:41

Năm học 2021-2022,  lớp 2 và lớp 6 đã chuyển sang học bằng bộ sách giáo khoa mới. Việc này đã nằm trong lộ trình thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới. Với học sinh lớp 6, có nhiều môn học mới với cách tiếp cận theo hướng mở. Cả phụ huynh và học sinh đều nhận ra rằng, bộ sách mới thực sự là thách thức, đòi hỏi sự chủ động, sáng tạo của học sinh trong việc học.

Không những vậy, chương trình sách giáo khoa lớp 6 mới sẽ có một số môn học và hoạt động giáo dục lần đầu xuất hiện. Đó là môn: Lịch sử và Địa lí - tích hợp môn Lịch sử, Địa lí. Khoa học Tự nhiên - tích hợp môn Vật lí, Hóa học và Sinh học. Các môn học này sẽ thay cho các môn học đơn môn truyền thống trước đây là Lịch sử, Địa lý, Hóa học, Sinh học, Vật lý.

Phương pháp dạy học tích hợp được kỳ vọng sẽ giúp học sinh tiếp thu kiến thức tốt hơn và có sự thấu hiểu sâu sắc về bài học, không chỉ đơn giản là học thuộc lòng truyền thống, mà còn giúp các em hiểu bài một cách sâu sắc và có cái nhìn đa diện hơn về một nội dung kiến thức, đồng thời có thể xâu chuỗi, hệ thống kiến thức; học được nhiều kiến thức thực tiễn hơn với cùng một nội dung bài giảng và thời lượng tiết học; giúp các em dễ dàng vận dụng kiến thức đã học vào các nội dung thực hành và đời sống hàng ngày; tạo điều kiện cho học sinh rèn luyện các kỹ năng tư duy phản biện, logic, sáng tạo… tăng hứng thú cho học sinh chủ động tìm tòi, sáng tạo.

Ví dụ: Thông qua chiến thắng Bạch Đằng năm 938, các em không chỉ biết việc Ngô Quyền lợi dụng thủy triều, cho quân sĩ đóng cọc có bịt sắt nhọn xuống lòng sông. Khi thuỷ triều lên, bãi cọc không bị lộ, rồi nhử quân địch vào khu vực này và đợi nước triều rút xuống cho thuyền địch mắc cạn mới giao chiến đánh tan quân Nam Hán, đánh dấu đỉnh cao của nghệ thuật quân sự Việt Nam. Ngoài có thêm kiến thức lịch sử chống giặc ngoại xâm của ông cha ta, học sinh còn có thêm nhiều hiểu biết về kiến thức địa lý, về dòng sông Bạch Đằng, về con nước, thủy triều, về địa thế vùng đất xưa và nay…

Năm học 2021-2022 đã qua đi một nửa, phần lớn các trường vẫn chưa có giáo viên chuyên dạy các môn tích hợp, nên lúng túng trong việc bố trí, sắp xếp giáo viên, còn giáo viên cũng chưa thể bắt nhịp, chưa đáp ứng được yêu cầu dạy tích hợp. Môn Lịch sử và Địa lí vẫn có hai giáo viên đảm nhận. Môn Khoa học tự nhiên - tương ứng với phân môn Vật lý, Hóa học và Sinh học thì giáo viên môn nào vẫn dạy môn đó.

Bắt đầu từ giữa tháng 12 này, các em học sinh lớp 6 sẽ bước vào kỳ kiểm tra học kỳ 1, việc có tới 2 đến 3 giáo viên chịu trách nhiệm cho một môn học, vậy ai sẽ là người để tập hợp ra câu hỏi kiểm tra, rồi ai chịu trách nhiệm chính vào điểm, ai sẽ thông tin với cha mẹ học sinh, ghi nhận xét đánh giá trình độ, năng lực của các em…?

Sách giáo khoa mới đã được đưa vào giảng dạy, nhưng đến nay, các trường đào tạo ngành sư phạm mới chuyển hướng đào tạo dạy tích hợp với hai ngành là cử nhân sư phạm Khoa học tự nhiên và cử nhân sư phạm Lịch sử - Địa lý. Như vậy, phải 3 đến 4 năm nữa chúng ta mới có đội ngũ giáo viên đủ tiêu chuẩn để dạy tích hợp liên môn và theo đó lứa học sinh của vài năm tới vẫn chưa được hưởng trọn vẹn nền giáo dục mới.

Theo lộ trình cải tiến giáo dục trong những năm tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ phải tiếp tục thẩm định các bộ sách giáo khoa mới. Như vậy con đường chấn hưng nền giáo dục nước nhà vẫn còn đang ở phía trước. Về lâu dài, nhất là ở những khối lớp học cao hơn, cần có đội ngũ giáo viên được đào tạo bài bản, chính quy về nội dung dạy học tích hợp đạt chuẩn yêu cầu mới, nhằm đảm bảo để mỗi học sinh biết cách vận dụng kiến thức học được trong nhà trường vào các hoàn cảnh mới lạ, khó khăn, bất ngờ, qua đó trở thành một người công dân có trách nhiệm, một người lao động có năng lực.

Các cụ ta có câu "Không thầy đố mày làm nên". Dù sách vở có hay đến mấy nhưng không có thầy, cô giáo tốt để hướng dẫn, chỉ bảo thì con em của chúng ta khó mà có thể giỏi giang được. Không có thầy giỏi thì không có trò giỏi, đó là chân lý không thể chối cãi được.

Về tiêu chí, có thể nói sách giáo khoa mới là thành công mở đầu, là bước phát triển mới cho đổi mới giáo dục nước nhà. Tuy nhiên, các bậc phụ huynh chưa dứt được nỗi bận tâm về cách truyền thụ kiến thức theo kiểu "bình mới, rượu cũ". Đổi mới, cải cách giáo dục mà cứ quanh quẩn mãi chỗ cũ, chẳng hề tiến lên được bước nào thì nguy cơ sẽ càng tụt hậu xa hơn.

Cù Tất Dũng
.
.