Động viên thay vì than vãn
Những ồn ào xoay quanh phim "Đất rừng phương Nam" vốn đã tạm lắng nay lại bị đào xới bởi phát biểu của đạo diễn Phi Tiến Sơn trong Hội thảo "Một số vấn đề trọng tâm trong xây dựng công nghiệp điện ảnh Việt Nam" được UBND tỉnh Lâm Đồng phối hợp với Cục Điện ảnh phối hợp tổ chức bên lề Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ 23. Cụ thể, ông Phi Tiến Sơn cho rằng "Việc phim "Đất rừng phương Nam" bị "đánh" là nỗi đau của điện ảnh Việt".
Thứ nhất, khi một sản phẩm văn hóa, một tác phẩm nghệ thuật ra mắt công chúng và nhận được các ý kiến phê bình là chuyện tất nhiên. Sản phẩm, tác phẩm có thể làm hài lòng một tập hợp nào đó nhưng song song đó, nó cũng có thể làm một tập hợp khác cảm thấy thất vọng. Đứng trước khen chê là một nhiệm vụ tất yếu mà bất kỳ tác giả nào cũng phải đảm nhận. Nhưng nếu quy chụp những ý kiến phê bình là hành vi "đánh", rõ ràng đây là một cách nâng quan điểm, làm nghiêm trọng hóa quá mức một chuyện tất nhiên. Nếu là "đánh" thì ai chủ mưu? Nếu có chủ mưu thì mục đích lợi ích của chủ mưu là gì? Hai câu hỏi này, chắc chắn ông Phi Tiến Sơn không thể trả lời.
Thứ hai, dù có ý kiến phê phán nhưng "Đất rừng phương Nam" vẫn có doanh số khoảng 150 tỷ tính tới nay. Con số đó đủ để nhà sản xuất có lời. Việc nó không thể vươn lên tầm 200 tỷ là do tự thân sức hút của phim, nhất là khi lực lượng người hâm mộ các ngôi sao trong phim đông đảo và nó được ưu đãi suất chiếu đến tối đa. Làm phim điện ảnh vốn rất rủi ro. Làm phim điện ảnh mà có lời là tín hiệu quá đáng mừng rồi. Vậy thì tại sao lại phải nâng quan điểm là phim bị "đánh" để làm gì. Thậm chí, Chủ tịch Hội Điện ảnh, ông Đỗ Lệnh Hùng Tú còn lên tiếng đề xuất một cơ chế "bảo vệ người làm phim". Vậy thì ai sẽ bảo vệ người xem phim, ở tư cách của những người tiêu dùng văn hóa nếu như phim dở?
Thứ ba, quan trọng nhất, không phải là chuyện của một bộ phim kể trên. Theo như một giám khảo của Liên hoan phim tiết lộ, trong loạt các phim được chiếu để tranh giải Bông sen Vàng lần này, có những bộ phim đáng xem như "Mẹ ơi! Bướm đây", "Người vợ cuối cùng", "Fanti", "Tro tàn rực rỡ", "Mười, lời nguyền trở lại". Vậy thì tại sao chưa một nhà phê bình điện ảnh, nhà làm phim uy tín, nhà quản lý văn hóa nào lên tiếng động viên, khích lệ các phim tốt ấy, thậm chí quảng bá cho chúng để chúng có thêm cơ hội tiếp cận khán giả? Nói thẳng, trong một Hội thảo về cả nền điện ảnh, cần tập trung tìm cách phát triển ngành công nghiệp ấy thay vì chỉ chăm chăm vào nâng đỡ một bộ phim cụ thể nào.
Ai cũng biết, các phim nghệ thuật cực kỳ kén khách. Một khi chúng đã kén khách, chúng càng cần sự ủng hộ, hỗ trợ từ chính những cá nhân uy tín, có đủ sức mạnh tạo niềm tin cho một bộ phận khán giả. Điện ảnh, cũng như nhiều ngành nghệ thuật khác, cần những động viên khích lệ đó chứ không phải những than van, khóc lóc vì một chuyện vốn dĩ quá bình thường là phê bình.