Điểm số và chỉ số

Thứ Sáu, 14/07/2023, 19:44

"Theo các em, bài toán nào là bài toán khó giải nhất?" - đấy là câu hỏi của thầy giáo dạy toán dành cho lớp tôi cách đây hơn hai mươi năm trước.

Như mọi khi, cậu cán sự toán của lớp lại đứng lên trả lời nhưng lần này đáp án thật bất ngờ: "Em nghĩ, đó là bài toàn không phải của môn toán". Cả lớp cười "ồ" lên, thầy giáo tháo cặp kính ra, thầy có vẻ xúc động. "Trò khá quá, đúng thế, đó là đề thi môn văn, chính đề thi môn văn mới là bài toán có nhiều đáp án nhất các trò rõ chưa?".

Điểm số và chỉ số -0
Bảng phổ điểm môn thi môn ngữ văn năm 2022.

Sau gần hai mươi năm, tôi lại đứng trước những câu hỏi nhưng trong một hoàn cảnh thật khác: Học văn để làm gì? Vì sao nhiều nhà văn trẻ lại xuất thân từ các ngành khoa học khác, từ công nhân kĩ thuật, lao động tự do… Trong khi những người được học khoa văn, với tấm bằng đỏ lại dửng dưng với văn chương hoặc chảng có cảm hứng, chẳng viết nổi một tác phẩm văn học… Với họ, văn chương có lẽ chỉ là bàn đạp để kiếm một nghề có tương lai. Chẳng lẽ, số phận của môn học mang giá trị chân thiện mỹ, đóng góp lớn vào nền tảng tinh thần của xã hội lại đã và đang chịu một kết cục hẩm hiu thế chăng?

Cách đây gần hai mươi năm, trên Báo Tuổi trẻ, nhà giáo Phạm Thị Ly (Trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh) cho rằng: "Bao giờ việc học văn có thể giúp người ta..."đánh thức trong tôi tất cả các giác quan. Để thấy ngọn lá như chưa bao giờ được thấy. Để ngạc nhiên sao hôm nay trời xanh như chưa bao giờ được xanh" thì môn văn học mới có thể lấy lại được vị trí xứng đáng của nó trong nhà trường phổ thông". Mục tiêu nâng cao khả năng cảm thụ, làm phong phú thêm cho tâm hồn đã được nhà giáo lưu ý, coi đó như ngọn hải đăng của những hải trình giáo dục. 

Sau nhiều năm, chúng ta lại có một chia sẻ khác khá thú vị của tác giả Nguyễn Thúy Hạnh trên Báo Đại đoàn kết: "Văn học giúp ta sử dụng thành thạo tiếng mẹ đẻ, tạo điều kiện thuận lợi trong học tập và cuộc sống. Tìm hiểu đi sâu vào lĩnh vực văn học sẽ hướng con người ta đến lối sống chân thiện mĩ. Bởi đã từ lâu văn học chính là lăng kính phản chiếu cuộc sống một cách chân thực nhất".

Điểm số và chỉ số -1
Đôi khi điểm số không đồng nghĩa với những chỉ số của mục tiêu.

Có một nhà giáo nghỉ hưu đã nói với tôi rằng: "Điểm thi văn của các cháu giờ cao lắm, có cả điểm 10. Giá như tôi được đọc bài văn ấy vì cả đời tôi chưa từng cho em nào điểm 9 môn văn…".  Vì đã từng đi dạy ngữ văn nên tôi giải thích với nhà giáo cao niên rằng: Ngày nay, đáp án được định lượng nên điểm số là sự tổng cộng của các phần điểm đã được ghi trong phiếu chấm. Khác với cách chấm dựa nhiều trên sự cảm nhận trước đây. Nói đến đây, người viết chợt giật mình nhìn lại bảng phổ điểm môn ngữ văn 2022. Không chỉ có 5 điểm 10 mà khoảng từ 5 đến 8 điểm cũng chiếm đa số. Một điểm số có thể không cao trong khi với môn Toán cùng năm đó là sự phân bố đều từ 1,2 đến 8,4 điểm. Nghe xong, ông có vẻ vẫn chưa hài lòng, điều ấy khiến tôi không khỏi suy nghĩ: Liệu giữa điểm số và chỉ số về năng lực sử dụng ngôn ngữ có sự đồng nhất hay chỉ là ở hiện tượng bề ngoài.

 Nếu xét toàn cục, chúng ta sẽ thấy cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4 không chỉ là chuyện của những AI, Big Data, của giao dịch điện tử, mạng xã hội… mà còn là một thử thách về năng lực ngôn ngữ của con người. Đơn cử, như một người bán hàng truyền thống trên sạp chỉ cần đôi ba câu chào mời nhưng người bán hàng trên nền tảng mạng xã hội ngày nay phải biết viết nội dung (content), biết review về sản phẩm, livestream bán hàng… Hay nói cách khác, chất lượng sản phẩm thôi chưa đủ mà cần đến cả sự năng động, khéo léo trong sử dụng ngôn ngữ trong kinh doanh.

