Dịch Covid, có làm chảy máu chất xám trong nhà hát?
Hai năm liên tiếp, hết đợt dịch này lại đến đợt dịch khác bùng phát, các hoạt động nghệ thuật biểu diễn phục vụ công chúng phải tạm ngưng, đời sống sinh hoạt của văn nghệ sĩ càng thêm khó khăn chồng chất. Hiện nay, Nhà hát Cải lương Việt Nam, Nhà hát chèo Việt Nam cùng một số đơn vị nghệ thuật khác đang lâm vào tình trạng các nghệ sĩ trẻ xin thôi việc. Việc “chảy máu chất xám” đang diễn ra là thực trạng ở nhiều nhà hát hiện nay.
Nếu, đợt dịch Covid này vẫn tiếp tục diễn ra, giải pháp nào cho các Nhà hát giữ chân người trẻ? Bắc Giang nơi tuyến đầu chống dịch hồi tháng 5 vừa qua, các nghệ sĩ đã bươn chải và tự “đứng” như thế nào? TP Hồ Chí Minh là nơi bầu không khí văn hoá văn nghệ diễn ra sôi nổi nhất, các đơn vị nghệ thuật trong Nam đã “biến hình” như thế nào để duy trì đời sống tinh thần và vật chất cho người nghệ sĩ? Tuy nhiên, mặc dù dịch bệnh khiến cho đời sống của tất cả mọi người không còn được bình thường như trước nữa với muôn vàn khó khăn bủa vây thì người nghệ sĩ với trái tim mẫn cảm và mong manh vẫn không quên nhiệm vụ làm đẹp cho đời bằng những tác phẩm đầy ý nghĩa.
Nhiều ngày qua, khắp các tỉnh thành trong cả nước đều đang phải gồng mình chống dịch COVID-19. Đường phố yên ắng, thưa thớt người qua lại. Khung cảnh im lìm, cứ ngỡ như sáng mồng 1 Tết. Mọi người dân đều nghiêm túc thực hiện 5K của Bộ Y tế. Trên các trang mạng xã hội không ít những hình ảnh ghi lại sự giản dị, đầy tính nhân văn, ấm áp nghĩa tình của những con người hi sinh thầm lặng vì công cuộc chống dịch.
Đạo diễn, NSND Giang Mạnh Hà (Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam) cho biết: “Đã có nhiều nghệ sĩ với những sáng tác mang hơi thở cuộc sống. Những vở kịch ngắn nói về công lao, hy sinh, đóng góp vào phòng, chống dịch COVID-19 trên tuyến đầu của lực lượng y bác sĩ, công an, quân đội, dân phòng, toàn dân... Thậm chí có các tiểu phẩm nói về công tác từ thiện của cá nhân, doanh nghiệp.
Có những bài hát mang hình tượng của những người con miền Bắc đã tạm xa gia đình, gác lại mọi tình cảm riêng tư để vào giúp TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam. Bên cạnh đó cũng có những tiểu phẩm lên án hành vi chống đối không chấp hành quy định, nghị định, chỉ thị 15, 16 của Thủ tướng Chính phủ. Nghệ thuật gắn với hơi thở cuộc sống, phục vụ hiệu quả trong công tác phòng, chống dịch, đúng với tinh thần toàn dân chống dịch trên các mặt trận”.
Nhà nước khuyến khích các đơn vị nghệ thuật tổ chức nhiều chương trình livestream để vượt qua đại dịch - Đạo diễn NSND Giang Mạnh Hà (Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam -Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Đồng Nai)
- Với tư cách một nghệ sĩ, một nhà quản lý văn hoá nghệ thuật, là người đại diện cho những hoạt động sân khấu trong Nam, xin anh cho biết đời sống sinh hoạt của anh em văn nghệ sĩ phía Nam hiện nay ra sao sau khi bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID- 19?
