Diện mạo của văn hóa
Hình ảnh Việt Nam trong một đoạn phim quảng cáo trên màn hình LED bên ngoài tòa nhà Thompson Reuters tại Times Square (Quảng trường Thời đại -Mỹ) cũng tựa như một "chuyến bay thẳng" để đưa những biểu tượng văn hóa, du lịch đến với giao lộ có trên 330 nghìn lượt người đi qua mỗi ngày (theo Báo Nhân dân).
Văn hóa đâu chỉ là cầu nối ngoại giao mà còn trở thành tài nguyên, nguồn lực trong hợp tác và phát triển giữa các quốc gia. Thông qua những hợp tác thương mại, khoa học, y học... đem lại lợi ích cho sự phát triển để từ đó phát huy tốt hơn các giá trị văn hóa.
Sau sự kiện Hội nghị Văn hóa toàn quốc, triển khai thực hiện nghị quyết Đại hội XIII của Đảng diễn ra vào cuối tháng 11, chủ đề văn hóa đã để lại một dư âm, đó là sự quan tâm của nhiều tầng lớp trong xã hội. Đã xuất hiện nhiều góc nhìn với nhiều chủ điểm văn hóa được bàn luận sôi nổi trên các trang báo với nhiều phát hiện mới mẻ. Từ đó, sáng tỏ những điểm chung mà chúng ta nhận ra: Văn hóa luôn là sự thể hiện cao nhất về ổn định chính trị, sự phát triển kinh tế, khoa học, công nghệ… các giá trị nhân văn của một quốc gia. Diện mạo văn hóa ấy cũng nói lên bước phát triển, phù hợp với xu thế mới.
Trong kỉ nguyên chuyển đổi số (digital transformation) giúp sự kết nối toàn cầu ngày càng trở nên chặt chẽ, công nghệ được ưu tiên hàng đầu, liệu văn hóa có tiếp tục duy trì được chỗ đứng hay không? Giữa hai bình diện này có những điểm tương đồng và tương sinh như thế nào?
Về bản chất, chuyển đổi số là như thế nào. Tác giả Trần Huy Vũ trong một bài viết đã nhận định: "Tương lai của chuyển đổi số cụ thể là gì? Rõ ràng là lợi ích mà chuyển đổi số mang lại cho doanh nghiệp và xã hội sẽ vô cùng lớn - đó là những lợi ích tạo ra ở cấp độ của một cuộc cách mạng công nghiệp. Những công nghệ mới này sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thúc đẩy sự toàn diện, cải thiện môi trường và kéo dài thời gian và chất lượng cuộc sống con người" (theo https://smartfactoryvn.com).
Với nhận định này, bạn có thể thấy lợi ích cao nhất, mục tiêu cao nhất của chuyển đổi số vẫn là "chất lượng cuộc sống con người". Con người sẽ tiết kiệm được thời gian, sức lực, gia tăng thu nhập về tiền bạc, hạn chế nguy cơ lây nhiễm bệnh tật, ô nhiễm môi trường… Nhưng đồng thời cũng vẫn phải bước vào một hệ sinh thái số mà ở đó các mối quan hệ vẫn được duy trì. Bởi lẽ, bản thân khái niệm Hệ sinh thái kinh tế số (Digital economy ecosystem) cũng vẫn là "Nhóm tác nhân phụ thuộc (doanh nghiệp, con người, vật) chia sẻ nền tảng số để đạt được lợi ích" (Tuyết Nhi). Hay nói khác đi, đó là một hình thức xã hội mới, những mối quan hệ xã hội mới. Trong khi, để gắn kết các thành viên với nhau luôn là văn hóa, chỉ văn hóa (quy tắc ứng xử, chuẩn mực đạo đức của con người trong môi trường số) mới là thứ "keo" bền chặt nhất.
Trong cuộc hội thảo: "Văn hóa doanh nghiệp và Phát triển thương hiệu" (do Báo Văn hóa phối hợp với Viện nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh tổ chức), PGS.TS. Dương Thị Liễu đã nhận định: "Trí tuệ nhân tạo không thể thay thế được việc đưa ra quyết định về chiến lược của công ty, hay về hoà giải khi có tranh chấp... Có nghĩa là con người vẫn còn chỗ đứng trong nhiều lĩnh vực cụ thể, yếu tố con người, nguồn lực con người vẫn không thể thiếu trong cuộc cách mạng này, mà chừng nào còn sự xuất hiện của con người thì chừng đó yếu tố văn hóa vẫn tồn tại". Văn hóa doanh nghiệp là một thành tố quan trong trong bức tranh tổng thể văn hóa thời 4.0.