Nói về vấn đề này, thạc sĩ, giảng viên Nguyễn Nam Cường đã đưa ra một dẫn chứng cụ thể trên Vnexpress.net: "tỉnh Bắc Giang của Việt Nam cũng mời hơn 70 nhà sáng tạo nội dung từ nhiều vùng miền khác nhau đến giúp tỉnh tiêu thụ vải thiều cho nông dân. Thống kê từ địa phương cho thấy chỉ trong 4 giờ livestream vào sáng 24/6 tại xã Hồng Giang (Lục Ngạn), những KOL này đã thực hiện được 26 phiên live, gần 1,7 triệu lượt xem, bán được 5.182 đơn hàng với tổng doanh thu 1,2 tỷ đồng, giúp nông dân Lục Ngạn tiêu thụ khoảng 23 tấn vải"… Chúng ta nhận ra rằng, một người làm nông nghiệp ngày nay đâu chỉ cần biết đến "nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống" mà còn cần học cả ngôn ngữ. Lời ăn tiếng nói là "công cụ" mới bên cạnh cái cày, cái cuốc, con dao chăng? Không chỉ có vậy, khả năng tư duy ngôn ngữ còn là cánh cửa để giúp bạn đến với khu vực, toàn quốc và thế giới.

Điểm số và chỉ số -0

Nếu như với các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, kinh doanh trực tuyến cần đến ngôn ngữ, văn chương như một phương tiện để quảng bá, giới thiệu, thu hút khách hàng thì với bản thân nghệ thuật cũng cần đến sự thay đổi bài bản hơn. Một khi trong điện ảnh có kỹ xảo điện ảnh, nhiếp ảnh có app chỉnh sửa, âm nhạc có âm nhạc số MP3… hà cớ gì văn chương vẫn tụt hậu, cũ kĩ, chạy sau lưng con người ngày nay với những âu lo, đau khổ, thất vọng, chán chường mới…

Tại buổi tọa đàm "Học văn thời 4.0" do Trường PTLC Quốc tế Gateway (Hà Nội) tổ chức năm 2018, nghệ sĩ thị giác Phạm Diệu Hương, đã chia sẻ: "Chúng ta có đầy đủ mọi thứ nhưng lại thiếu đi sự rung động. Chúng ta không phải lo lắng việc con cái thiếu gì về vật chất hay không cần lo con học ngành gì để có thể kiếm tiền. Hãy quan tâm tới phần cảm xúc và sự rung động của tâm hồn. Và môn văn giúp cho chúng ta điều đó".

Cảm xúc và rung động tâm hồn mà bà Hương nhắc đến chính là chỉ số mà môn văn cần đến chứ không chỉ ở thống kê trên phổ điểm. Thế hệ lớn lên cùng với Internet, mạng xã hội và điện thoại thông minh như một phần không thể thiếu nhưng nhiều người trong số họ lại đang lựa chọn cuộc sống cô đơn. Vậy công nghệ hay áp lực về vật chất, về sự thành công đang khiến họ né tránh giao tiếp, sợ bộc lộ hạn chế của mình trước bạn bè là nguyên nhân đẩy người trẻ vào sự cô đơn ấy?

Người viết cho rằng điều quan trọng nhất là bản lĩnh văn hóa của mỗi người. Sự tò mò, tọc mạch của cư dân mạng, sự lan truyền qua chia sẻ cũng chẳng thể khiến bạn cảm thấy lo lắng, mất tự nhiên nếu như có sự tự tin. Nhưng sự tự tin, bản lĩnh ấy đến từ đâu? Văn mẫu, đề cương, có giúp bạn có được điều đó không?

Người viết cho rằng, suy cho cùng điểm số của môn Văn (nói riêng) và các ngành khoa học (nói chung) đều phải đi đến việc giúp chúng ta trả lời được những câu hỏi trên chặng đường đời của mình. Trả lời được câu hỏi ấy cũng là lúc chúng ta biết lựa chọn, biết buông bỏ, biết sẻ chia, biết sáng tạo và tìm thấy hạnh phúc cho riêng mình.

Nhà thơ Hermann Hesse (Thụy Sỹ) từng viết: "Không có ngôn từ, không có viết lách và không có sách, sẽ không có lịch sử, không có khái niệm về nhân loại". Chúng ta sẽ không bao giờ hết băn khoăn với câu hỏi: Học văn để làm gì? Tại sao lại có đề văn như thế này, như thế khác? Văn chương giúp gì cho chúng ta trong thời đại 4.0…? Câu trả lời sẽ đến từ chính chỉ số hạnh phúc. Ngoài những giá trị về vật chất, ích lợi về mặt tinh thần cũng sẽ là một phần không thể thiếu để đem lại sự khả quan cho chỉ số hạnh phúc ấy…

Phương Việt
.
.