+ Vì dịch lây lan ra diện rộng trên nhiều tỉnh thành, nên ở trong này không chỉ TP Hồ Chí Minh mà các tỉnh khác bắt đầu vào cuối tháng 4 đến nay, hoạt động nghệ thuật không còn sôi động, liên tục và thường xuyên như trước. Các tụ điểm biểu diễn nghệ thuật ca múa nhạc sân khấu, điện ảnh phải tạm ngưng để thực hiện phòng, chống dịch theo quy định của Chính phủ. Điều đó cũng tỷ lệ thuận ảnh hưởng đến thu nhập của hầu hết anh em văn nghệ sĩ các đơn vị nghệ thuật.
Để duy trì được cuộc sống ổn định cho đời sống văn nghệ sĩ, một số đơn vị nghệ thuật đã có những đề án, tờ trình cho Sở Văn hoá của UBND tỉnh đề nghị chuyển hình thức biểu diễn ở ngoài rạp, biểu diễn phục vụ nhân dân và phục vụ các đối tượng công chúng khán giả ở ngoài trời bằng hình thức livestream trực tiếp. Thậm chí có những nhà hát hằng tuần người ta livestream bởi vì từ khi sáp nhập các nhà hát vào với nhau (kịch nói, cải lương, ca múa nhạc, rối) làm chung một nhà hát nên các nhà hát cũng đã năng động xây dựng những chương trình có nội dung khá phong phú đa dạng phù hợp với tính năng của nhà hát hiện nay. Sau khi có sản phẩm, các nhà hát phát sóng lên các trang mạng.
- Anh thấy việc livestream các chương trình nghệ thuật này được áp dụng từ khi nào, có hiệu quả không, và được các nhà hát hưởng ứng ra sao?
+ Đã có những đoàn làm livestream từ năm 2020. Nhà hát nghệ thuật Đồng Nai làm rất mạnh mẽ thậm chí đến nay đã có hơn 100 chương trình livestream. Có màn hình led, máy quay camera, lực lượng diễn viên cũng khá phong phú và hùng hậu, cho nên người ta làm được nhiều chương trình trực tuyến có đông đảo khán giả xem. Đoàn nghệ thuật Hương Tràm Cà Mau hàng tháng cũng lên vài chương trình. Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang cũng vậy.
- Không bán vé ở rạp, vậy người nghệ sĩ sẽ sống bằng nguồn nào?
+Nguồn thu chính thì thay vì đi biểu diễn được nhà nước cấp xăng dầu và cấp tiền bồi dưỡng theo quy định của Thủ tướng thì anh em không phải đi lưu động, không phải ra rạp. Người ta diễn luôn tại nhà hát, tại phòng luyện tập, tổ chức hậu kì để quay thì vẫn được tiền bồi dưỡng theo quy định của nhà nước. Bây giờ nhà nước cũng khuyến khích các đơn vị nghệ thuật tổ chức nhiều chương trình livestream.
Ở trong này ngoài lương của Nhà hát ra, các anh em đều có nhiều hoạt động với những hình thức khác nhau, đặc biệt vẫn tổ chức đi show và livestream cá nhân, rồi mở thêm nhà hàng quán xá, người thì làm thêm MC của các nơi. Trong khi lịch diễn tạm ngưng anh em vẫn có khoản tích luỹ ngoài đồng lương của nhà nước.
Tuy nhiên các đoàn nghệ thuật phía Nam cố gắng duy trì lực lượng trẻ chứ không thể nào mà nói: Tình hình covid khó khăn không có lương để trả cho diễn viên trẻ. Điều đó thực sự mang tính manh mún và không mang tính chiến lược lâu dài đối với lực lượng kế cận. Đặc biệt đối với các bộ môn như kịch hát truyền thống dân tộc như tuồng (hát bội), cải lương, dân ca, múa rối, xiếc thì rất nguy hại cho nền nghệ thuật sân khấu về lâu dài.