Ở một góc nhìn khác, dù chịu sự tác động của đại dịch toàn cầu COVID-19 nhưng với sự chủ động, tích cực từ chính phủ đến các tổ chức, doanh nghiệp và từng người dân nên đã dần hình thành một "Môi trường văn hóa số" mà trong đó những: "Nhà hát cách ly", "Dàn giao hưởng tại nhà", "Thư viện số", "Bảo tàng số"… là minh chứng tiêu biểu. Những thay đổi đó không chỉ là giải pháp tình thế mà còn là cách bảo tồn, lưu giữ, thậm chí giúp người xem tiếp cận dễ hơn với các tri thức, các loại hình nghệ thuật biểu diễn. Phải chăng, trong từng ngành nghề, lĩnh vực đang có sự tự chuyển đổi để làm mới chính mình.
Chắc chắn sự thay đổi mạnh mẽ về về "thể chế số" sẽ tác động đến sự thay đổi suy nghĩ, cách tiếp cận của mỗi người. Nó là nền tảng tạo ra những ứng xử văn hóa mới. Vẫn biết, văn hóa ứng xử của từng cá nhân và xã hội vốn là những giá trị được tích lũy qua hàng ngàn năm chứ không phải chỉ trong ngày một ngày hai. Tuy nhiên, nhìn vào những tín hiệu trong đời sống khi từng người dân đã thay đổi mới thấy được những dấu hiệu tích cực.
Cách đây ít hôm, một chủ quán lẩu ở Hải Phòng có tên là Phạm Văn Trường phát hiện ra một thực khách khi ra về đã không đủ tiền để chi trả cho hóa đơn thanh toán trị giá 400.000 đồng, anh Trường đã có cách ứng xử rất văn hóa. Sau khi nói chuyện, nhận thấy vị khách này là một người có thái độ thiện chí, chủ quán đã cho khách hàng này review giới thiệu về quán, nêu những cảm nhận sau khi thưởng thức như một "trừ nợ" thân thiện, nhân ái. Sau này, khi khách hàng đó có ý định hoàn trả số tiền, anh Trường đã từ chối.
Một cách ứng xử trong đời thường nhưng được review sẽ tác động rất lớn đến tâm lý ứng xử của nhiều người trên mạng xã hội, đúng như lời anh Phạm Văn Trường chia sẻ trên infonet.vietnamnet.vn: "Mình cũng không phải là xác định từ thiện nhưng mình thấy sự việc xảy ra không có vấn đề to tát gì cả và mình xử sự một cách tự nhiên theo bản năng, mình thấy giúp đỡ ai được phần nào thì giúp đỡ, không làm gì cao cả hay to lớn cả. Mình nghĩ thông cảm được gì cho ai thì thông cảm thôi". Sự "cảm thông" không phải là yếu tố đạo đức mới mẻ nhưng thật sự cần được phát huy trong thời đại kết nối, chia sẻ này.
Sau tất cả những góc nhìn ấy, ứng chiếu lại với những khái niệm, định nghĩa, những giá trị cốt lõi về văn hóa mà chúng ta đã nhắc đến, có thể nhận diện:
1. Diện mạo văn hóa chính là bức tranh toàn cảnh cho thấy sự phát triển của cả khoa học, công nghệ và giá trị sống. Nếu như trước đây chỉ là cuộc song hành giữa vật chất (những sản phẩm công nghiệp, nông nghiệp) thông thường và các giá trị tinh thần thì giờ đây còn là sự công sinh, tương sinh giữa tính ưu việt của cộng nghệ và sự nhân văn của văn hóa.
2. Công nghệ sẽ giúp lan tỏa văn hóa, văn hóa là linh hồn của sự phát triển công nghệ. Văn hóa không thể chậm bước, không thể tụt hậu mà cần được song hành cùng sự phát triển của công nghệ.
3. Với từng bước chuyển mình,văn hóa ngày càng mang một nghĩa rộng lớn hơn nhưng cũng cụ thể và sâu sắc hơn. Văn hóa đâu chỉ là những bài học cũ, câu chuyện xưa mà được bổ sung bằng chính những ứng xử, giao tiếp, trong những thách thức và cách giải quyết vấn đề mới của con người hôm nay. Khi một chuyến bay từ TP Hồ Chí Minh đến San Francisco chi mất 13 tiếng 50 phút, cũng có nghĩa là chúng ta đủ tự tin trực diện giao lưu, tiếp xúc văn hóa cũng như vững vàng trong tâm thế hội nhập.
Diện mạo văn hóa của một dân tộc cũng chính là vị thế mà đất nước ta đã xác lập được trong hơn bảy mươi năm qua. Để giúp cho diện mạo văn hóa ấy càng hoàn thiện, phong phú, đa dạng hơn còn cần đến cả những ấn tượng, những hình ảnh đẹp mà mỗi chúng ta có ý thức tạo ra trong đời sống hàng ngày…