Dòng chủ lưu văn hóa là sức mạnh của dân tộc

Thứ Năm, 02/12/2021, 11:18

Ngày 24 tháng 11 năm 2021, tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài phát biểu quan trọng. Bài phát biểu vừa là sự tổng kết thành tựu văn hoá hơn 70 năm qua, vừa nêu ra những quan điểm mới, phù hợp thực tế của đất nước, với xu thế phát triển của thế giới hôm nay. Đó còn là một tình cảm đặc biệt mà đồng chí Tổng bí thư dành cho văn hóa, dành cho các văn nghệ sĩ, với văn nghệ qua những bài thơ được trích đọc như “Chân quê” của Nguyễn Bính, “Việt Bắc” của Tố Hữu...

Nội dung của bài phát biểu không chỉ nhận được những tràng vỗ tay của các đại biểu có mặt tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội mà còn ở tất cả các điểm cầu trực tiếp trên cả nước. Mỗi luận điểm trong bài đều để lại một ấn tượng mạnh mẽ, gợi mở những hướng tư duy về từng vấn đề của văn hóa dân tộc ở nhiều lớp lang, tầng bậc khác nhau.

Trong đó, Tổng Bí thư đã nhấn mạnh đến “dòng chủ lưu” trong xu thế phát triển da dạng của văn hoá hôm nay: “Trong quá trình đa dạng hóa các hoạt động văn hóa, Nhà nước cần chú trọng đầu tư vào dòng chủ lưu của văn hóa cách mạng để làm nòng cốt và dẫn dắt, truyền cảm hứng chủ đạo trong việc bồi dưỡng tư tưởng, tâm hồn, tình cảm trong sáng, lành mạnh, góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội”. Đây là một chủ điểm thật sự cần thiết trong bối cảnh văn hóa đương thời.

chủ lưu văn hóa đóng vai trò chủ đạo của nguồn lực nội sinh-nguồn ảnh tạp chí tuyên giáo.jpg -0
Chủ lưu văn hóa đóng vai trò chủ đạo của nguồn lực nội sinh. Nguồn ảnh: Tạp chí Tuyên giáo.

Lâu nay đã có các bài viết ít nhiều đề cập tới các bình diện của văn hóa như: văn hóa giao thông, văn hóa công sở, văn hóa học đường… hoặc nêu ra những bất cập trong văn hoá, đến việc chưa có những tác phẩm văn học, nghệ thuật xứng tầm với sự phát triển của đất nước… nhưng chưa thật sự nhắc đến một dòng chủ lưu của văn hoá cách mạng. Vậy, dòng chủ lưu ấy là gì? Làm thế  nào để dòng chủ lưu văn hóa này có thể “truyền cảm hứng chủ đạo trong việc bồi dưỡng tư tưởng, tâm hồn, tình cảm” cho con người Việt Nam như Bác Hồ đã nói: “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”.

Trước hết, phải khẳng định rằng, trong quá khứ, dòng chủ lưu văn hóa đã tạo ra nguồn sức mạnh tinh thần trong các cuộc kháng chiến. Khi đó, các chủ trương, đường lối của Đảng, Chính phủ đã được hình thức hóa, nghệ thuật hóa thông qua tài năng, tâm huyết của người nghệ sĩ - chiến sĩ cách mạng để cho ra đời những ca khúc cách mạng, các vở kịch, bài thơ, truyện ngắn, tiểu thuyết, tranh cổ động, khẩu hiệu… mang một hơi thở của đời sống kháng chiến, tạo ra sức mạnh tinh thần, nguồn cảm hứng lạc quan cách mạng, được quần chúng đón nhận và lưu truyền cho đến hôm nay. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: “Văn hoá nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”. “Mặt trận văn hóa” có vai trò trung tâm, chính yếu.

Nhưng, làm thế nào để dòng chủ lưu ấy tiếp tục phát huy tốt vai trò của mình trong thời kì hòa mình gắn với độc lập, tự chủ, toàn vẹn lãnh thổ và hội nhập quốc tế, giao lưu văn hóa, toàn cầu hóa của ngày hôm nay luôn là câu hỏi cần được đặt ra.

 Thiết nghĩ, dòng chủ lưu văn hóa cũng chính là những hệ giá trị tư tưởng lớn, trở thành dòng văn hóa nội sinh, tự chủ là giá trị cốt lõi của tinh thần dân tộc. Với một quốc gia, dân tộc, văn hóa bao giờ cũng được thể hiện hết sức đa dạng, phong phú, chấp nhận mọi sự sáng tạo, đổi mới; đón nhận những làn gió mới để làm phong phú thêm vốn văn hóa của dân tộc mình. Tuy nhiên, trong đó bao giờ cũng có những giá trị cơ bản, cốt lõi không thể đánh mất, không thể bị biến đổi và sẽ được bổ sung để phù hợp với bối cảnh mới.