Chúng tôi rất mong muốn kêu gọi Nhà nước, đặc biệt là Bộ Văn hoá - Thể Thao & Du lịch xem xét những trường hợp này và có văn bản cụ thể không những cho 12 đơn vị nghệ thuật Nhà hát cấp Trung ương do Bộ VH - TT & DL quản lý 63 tỉnh, thành, mà Bộ VH - TT & DL có văn bản gửi cho Thành ủy, UBND các tỉnh, thành trực thuộc Trung ương để người ta có chính sách cấp thêm kinh phí, ít nhất là duy trì mức lương cơ bản cho những lực lượng nghệ sĩ diễn viên gặp khó khăn. Đặc biệt là lực lượng nghệ sĩ nhạc công trẻ, nhất là các em diễn viên múa mới tốt nghiệp ra trường. Thanh xuân nghề múa của nữ chỉ trên dưới 10 năm, rất hiếm đào tạo và kiếm được người gắn bó với nghề sân khấu nghệ thuật khó khăn như hiện nay...
- Xin trân trọng cảm ơn ông.
Nghệ sĩ nếu không có chế độ phù hợp, sẽ bị chảy máu chất xám - NSND - TS Phạm Anh Phương (Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam)
- Với tư cách là thuyền trưởng của các nghệ sĩ múa Việt Nam, dịch bệnh COVID - 19 đã ảnh hưởng ra sao đến đời sống của người nghệ sĩ múa, thưa anh?
+ Đây là tình hình khó khăn chung của các nghệ sĩ, và múa lại là một trong những nghề bị ảnh hưởng trực tiếp. Gần hai năm nay các hoạt động văn hoá nghệ thuật rất là hạn chế. Quy định của nhà nước hạn chế tập trung đông người, hạn chế tổ chức các chương trình lễ hội sự kiện, vậy đương nhiên lực lượng diễn viên nói chung và các nghệ sĩ múa rất vất vả.
Họ không có nhiều cơ hội tham gia biểu diễn, trưng trổ tài năng, tâm huyết với nghề, với xã hội. Nhưng là nghệ sĩ nên họ vẫn phải duy trì luyện tập trong thời gian không giãn cách. Duy trì luyện tập thôi chứ không được biểu diễn mấy. Hai năm nay gần như các nghệ sĩ không được biểu diễn trên sân khấu. Từ không biểu diễn thì lại ảnh hưởng đến thu nhập của cá nhân họ.
Ngoài việc các nghệ sĩ tham gia thực hiện nhiệm vụ của cơ quan thì bên cạnh đấy họ cũng kí thêm những hợp đồng riêng của họ. Họ đi dạy, đi sáng tạo cho các tổ chức đơn vị khác, nhưng dịch bệnh căng thẳng như thế này, cơ hội kiếm thêm thu nhập của các nghệ sĩ cũng bị chững lại, thì đương nhiên thu nhập cá nhân của nghệ sĩ bị ảnh hưởng rất nặng nề.
- Nghệ thuật cũng có 5 -7 nghề nghệ thuật, diễn viên ca sĩ, kịch sĩ, hoạ sĩ, nhạc sĩ, đạo diễn, biên kịch... Nhưng nghệ sĩ múa và nghệ sĩ xiếc có một điểm thiệt thòi giống nhau so với các nghệ sĩ nghề khác là tuổi làm nghề ngắn quá, trải qua hai năm dịch bệnh căng thẳng thế này, cơ hội của các nghệ sĩ lại càng mất đi.
+ Đấy, đấy, bạn nói đúng. Do ảnh hưởng của đại dịch COVID - 19, Hội cũng rất mong trong số các đối tượng được nhà nước quan tâm ngoài dân nghèo, những người già đau ốm bị yếu thế, thì cũng nên quan tâm tới lực lượng các nghệ sĩ nhất là nghệ sĩ múa, xiếc, thất nghiệp hoàn toàn trong mùa dịch. Đây cũng là tình trạng chung không ai muốn của ngành múa, xiếc. Người nhạc sĩ khi già vẫn có thể ngồi ở dàn nhạc mà kéo được. Người diễn viên sân khấu hay điện ảnh khi có tuổi về hưu họ vẫn được mời đóng phim. Nhưng diễn viên múa thì phải trẻ, phải đẹp, ưa nhìn và cũng phải có sức khỏe vì không đủ sức khoẻ thì không biểu diễn nổi.
