Đừng chủ quan để phải trả giá đắt

Thứ Năm, 11/11/2021, 10:25

Cát Linh - Hà Đông, tuyến metro đầu tiên của Thủ đô và cả nước chính thức được đưa vào vận hành hoạt động. Dự án có thể được ghi vào lịch sử của ngành giao thông Việt Nam bởi rất nhiều kỷ lục đáng nhớ: qua 5 đời Bộ trưởng Giao thông - Vận tải, 12 lần lỡ hẹn, đội vốn khủng với mức đầu tư phê duyệt ban đầu là 8.769 tỷ đồng (tương đương 552 triệu USD), đến nay đã tăng lên 18.000 tỷ đồng (tương đương 868 triệu USD).

Trong ngày công bố hoạt động của đoàn tàu cách đây ít ngày, đại diện Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) cũng thẳng thắn thừa nhận có quá nhiều bài học từ dự án: Chuẩn bị đầu tư chưa tốt, khúc mắc trong giải phóng mặt bằng, thời gian thi công quá dài, đội vốn quá lớn… Bài học nào cũng đắt giá và có những bài học là do lỗi hoàn toàn chủ quan từ con người. Thế nhưng, trong các bài học đó lại không nghe nhắc tới trách nhiệm cụ thể là của ai, của cơ quan nào?

Ngày đầu đi vào vận hành, theo thống kê, đã có khoảng 40 nghìn người dân Thủ đô xếp hàng chen chúc lên tàu để được tham quan, trải nghiệm. Tâm lý háo hức trải nghiệm tàu đường sắt Cát Linh - Hà Đông là chuyện bình thường của người dân. Song trong thời điểm dịch bệnh COVID - 19 vẫn diễn biến phức tạp và có nguy cơ bùng phát thì việc bảo đảm sự an toàn cho mỗi cá nhân và cho cả cộng đồng trở thành ưu tiên số một. Theo ghi nhận tại các nhà ga, các biện pháp chống dịch chỉ đơn giản là đo thân nhiệt và sát khuẩn tay và yêu cầu mọi người đeo khẩu trang.

Đừng chủ quan để phải trả giá đắt -0
Rất đông người dân Thủ đô trải nghiệm dịch vụ đường sắt trên cao.

Trong các toa tàu là cảnh tượng không còn một chỗ trống và không khó để nhận thấy có cả người già 70 - 80 tuổi đến các em nhỏ cũng được các bậc phụ huynh đưa đến đây. Có thể thấy tâm lý chủ quan đối với dịch bệnh ở một bộ phận người dân. Trong khi đó, số ca mắc mới COVID-19 tại Hà Nội đang diễn biến phức tạp, xuất hiện nhiều ổ dịch mới, với số ca nhiễm tăng từng ngày, có nhiều ca mới được phát hiện trong cộng đồng... Không ai dám chắc, điều này không trở thành nguy cơ khiến tình hình dịch có thể tệ hơn, gây khó khăn cho công tác truy vết, dập dịch.

Từ đầu tháng 10 đến nay, cả nước triển khai thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ, đó là "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID -19". Cuộc chiến chống COVID-19 ở nước ta đã bước sang giai đoạn bình thường mới, được thúc đẩy nhanh hơn. Đó là thực hiện ứng dụng công nghệ từ việc hội họp trực tuyến, dịch vụ công trực tuyến, học trực tuyến, tư vấn khám bệnh trực tuyến, thanh toán điện tử... cho đến việc bỏ những thói quen xưa nay như chen lấn, xô đẩy, ồn ào nơi công cộng, tụ tập xô bồ, thiếu văn minh, kể cả thói quen bắt tay nhau khi gặp gỡ…

Mặc dù Việt Nam đang nỗ lực tiêm phủ vắc xin COVID -19 cho người dân, nhưng theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), dù tất cả mọi người đều được tiêm vaccine ngừa COVID-19, thì đây cũng chỉ là cách để tạo miễn dịch cộng đồng, là một biện pháp để phòng ngừa chứ không phải vì thế mà tiêu diệt được hoàn toàn virus. Chúng ta đều biết, không một loại vaccine nào đạt hiệu quả 100%. Đó là chưa kể, virus Corona liên tục có các biến thể mới, với tốc độ lây lan nhanh hơn, nguy hiểm hơn và khó có thể dự đoán trước sức tàn phá của nó.

Chúng ta không được phép coi thường "đốm lửa nhỏ", một đốm lửa nhỏ có thể đốt cháy cả khu rừng rộng lớn. Với việc dịch bệnh luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát bất kỳ lúc nào và bất cứ ở đâu, để được sống yên lành trong trạng thái “bình thường mới” thì mỗi cá nhân, mỗi cơ quan, doanh nghiệp, cộng đồng vẫn cần tuân thủ nghiêm ngặt, mọi nơi, mọi lúc các quy định, hướng dẫn của Chính phủ, của các cơ quan chức năng trong phòng, chống dịch, chấp hành tốt quy định 5K của Bộ Y tế "Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tập trung - Khai báo y tế". Làm được như vậy thì mới mong đẩy lùi được dịch bệnh, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời hướng đến những giá trị đích thực, cốt lõi, đúng đắn và văn minh.

Chính hoàn cảnh dịch bệnh hôm nay cũng là một cơ hội để cho người dân cân nhắc, suy xét thật kỹ khi tới những nơi đông người. Vì cộng đồng, hãy hy sinh mong muốn cá nhân vì lợi ích chung, thay vì tập trung tham quan, trải nghiệm đường sắt trên cao lúc này, hãy chờ tới thời điểm khác trong năm, khi dịch bệnh được kiềm chế chúng ta đi vẫn chưa muộn. Còn nếu người dân lơ là, chủ quan, không thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch là có thể làm bùng phát dịch bệnh trong cộng đồng. Cái giá phải trả cho sự chủ quan trong phòng, chống dịch bệnh chính là sức khỏe, sinh mạng của bản thân, gia đình và cộng đồng, kéo theo rất nhiều hệ lụy về kinh tế, việc làm, an sinh xã hội… Đừng để phải trả giá đắt cho sự chủ quan của chính chúng ta.

Cù Tất Dũng
.
.