Đoàn kết là chìa khóa thành công!
Số báo này của Chuyên đề Văn nghệ Công an đến tay độc giả là số đầu tiên được xuất bản kể từ ngày 1/7/2025, ngày đầu tiên hệ thống chính trị cả nước chính thức bước vào vận hành theo chủ trương "đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả", được xác định trong các văn bản quan trọng như: Nghị quyết 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Trung ương Đảng và Kết luận 126-KL/TW ngày 14/2/2025 của Bộ Chính trị.
"Vạn sự khởi đầu nan", bước khởi đầu chắc chắn sẽ nhiều khó khăn, nhất là khi bộ máy nhà nước sau sáp nhập, tinh gọn làm sao phải nhanh chóng vận hành đúng kịch bản để phục vụ tốt nhất cho người dân, doanh nghiệp, đảm bảo duy trì tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế, ổn định các hoạt động xã hội, an ninh, trật tự.

Vì thế, đây là thời khắc rất quan trọng, mang tính lịch sử của đất nước, đòi hỏi quyết tâm rất cao của mỗi người, mỗi cấp, ngành và địa phương, cùng với đó là tinh thần đoàn kết cùng nhau vượt khó.
Trong bài viết "Sức mạnh của đoàn kết" công bố dịp này, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh: "Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết - Thành công, thành công, đại thành công" - câu nói bất hủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ giữa thế kỷ XX đến nay vẫn vẹn nguyên giá trị thời sự. Sức mạnh của tinh thần đoàn kết không chỉ là bài học được đúc kết từ thực tiễn cuộc sống ngàn đời của nhân loại, mà còn là cội nguồn làm nên những thành tựu vĩ đại của xã hội loài người".
Theo Tổng Bí thư, điều này là đặc biệt đúng trong lịch sử cách mạng Việt Nam gần một thế kỷ qua. Trong giai đoạn hiện nay, khi cả nước đã và đang thực hiện chủ trương sắp xếp, tinh gọn bộ máy tổ chức của hệ thống chính trị; sáp nhập các đơn vị hành chính, "sắp xếp lại giang sơn", tổ chức không gian phát triển bền vững cho đất nước, tinh thần đoàn kết càng phải được phát huy mạnh mẽ hơn bao giờ hết.
Tổng Bí thư nói rõ: việc tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị; sắp xếp lại đơn vị hành chính cũng tác động, ảnh hưởng đến một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức... Trong khi đó, các thế lực thù địch luôn sẵn sàng lợi dụng những khó khăn này để tung tin xuyên tạc, gây chia rẽ giữa Đảng, chính quyền với Nhân dân. Nếu cán bộ, đảng viên và Nhân dân thiếu cảnh giác sẽ mắc phải những âm mưu chống phá đó, làm ảnh hưởng lớn đến mục tiêu sắp xếp bộ máy và ổn định, phát triển đất nước.
Chính vì vậy, Tổng Bí thư khẳng định: "Đoàn kết trong toàn hệ thống chính trị chính là chìa khóa thành công của cải cách này. Cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan Trung ương và chính quyền địa phương để kịp thời tháo gỡ khó khăn; sự đồng lòng của đội ngũ cán bộ, công chức và Nhân dân sẽ tạo nền tảng ổn định triển khai hiệu quả mô hình mới". Để chủ trương sắp xếp, tinh gọn bộ máy tổ chức của hệ thống chính trị; sáp nhập các đơn vị hành chính đạt hiệu quả thực chất đòi hỏi sự công minh, đồng thuận và quyết tâm chính trị rất cao và đặc biệt là sự hy sinh lợi ích cá nhân. Nếu thiếu đoàn kết thống nhất từ trên xuống dưới, quá trình thực hiện sẽ rất dễ phát sinh vướng mắc, bất cập.
Nói đến xây dựng khối đại đoàn kết và việc động viên cán bộ và Nhân dân cùng chung tay vượt khó, là khi phải nhắc tới vai trò đặc biệt của đội ngũ những người làm công tác tuyên truyền, trong đó có lực lượng báo chí và văn nghệ sĩ. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: "Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ"; "Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy".
Cũng như tất cả mọi ngành nghề khác, các cơ quan báo chí, văn nghệ cũng có nhiều thay đổi khi thực hiện chủ trương sắp xếp lại hệ thống chính trị, tinh gọn bộ máy tổ chức. Hàng loạt cơ quan báo chí ở Trung ương cũng như địa phương đã chấm dứt hoạt động để thực hiện sáp nhập, hoạt động dưới một măng sét mới và cơ quan chủ quản mới.
Không chỉ là những khó khăn đời thường, những ngày qua, trên các trang mạng xã hội, rất nhiều nhà báo, văn nghệ sĩ còn có những dòng trạng thái rất xúc động khi phải chia tay với cơ quan báo chí từng gắn bó.
Điều này là dễ hiểu, bởi không chỉ những người từng chung tay xây dựng nên một thương hiệu của cơ quan báo chí, mà có những người trọn đời tận tâm cống hiến cho sự nghiệp tuyên truyền và không một ai trong đội ngũ hùng hậu ấy trưởng thành với nghề nghiệp mà không nương tựa vào sự chăm chút của các tòa soạn. Cho nên, trên cả công việc, trên cả việc "miếng cơm manh áo" còn là cái tình của những người cầm bút ở một đất nước giàu lòng nhân ái và vị tha.
Nhưng, với truyền thống luôn đồng hành chặt chẽ với sự nghiệp cách mạng của dân tộc, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đội ngũ những người cầm bút vẫn sẽ sẵn sàng vượt qua mọi khó khăn, bỏ lại phía sau lợi ích cá nhân để tiếp tục làm tốt phận sự của những người làm công tác tuyên truyền trong bối cảnh mới.