Thông thường nghệ sĩ múa, xiếc cũng chỉ đến 40 tuổi là coi như đã là già lắm rồi. So với các ngành nghề khác múa, xiếc đào tạo lâu hơn. Học sơ cấp, trung cấp từ bé, lên đại học cộng lại phải đến 10 năm đi học. Nhưng đến lúc diễn chỉ diễn được trên 10 năm, cùng lắm là 20 năm. Hai nữa là họ cũng chả có nghề gì khác ngoài cái nghề mình đã đi theo. Tình trạng khó khăn đấy rất nhiều đối với các nghệ sĩ múa, xiếc.
Trong khi đào tạo các nghệ sĩ múa, xiếc thì khó và đòi hỏi tài năng và năng khiếu thiên bẩm. Khi tuyển sinh cả 1000 người mới lấy được một vài người đủ tiêu chuẩn đào tạo múa, xiếc. Trong khi đang có cái bất cập của ngành học này là đầu ra của nghề. Đại đa số bây giờ tốt nghiệp ra trường thì lại mang tính xã hội hoá, có nghĩa là anh nào chạy được việc thì tự đi xin.
Nhà nước mình rõ ràng đang bị chảy máu chất xám rất là nhiều, vì chế độ đãi ngộ, vì cơ chế nên mình mất đi những nghệ sĩ múa, xiếc tài năng thật sự. Chất xám cứ chảy ra ngoài xã hội, chảy ra các vũ đoàn tư nhân, và đa phần các nghệ sĩ họ tự hoạt động, chứ cũng không vào được các cơ quan nhà nước để mà phấn đấu phụng sự cho nghề với những tác phẩm đỉnh cao mà phần lớn chạy theo nhu cầu thị hiếu của cơ chế thị trường.
- Đến nay đã có giải pháp, có chế độ chính sách gì cho các nghệ sĩ tài năng, hay có đặc cách gì cho các nghệ sĩ trẻ mà giỏi nghề không, thưa anh?
+ Trước đây, đối với một số trường hợp tài năng thật sự mà về các nhà hát ca múa nhạc quốc gia tuy không được vào biên chế chính thức nhưng cũng được kí hợp đồng lao động, vẫn có quỹ lương và được đóng bảo hiểm. Nhưng 3 năm nay, theo quy định mới của Bộ Nội vụ xiết lại tình trạng giảm biên, các nhà hát không còn được kí hợp đồng lao động cho các nghệ sĩ trẻ nữa, và tình trạng không có quỹ lương do nhà nước trả, không được đóng bảo hiểm nên các nghệ sĩ trẻ tìm đường bươn chải ra ngoài. Nếu nhà hát nào nhận người về thì nhà hát đấy tự trả tiền lương cho họ. Nhà nước chỉ trả lương cho người có biên chế trong nhà hát. Đây là một vấn đề rất khó khăn cho các đơn vị nghệ thuật. Muốn chiêu mộ người tài, người giỏi thì không có biên chế bởi vì số già thì chưa được giải phóng, số trẻ rất khó vào.
Còn nếu trả lương hợp đồng phải lấy từ những nguồn thu khác không phải là nguồn thu của nhà nước. Ví dụ như nguồn thu từ bán vé, nhưng bán vé cũng không ăn thua. Dù có hợp đồng trong quỹ lương mà Nhà hát có trả lương, nói thật là đồng lương đó chả đáng bao nhiêu. Đối với các bạn có gia đình ở Hà Nội thì đã đành, còn với những bạn không có gia đình ở Hà Nội mà mới ra trường, gọi là ăn lương cơ bản có hơn 3 triệu trên 1 tháng, cộng cả tiền luyện tập vào nữa cùng lắm là 4 triệu. Nói thật là chỉ đủ thuê nhà, chứ không có tiền để mà ăn uống sinh hoạt.