Trong Hiến pháp sửa đổi năm 2013 có những điểm mới: “Phát triển văn học, nghệ thuật nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng và lành mạnh của nhân dân”; “phát triển các phương tiện thông tin đại chúng nhằm đáp ứng nhu cầu thông tin của nhân dân, phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”; “tạo môi trường xây dựng gia đình Việt Nam ấm no, tiến bộ, hạnh phúc”…

Tinh thần ấy được thể hiện bằng những tác phẩm, những sự kiện văn hóa phản ánh hiện thực trung tâm, những vấn đề lớn của đất nước, mang tầm vóc dân tộc và thời đại. Cũng trong bài phát biểu này, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu rõ: (văn hóa) “chưa thật sự trở thành nguồn lực, động lực nội sinh của sự phát triển bền vững đất nước. Vai trò của văn hóa trong xây dựng con người chưa được xác định đúng tầm, còn có chiều hướng nặng về chức năng giải trí”.

Thẳng thắn nhìn lại thực tế, chúng ta thấy những điểm cơ bản cần tập trung để có được một dòng chủ lưu văn hóa phát triển toàn diện và mạnh mẽ.

Dòng văn hóa chủ lưu luôn gắn bó mật thiết với biểu tượng con người trung tâm của thời đại mới. Thông qua bảng giá trị về con người, giúp chúng ta nhận ra điều đó. Không phải ngẫu nhiên mà năm 2020, Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) công bố chỉ số HDI và Việt Nam là một trong số 52 nước có chỉ số phát triển con người cao. Hệ giá trị văn hóa được phản ánh thông qua các tác phẩm văn học, nghệ thuật.

xây dựng hệ giá trị văn hóa và con người việt nam-nguồn ảnh đăng khoa.jpg -0
Xây dựng hệ giá trị văn hóa và con người Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

GS.TS Hồ Sĩ Quý trong bài viết “Xây dựng hệ giá trị văn hóa và con người Việt Nam” đã thẳng thắn chỉ ra: “Với văn nghệ sĩ, người nắm vũ khí sáng tạo ra văn học, nghệ thuật, người có trách nhiệm tiên phong đánh thức và gợi mở cho xã hội hình dung con đường đi về tương lai, trước hết phải là người phản ánh trung thực đời sống văn hóa, xã hội; không nên tìm lý do để quay lưng lại với những số phận con người - từ người lao động mất việc làm do dịch bệnh đến những chiến sĩ, bác sĩ, người hảo tâm... xả thân vì cộng đồng, chống lại kẻ thù vô hình và hữu hình; từ những người cố tình hay không may bị vướng vòng lao lý vì tham nhũng, biến chất đến những người dám chết để làm điều tử tế; từ những vị tướng, những nhà lãnh đạo dám hy sinh quyền lợi cá nhân, rũ bỏ những tư duy cứng nhắc giáo điều đến những người lính âm thầm nơi biên cương, hải đảo giữ bình yên cho Tổ quốc…”. Hay nói cách khác, việc thay đổi cách nhìn, điểm nhìn khi xác định đề tài, chủ đề trong sáng tạo các giá trị văn hóa tinh thần cũng góp phần tạo nên dòng chủ lưu văn hóa….

 Chủ lưu văn hóa đóng vai trò chủ đạo của nguồn lực nội sinh, thể hiện một sự “độc lập, tự chủ” về mặt tinh thần. Văn hóa không chỉ là một bình diện, thành tố mà trở thành một thứ “quyền lực mềm” mà TS. Nguyễn Thị Mai Anh từng nhắc tới: “Trong bối cảnh hiện nay, sức mạnh kinh tế không còn là yếu tố mạnh nhất chi phối quyền lực quốc gia, mà “quyền lực mềm” quốc gia gắn với sức mạnh văn hóa ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong quá trình phát triển của mỗi đất nước”. Một quốc  gia cường thịnh và có vị thế cao trên trường quốc tế cũng là quốc gia cho dòng văn hóa chủ lưu mạnh mẽ, đa dạng trong sự thống nhất.

Chủ lưu văn hóa vừa là diên mạo, là tiếng nói của quốc gia, dân tộc, vừa là sức mạnh dân tộc. Bởi thế, một khi văn hóa còn những bất cập thì đó chính là những nguy cơ, là “căn bệnh” cần được chữa trị. Cũng trong bài phát biểu tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc vừa nêu trên, đồng chí Tổng Bí thư cũng nhắc đến điều này: “nhiều khi bắt chước nước ngoài một cách nhố nhăng, phản cảm, không có chọn lọc”.

Chủ lưu văn hóa chính là sức mạnh, là khát vọng phát triển của đất nước. Văn hóa giúp người dân hiểu được sự ưu việt của chế độ chính trị, từng người dân cũng chính là chủ thể của nền văn hóa tạo nên sức mạnh đoàn kết, thống nhất trong sự đa dạng, dân chủ, nhân văn…

Lương Việt
.
.