Chính vì thế nên các bạn ấy vừa làm việc của nhà nước nhưng phải tự bươn chải trong xã hội chạy chỗ này, chỗ kia để kiếm thêm chứ không cũng không có tiền để mà duy trì cuộc sống. Hai năm nay, hết đợt dịch này lại đến đợt dịch khác, nghệ sĩ trẻ ngoại tỉnh lên Hà Nội làm việc gặp khó khăn vô cùng, rất là khổ.
Dịch Covid, nhiều CLB vẫn duy trì hoạt động bằng cách livestream - NSƯT Văn Tân (Chủ tịch Hội Văn hoá Quan họ Bắc Giang)
- Sau ngày 30/4 và 1/5, Bắc Giang là nơi tuyến đầu của cả nước vì dịch COVID - 19, vậy hoạt động biểu diễn văn hoá nghệ thuật đã bị ảnh hưởng như thế nào, thưa ông?
+ Đúng là sau đợt nghỉ lễ của cả nước, Bắc Giang là nơi nóng nhất dịch COVID-19, nhưng do Đảng bộ và nhân dân được Trung ương và nhân dân cả nước vì Bắc Giang, Bắc Giang vì cả nước cho nên đã tập trung chống dịch, dập dịch rất hiệu quả. Mặc dù dịch đã cơ bản được khống chế song, bắt đầu từ sáng 29/7 Bắc Giang được giãn cách theo chủ trương của Chính phủ để bảo vệ những thành quả chống dịch và phòng ngừa dịch có thể quay trở lại bùng phát bất cứ lúc nào. Hiện nay trong toàn tỉnh không có ổ dịch nào mới.
Về hoạt động biểu diễn văn hoá nghệ thuật thì cả tỉnh Bắc Giang chỉ có duy nhất một Nhà hát Chèo Bắc Giang và Hội Văn hoá Quan họ tỉnh Bắc Giang (gồm 26 Câu lạc bộ) nằm rải rác trong 10 huyện. NSƯT Tạ Quang Lẫm, Giám đốc Nhà hát chèo Bắc Giang vừa mới báo cáo với tôi từ đầu năm nay cho đến kì nghỉ lễ 1/5 vừa qua, khi chưa bị ảnh hưởng dịch COVID - 19, Nhà hát Chèo Bắc Giang đã kịp thời biểu diễn được 35 buổi phục vụ trong hội thi, hội diễn, phục vụ nhân dân từ huyện, phường, xã cho đến tất cả các hội nghị. Nhà nước giao cho một nhà hát chỉ tiêu 1 năm có 100 buổi diễn thì đã thực hiện được hơn 30 buổi rồi.
- Do ảnh hưởng của đại dịch COVID - 19 từ đầu năm ngoái cho đến nay, nhiều chương trình hoạt động nghệ thuật bị chững lại, kéo theo việc các nghệ sĩ bị giảm thu nhập đáng kể, gây khó khăn chật vật cho đời sống văn nghệ sĩ, nhất là những nghệ sĩ trẻ. Điều đó dẫn đến thực trạng ở một số các Nhà hát như Nhà hát Chèo Việt Nam, Nhà hát Cải Lương Việt Nam... nhiều nghệ sĩ trẻ đã xin thôi việc, tình trạng này có diễn ra ở tỉnh ta không?
+ Bạn biết đấy, Bắc Ninh, Bắc Giang là cái nôi của loại hình văn hoá nghệ thuật biểu diễn, nên các em, các cháu đã ở trong Nhà hát đa phần đều là con nhà nòi. Không phải bố mẹ ông bà thì cô dì chú bác, kiểu gì cũng phải dính đến văn hoá nghệ thuật, kể cả làm nghề khác cũng biết, cũng say câu ca điệu múa. Cả tỉnh có duy nhất một nhà hát chèo, các em, các cháu vào được đấy cũng là hạt giống được ươm mầm từ trong gia đình có truyền thống văn hoá văn nghệ nên không dễ gì từ bỏ đâu. Tôi khẳng định Nhà hát Chèo Bắc Giang cho đến nay vẫn rất ổn định về quân số, chỉ cần bệnh dịch ổn định, hết giãn cách là lại có nhiều tiết mục để phục vụ công chúng.
- Nói gì thì nói, chúng ta không thể phủ nhận dịch COVID - 19 đã làm ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt và tinh thần của người nghệ sĩ. Cùng với Bắc Ninh thì Bắc Giang cũng là nôi của văn hoá quan họ với những liền anh, liền chị mớ ba, mớ bẩy nón thúng quai thao, yếm đào quần lĩnh. Những câu lạc bộ quan họ hoạt động sôi nổi và hiệu quả này chắc chắn cũng đã bị ảnh hưởng.
+ Đúng là cũng có ảnh hưởng nhưng không nhiều lắm đâu. Tôi nói thật đấy, không phải vì mình là Chủ tịch Hội mà mình nói hay cho Hội của mình. Hồi xưa thời chiến tranh, người ta bảo: “Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”, nghĩa là trong cái khó nó ló cái khôn. Nói thật là bao tháng ngày nay tuy bị dịch nhưng nhiều Câu lạc bộ văn hoá Quan họ hoạt động vẫn sôi nổi lắm. Có câu lạc bộ biểu diễn xuyên đêm. Bây giờ là thời đại 4.0, thời của công nghệ kỹ thuật số, thời của máy tính bảng. Nghệ sĩ bây giờ không phải ăn mặc chỉnh tề ra sân khấu, khán giả phải ngồi chật rạp, người nghệ sĩ mới biểu diễn được. Cũng không cần sân khấu phải bục bệ hoành tráng, ánh đèn lung linh thì người nghệ sĩ mới ca hát được.
Khoảng 2 năm nay, từ ngày có dịch các câu lạc bộ vẫn hoạt động không bị gián đoạn bằng cách livestream tại nhà riêng. Người ta liên kết trong tỉnh, rồi ngoài tỉnh và thậm chí cả khán giả ở nước ngoài cũng lên mạng theo dõi và cùng nhau nghe. COVID không làm cho nghệ thuật chùn bước, không giết chết được ý chí sức sáng tạo của người nghệ sĩ. CLB Giã Hương có bố mẹ, con cháu hát quan họ. CLB Mỹ Hương, CLB Sông Thương, CLB Tình Quê có con dâu, con trai, cháu nội, cháu ngoại đều nằm trong CLB. Thế là ông bà, bố mẹ, con cháu, anh chị em cứ qua cái máy tính bảng, điện thoại dựng sân khấu rồi livestream hát hò suốt. Dịch giã thế này, công dân người ta ở nhà nhiều, người nọ bảo với người kia, nên càng đông người xem lắm.
- Hát như vậy thì có nhạc không ạ?
+ À, có chứ, bật nhạc “Bit” ở trên máy tính, còn nếu không có nữa thì hát vo. Hát vo cũng có cái hay riêng.
- Hội có quy định các CLB văn hoá Quan họ livestream theo thời gian nào cụ thể không ạ? Và việc livestream có điều gì bất cập không?
+ Tôi bảo hát livestream 1 tiếng thôi, hay thì không nên nhiều, dài dòng làm gì, nhưng mà nhiều nơi người ta nghe xong lại điện thoại nhắn tin lên mạng, năn nỉ: “cho em hát”, “cho cháu hát”, “cho tôi hát” thế là nể nhau lại tiếp tục hát để phục vụ bà con cô bác khán thính giả mùa dịch này. Hiện nay có làng 2 hoặc 3 CLB cùng liên kết livestream nên chương trình của họ khá phong phú đa sắc màu. Cũng có các CLB phân công nhau, biểu diễn vòng quanh. Nhưng CLB nào hát hay thì khán giả theo dõi nhiều lắm, nghệ sĩ lúc đó họ cũng chờ đông người xem thì mới vào livestream. CLB nào ít khách có đi mời thêm các nghệ sĩ ăn khách khác vào CLB để tham gia thì các nghệ sĩ họ cũng từ chối không theo với lí do “em đã ở CLB chỗ nọ, CLB chỗ kia rồi”. Nó có hiện tượng như thế.